Truyện dài kỳ trên báo Sài Gòn xưa: Hai tác giả gây sóng gió làng feuilleton

31/05/2017 06:49 GMT+7

Người viết feuilleton tạo sóng gió đầu tiên của làng báo Sài Gòn có lẽ là ông Lê Hoằng Mưu. Người thứ hai là nhà văn Phú Đức.

Tiểu thuyết đầu tiên của Nam bộ
Ông Lê Hoằng Mưu xuất thân là nhà báo khá nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20, nhưng cám cảnh nỗi: “Dòm thấy trong xứ cứ ôm truyện Tàu mà dịch mãi, chưa thấy ai viết bộ tiểu thuyết nào cả. Tưởng rằng dầu hay dầu dở cũng của mình. Tôi khởi đầu viết bộ Hà Hương Phong Nguyệt”. Có lẽ vì chi tiết này nên tiến sĩ Võ Văn Nhơn nhận định rằng: “Hà Hương Phong Nguyệt là tiểu thuyết đầu tiên của Nam bộ”. Khoảng năm 1912, Lê Hoằng Mưu viết bộ truyện dài Hà Hương Phong Nguyệt đăng trên Nông Cổ Mín Đàm. Truyện khá dài, đăng lai rai khoảng 6 năm mới dứt.
Hà Hương Phong Nguyệt là một truyện tình “rất mới” đối với xã hội thời bấy giờ.
Truyện xảy ra quanh hai cô vợ của Đậu Hữu Nghĩa là Hà Hương và Nguyệt Ba. Truyện miêu tả nhiều cảnh tình tự nam nữ, điều mà trước đó chưa hề có trên sách báo. Lê Hoằng Mưu từng nói: “Viết ra từ mười năm không ai nói chi. Sau này trong phe viết báo lắm kẻ sanh lòng ganh gổ, kích bác; mà không nói hay dở gì. Tôi mỉm cười! Cười mấy ông này mắt mang kiếng đen, chưa hề xem phong nguyệt của các nước, còn lả lơi quá mười của tôi”. (Lục Tỉnh Tân Văn ngày 12.7.1926).
Viết feuilleton lương ngang đốc phủ sứ
Người viết feuilleton gây sóng gió thứ hai trong làng báo Sài Gòn là nhà văn Phú Đức. Nguyên là một thầy giáo dạy ở Trường Marc Fernando (Gia Định), năm 1924, nhân khi rảnh rỗi, thầy giáo Nguyễn Đức Nhuận (khi ấy chưa lấy tên Phú Đức) đã viết tiểu thuyết và gởi cho tờ Trung Lập Báo đề nghị đăng không lấy tiền. Đó là tiểu thuyết Câu chuyện Canh Tràng ký bút danh Phú Đức. Chuyện chẳng có gì đặc sắc nhưng phó chủ bút Trung Lập Báo là cụ Trương Duy Toản vốn là người viết có danh thuở ấy, lại thấy nơi Phú Đức một tương lai viết feuilleton! Và cũng còn lý do khác là lúc đó tờ Đông Pháp Thời Báo đăng feuilleton của Hồ Biểu Chánh rất ăn khách nên Trung Lập Báo muốn có người viết cạnh tranh giành độc giả. Vì vậy ông mời Phú Đức viết tiểu thuyết cho Trung Lập Báo với lương 20 đồng/tháng.
Năm 1925, Phú Đức cho ra đời feuilleton Châu về hiệp phố, được đánh giá là hay nhứt của ông, ngay khi xuất hiện trên Trung Lập Báo đã thu hút độc giả. Vì tài năng ấy, chủ báo Trung Lập Báo khi ấy là ông De Lachevrotière tăng lương cho ông lên 40 rồi 80 đồng/tháng, tương đương với lương Đốc phủ sứ một quận thời bấy giờ. Khi Châu về hiệp phố đang đăng ngon lành thì xảy ra vụ “De Lachevrotière đá dít Bùi Quang Chiêu ở Bến Nhà Rồng” nên tờ Trung Lập Báo bị người đọc tẩy chay.
Bùi Quang Chiêu vốn là một kỹ sư nông nghiệp, khi ấy dưới sự ủng hộ của chánh quyền, nên được bầu làm “nghị viên Nam kỳ đại diện trong nghị viện ở Pháp”. Ông cũng là người sáng lập đảng Lập Hiến với chủ trương giành lại độc lập cho Nam kỳ bằng con đường nghị trường. Vì vậy, khi ông từ Pháp về Sài Gòn thì được Đông Pháp Thời Báo kêu gọi ủng hộ nên người ta đi đón đông vô kể, kéo dài từ trước cổng Bến Nhà Rồng đến tận trung tâm Sài Gòn. Nhóm đón Bùi Quang Chiêu không thể chạy xe được mà phải đi bộ từ Bến Nhà Rồng đến tòa soạn tờ La Tribune ở đường D’Espagne (Lê Thánh Tôn) mất tới một tiếng đồng hồ!
Đi đón Bùi Quang Chiêu có hai phe. Phe ủng hộ là phe của Đông Pháp Thời Báo do Nguyễn Kim Đính là chủ nhiệm và phe chống đối là Trung Lập Báo do De Lachevrotière làm chủ. Cũng nên biết, De Lachevrotière là một Tây lai (cha Pháp mẹ Việt), vừa là nghị viên Hội đồng TP.Sài Gòn, vừa là chủ báo ủng hộ chánh quyền vô điều kiện, lại được thế lực tư bản Pháp sau lưng ủng hộ hết mình nên tự coi mình là vua làng báo. Vì vậy, việc đón Bùi Quang Chiêu bị De Lachevrotière chống quyết liệt. De Lachevrotière xua người ra ngăn cản người đón, bày những trò đánh lộn, gây rối trật tự để hòng phá việc đón tiếp. Trong lúc tranh cãi với nhóm ủng hộ, De Lachevrotière đòi “đá đít” Bùi Quang Chiêu khiến chút nữa xảy ra ẩu đả với nhà báo Trịnh Hưng Ngẫu, một nhà báo trẻ và là người hăng máu nhứt trong việc ủng hộ họ Bùi.
Sau vụ đó, Trung Lập Báo bị người đọc tẩy chay. Châu về hiệp phố đang đăng ngon lành ở Trung Lập Báo thì bỗng ngưng lại, vì Phú Đức cho rằng: “Chủ Trung Lập Báo phản động”. Nhưng một nhà báo khác lại thấy đó là một việc có lợi. Đó là nhà báo Nam Đình đang làm chủ bút tờ Công Luận Báo, bản quốc ngữ của một tờ báo tiếng Pháp. Chính Nam Đình đã xúi chủ báo - đại tá Sée mời Phú Đức về viết cho Công Luận Báo. Nhưng De Lachevrotière là người cùng phe với đại tá Sée. Do đó, nếu mời Phú Đức về viết cho Công Luận Báo ngay khi ông bỏ Trung Lập Báo thì bỉ mặt bạn bè. Song chuyện làm ăn thì hồn ai nấy giữ, nên sau một thời gian tính toán, đại tá Sée mời Phú Đức về làm chủ bút tờ Công Luận Báo.
Châu về hiệp phố được tiếp tục đăng trên tờ... Công Luận Báo với cái tên mới Hiệp phố châu hườn! Cũng trên tờ báo này, khá nhiều tác phẩm hay của Phú Đức ra đời như Tiểu anh hùng Võ Kiết (được Đoàn cải lương Phước Cương dựng thành tuồng cải lương), Lửa lòng, Căn nhà bí mật... Sau đó, nhân thấy feuilleton của mình ăn khách quá, Phú Đức bèn nghĩ cách ra một tờ báo riêng cho mình lấy tên là Bình Dân chỉ đăng toàn feuilleton. Vậy mà sau có 3 tháng ông đã mua được nhà lầu!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.