Nan giải truyền hình trả tiền

17/11/2012 03:15 GMT+7

Kể từ sau 15.11, các kênh truyền hình nước ngoài không có giấy phép biên tập sẽ phải ngừng cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền tại VN.

Đó là thông tin tại Hội thảo Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về truyền hình trả tiền sáng qua 16.11 tại TP.HCM.

Cần có lộ trình và điều chỉnh phù hợp

Từ ngày 15.11.2012, các quy định về biên tập, biên dịch kênh nước ngoài của Quy chế Quản lý hoạt động truyền hình trả tiền ban hành kèm Quyết định 20/2011/QĐ-TTg ngày 24.3.2011 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu có hiệu lực.

Hiện có đến 75 kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp
Hiện có đến 75 kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp - Ảnh: Bạch Dương 

Theo Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, trước khi quy chế được ban hành, việc biên tập các kênh truyền hình nước ngoài trên hệ thống truyền hình trả tiền còn bị buông lỏng dẫn đến số lượng lớn các kênh chương trình truyền hình nước ngoài  không thực hiện quy trình theo đúng quy định về báo chí. Vì vậy qua rà soát, cấp phép, số lượng đầu mối thực hiện biên tập kênh chương trình nước ngoài đã giảm đáng kể. Trước thực trạng này, ông Nguyễn Trung Nhân - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.Cần Thơ cho rằng, nên chăng chúng ta cần tổ chức lại các kênh truyền hình nước ngoài đang phát cho tốt hơn, chứ nếu cắt - ngưng phát sóng sẽ gây khó khăn trong cung cấp dịch vụ và nhất là “chúng tôi sẽ trả lời thế nào trước chất vấn của người sử dụng trong kỳ họp Hội đồng nhân dân sắp tới, vì trước đây cho phát, bây giờ thì ngưng”.

Về điều này, đại diện Đài truyền hình VN lại băn khoăn vấn đề đối ngoại. Cụ thể, 2 kênh của 2 quốc gia có quan hệ rất quan trọng với chúng ta là NHK của Nhật và OPT của Nga; nhưng sau nhiều lần làm việc, nhất là với NHK, phía Nhật Bản lo ngại vì quy chế yêu cầu họ phải biên tập, biên dịch toàn bộ phần tin tức là không khả thi về nghiệp vụ, nếu làm thì lại tốn nhiều chi phí, từ đó dẫn đến suy nghĩ là chúng ta gây khó khăn cho họ. Vậy nên khả năng NHK không được tiếp tục phát sóng trong hệ thống cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền của VN sau 15.11 là rất lớn. Không chỉ vậy, các kênh như NHK, TV5, OPT… đều hoạt động phi thương mại tại thị trường VN và là các kênh của những quốc gia đang có quan hệ ngoại giao với VN, việc quy định phải biên dịch hoặc lược dịch phần tin tức là quá chặt chẽ và khó thực hiện… Do đó, Đài truyền hình VN “kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông xem xét điều chỉnh quy định, yêu cầu các kênh thể loại này chỉ cần phải biên tập (đảm bảo việc kiểm soát, kiểm duyệt) mà không cần biên dịch, lược dịch phần tin tức; còn lại đều biên tập, biên dịch như quy định ban hành”.

Nhiều vấn đề… chờ giải quyết

Tại hội thảo, nhiều vấn đề khác được quan tâm đã đặt ra, như đẩy nhanh tốc độ số hóa dịch vụ truyền hình cáp; đẩy nhanh tiến độ cấp lại giấy phép theo hướng thu gọn đầu mối (đảm bảo hình thành các doanh nghiệp có năng lực cao, cung cấp dịch vụ chất lượng, có tính cạnh tranh lành mạnh); việc đăng ký lại danh mục kênh chương trình truyền hình nước ngoài theo danh mục do các đơn vị được cấp phép biên tập kênh chương trình truyền hình nước ngoài cung cấp; về chính sách chia sẻ bản quyền các kênh truyền hình sản xuất trong nước (để tránh tạo áp lực cấp phép nhiều kênh truyền hình, lãng phí nguồn lực đầu tư xã hội)…

Song, trong giới hạn của cuộc hội thảo, trước các vấn đề nêu ra trong các tham luận, những thắc mắc của các đơn vị, cá nhân quan tâm đến việc quản lý truyền hình trả tiền…, Bộ Thông tin - Truyền thông cần có thời gian để rà soát, cân nhắc, xem xét lại... để vừa bảo đảm sự hưởng thụ của người xem truyền hình vừa đảm bảo được ở góc độ quản lý. Không chỉ vậy, theo Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, Hiệp hội Truyền hình trả tiền… phải quyết liệt đưa ra những phương án để tham mưu cho Bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng - điều chỉnh Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh truyền hình VN, đặc biệt là vấn đề truyền hình trả tiền, để báo cáo Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Hiện nay, chỉ có 2 đơn vị đủ điều kiện được cấp phép biên tập kênh chương trình nước ngoài, cũng như có 16 kênh chương trình của 2 đơn vị này được cấp phép biên tập là: Trung tâm truyền hình thông tấn - Thông tấn xã VN (10 kênh: Discovery, Cartoon Network, Animal Planet, HBO, ESPN, Disney Channel, Star Sports, Kidsco, Fashion TV SD và HD, Disney Junior) và Đài truyền hình VN (6 kênh: Star Movies, National Geographic Channel, TV5 Monde Asie, Australia Network, DW, KBS World). Trong khi, tổng số kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp trên truyền hình trả tiền của VN hiện nay là 75 kênh (theo báo cáo của Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử).

Nguyên Vân

>> Từ 15.11, Đài truyền hình Nam Định phát sóng trở lại
>> Cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM 2012: Lưu Hiền Trinh đoạt giải nhất
>> Top 4 "Tiếng hát truyền hình 2012" song ca cùng danh ca
>> Tiếng hát Truyền hình TP.HCM 2012: Hát vang như “thuở bé chăn bò”
>> Khởi động Người dẫn chương trình truyền hình 2012
>> Cuộc đua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh
>> Bóng đá và bản quyền truyền hình
>> Giữ bản quyền truyền hình AFF Cup, sao không nghĩ đến người dân?
>> Bản quyền truyền hình - "Cuộc chơi" vẫn còn phía trước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.