Về Hội An, nhớ 'nhật ký Chu Cẩm Phong'

26/01/2017 12:45 GMT+7

Ngày tôi vào học ở khoa Văn đại học tổng hợp Hà Nội, thì anh Chu Cẩm Phong đã ra trường. Sau đó, chúng tôi nghe tin anh đã vào chiến trường khu Năm. Bẵng đi rất nhiều năm, sau khi nhận hung tin anh Chu Cẩm Phong đã hi sinh anh dũng ở chiến trường Quảng Đà, tôi mới lần đầu tiên được đọc quyển Nhật ký chiến tranh của anh đã in thành sách.

Có thể nói, tôi được biết con người Chu Cẩm Phong là nhờ quyển nhật ký của anh.
Ngày 25 tết, có dịp về Hội An thoáng chốc, trong tôi chợt thức về tác phẩm của một nhà văn anh hùng. Anh Chu Cẩm Phong quê Hội An. Tôi còn nhớ, trong quyển nhật ký anh Phong đã hơn một lần nhắc về Hội An quê hương mình, nhắc về người mẹ già vô cùng thương thiết của mình. Anh mong có ngày được về Hội An thăm mẹ. Mong ước ấy không thực hiện được. Nhưng bây giờ anh đã nằm trong nghĩa trang liệt sĩ Hội An, rất gần với ngôi nhà thân thuộc của mình. Rất gần với phần mộ mẹ mình.
Nhật ký chiến tranh chiếm hơn 600 trang trong Chu Cẩm Phong tuyển tập dày 839 trang. Tập “Nhật ký” (Ðây nói tới phần nhật ký đã theo Chu Cẩm Phong xuống chiến trường cho tới khi anh hi sinh) kết thúc ở ngày 27.4.1971, với câu: “10 giờ, 2 chiếc phản lực đến thả bom và bắn đạn 20 ly, sau đó quân bộ kéo sang”. Từ một địa hình gần bờ sông Thu Bồn thuộc huyện Duy Xuyên - Quảng Nam, nhà văn Chu Cẩm Phong đã xếp lại cuốn nhật ký đang ghi dở dang, và cầm súng chuẩn bị chiến đấu. Cuốn nhật ký đã vĩnh viễn dừng ở dòng chữ ấy. Ba ngày sau, Chu Cẩm Phong hi sinh khi bị địch khui hầm. Anh và đồng đội đã chống trả quyết liệt đến viên đạn cuối cùng, và quyển nhật ký vẫn nằm lặng lẽ trong ba-lô.
Quyển nhật ký lẽ ra đã vĩnh viễn bị chôn vùi trong đất, trong im lặng, nếu không có hai sĩ quan của “phía bên kia”. Một sĩ quan tác chiến đã lấy nó từ bên thi hài Chu Cẩm Phong, còn một sĩ quan thuộc phòng chiến tranh chính trị sư đoàn 3 đã nâng niu cất giữ nó đúng trong bốn năm trời, để rồi ngày giải phóng Ðà Nẵng, cuốn nhật ký được người cựu sĩ quan ấy trân trọng trao tận tay một đồng đội văn nghệ của nhà văn Chu Cẩm Phong là nhà thơ Bùi Minh Quốc.
Có rất nhiều cuốn nhật ký được viết trong chiến tranh bởi những người lính, những người tham chiến từ cả hai phía. Nhưng có lẽ ít có cuốn nhật ký nào mà số phận kỳ lạ như cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong: những người đầu tiên được đọc cuốn nhật ký ấy lại là những người lính của bên đối địch, và cũng chính họ là những người đã cất giữ bảo vệ nó cho đến ngày hòa bình. Người sĩ quan chính trị sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn thậm chí còn bao bìa mới cho cuốn sổ và vẽ lên bìa hình một cái cây mọc thẳng dưới mặt trời. Rõ ràng, cuốn nhật ký của một Việt cộng không hề quen biết đã khiến anh xúc động ghê gớm. Cũng rõ ràng, anh có thể đến với những trang ghi trong đó thoạt tiên vì tò mò nhưng sau đó đã bị chúng chiếm lĩnh, ám ảnh, thuyết phục. Bởi một điều đơn giản, cuốn sổ tay ấy là nhật ký mà cũng là một tác phẩm văn học, một tác phẩm chân thực đến tận cùng vì chỉ viết cho riêng mình, một tác phẩm của nhà văn lại được viết khi nhà văn không hề nghĩ mình đang viết tác phẩm. Chu Cẩm Phong chỉ muốn ghi lại cuộc chiến đấu mà anh trực tiếp dấn thân, ghi lại những gì anh đã thấy đã nghĩ đã xúc cảm mãnh liệt về nhân dân mình, đồng đội mình, về con người và về cả những cuốn sách mà anh đã đọc, về một người con gái mà anh đã yêu, về một chốn quê nhà mà bấy lâu anh khắc khoải mong ngày trở lại... Anh chỉ muốn cuốn nhật ký này cùng lắm là làm tư liệu cho những cuốn sách mà anh sẽ viết, nếu may mắn anh còn sống để viết.
Một tác phẩm ra đời nhiều khi rất tình cờ, nhiều khi không hoàn toàn phụ thuộc vào ý định ban đầu của tác giả, nhiều khi vượt ra ngoài sự hình dung của tác giả. Nhật ký chiến tranh là một tác phẩm kỳ lạ như vậy. Ðược viết trong gần bốn năm, được cất giữ trong im lặng (từ cả hai phía: phía đồng đội của Chu Cẩm Phong giữ một phần, phần còn lại được giữ gìn bởi những người lính đối phương) cũng từng ấy năm, và sau hòa bình tới hơn 20 năm mới được in ra cho mọi người cùng đọc. Nhưng Nhật ký chiến tranh vẫn là một tác phẩm cập nhật cho tới ngày hôm nay, khi cuộc chiến tranh đã kết thúc 36 năm. Chỉ viết cho mình, viết để răn mình, viết để nhắc nhở mình, đơn sơ vậy mà thành văn học. Nhưng bạn có biết không, cái đơn sơ ấy là máu, là hi sinh, là quên mình, những điều bây giờ tưởng như cao xa, mà hồi ấy chỉ đơn giản là những dòng nhật ký.
Chiến tranh luôn là một thời gian khác thường trong những không gian ngỡ như bình thường. Chiến tranh buộc người ta bộc lộ mình rõ nhất mà cũng như dễ dàng nhất. Chu Cẩm Phong là một nhà văn, một người lính, một đồng đội, một bí thư chi bộ... ở bất cứ cương vị nào trong số đó, anh đều là một tấm gương, một mẫu mực. Tôi nói thật, nếu còn sống tới bây giờ, người như anh vẫn sẽ sáng trong như vậy, nhân hậu như vậy, và có thể, còn khổ hơn thời chiến tranh nữa. Người như anh sẽ không bao giờ nói hay viết điều gì trái sự thật, sẽ không bao giờ quay lưng lại với nhân dân mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Người như anh, một đảng viên như anh vẫn sẽ thuyết phục được tôi hoàn toàn, dù tôi không là đảng viên. Bởi đảng viên như anh là xung phong chịu gian khổ trước, hưởng thụ sau, hoặc chẳng hưởng thụ được gì mà vẫn vô tư. Người như anh giống nhân dân mình quá.
Tôi đọc Nhật ký chiến tranh là để được một lần nữa trở lại với nhân dân mình ở một thời đau đớn nhất song cũng nhiều xúc cảm nhất. Từng dòng chữ trong cuốn nhật ký cứ ám ảnh, day dứt tôi, và hẳn không chỉ mình tôi hay những đồng đội của anh Phong. Hai sĩ quan quân đội Sài Gòn, những người bị cuốn nhật ký ấy thuyết phục, cuốn hút hẳn cũng đã day dứt như tôi khi đọc nó. Ðiều đó thoạt nghe hơi kỳ lạ, nhưng ngẫm kỹ, lại thấy có gì như tất định. Người Việt Nam mình, dù nhất thời ở đâu, nếu vẫn giữ được lương tâm, nếu vẫn còn tình yêu cái đẹp, vẫn có thể tìm đến, vẫn có thể gặp nhau ở văn học, ở việc đọc một tác phẩm đích thực văn học. Tôi thử giở, hoàn toàn tình cờ vài đoạn trong Nhật ký chiến tranh để các bạn thử đọc: “Thứ 2-12-1-1970 (5 tháng Chạp Kỷ Dậu): Nắng. Hôm nay tổ văn ở nhà sửa chữa bài vở lần cuối cùng để mai gởi đi duyệt. Truyện ngắn của Hải Học “Người của đường phố” mình phải sửa một lần nữa, nghe còn sượng. Buổi tối họp và thông qua bản thảo tập thơ và ca dao sản xuất lấy tên “Vụ mùa thắng Mỹ”, chiều nay một con lợn nữa đương khỏe mạnh ăn rất dữ rất nhanh nhẹn lại lăn đùng ra chết. Lần này không cho ăn vỏ sắn. Ông già Xót bảo là nó say sắn. Tiếc quá chừng. Ðổ nước đường mà vẫn không cứu được”( hết trích). Và đây nữa: “Thứ Bảy 1-8-1970 ( 30 tháng 6): Hôm qua lấy một ít mỳ chính và muối đổi được 6 lon bắp hột, hầm cả ngày hôm nay, lương thực như vậy cũng không lo lắm, chỉ chán là không có gì ăn, chỉ ba hột muối nướng. Chia tay Thứ, anh ta đau nằm lại, đường hôm nay cũng khó đi, nhưng may là không mưa nên cũng đỡ hơn. Dốc cao quá đỗi. Ðây đã là H30 Kontum, tạt vào 2 làng dân tộc chơi, không biết họ dân tộc gì, mình nói tiếng Kà Dong chỉ có một anh hiểu được lõm bõm. Ði qua những đồi xà nu đẹp vô cùng, hương thơm của nhựa xà nu thoáng bay trong không trung. Mặc dù trời nóng, đường trống, nhưng hít thở hương thơm ngào ngạt của nhựa xà nu mình bỗng thấy phấn chấn, trong mình dậy lên tình cảm yêu mến thiết tha những đồi xà nu hùng vĩ này. Tối nghỉ lại trạm Chấn. Lúc mới đến, các cậu lạnh nhạt, nhưng mình chuyện trò một lúc thì trở nên thân mật, họ giúp đỡ mình tận tình” (hết trích).
Văn của Chu Cẩm Phong cứ hồn nhiên gần gũi và chân thực như vậy từ đầu tới cuối cuốn nhật ký. Có lẽ, chúng ta nên đọc thêm một đoạn nữa để cảm nhận rõ hơn văn phong của anh: “Chủ nhật 2-8-1970 (1 tháng 7): Vẫn đi theo con sông Nước Mỹ. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Nước Mỹ uốn lượn như một con trăn đầy vẩy bạc. Ði qua những ruộng bậc thang của người Moi. Lúa đã bắt đầu chín. Tiếng mõ đuổi chim bằng sức nước kêu đều đều kờ lốc cốc cốc... kờ lốc cốc cốc... Người ta đan những mảnh nứa thành hình con chim treo trên ruộng, bay lượn là đà. Trên bờ ruộng người ta trồng chuối, mía... Một chú bé giữ ruộng rất tốt bụng và vui tính, nói chuyện với mình bằng tiếng Kà Dong. Một lúc sau chú bảo đứa em gái bợ ra cho mình một trái dưa gang to bằng bắp tay ngọt mát. Trạm Giá đầy khách nằm chờ, nhà nào cũng chật ếm, có đến 50 người. Ban đêm rét kinh khủng, nhà nào cũng đốt lửa, vai chạm nhau trò chuyện suốt đêm. Họ kể đủ thứ chuyện, chuyện chiến đấu, chuyện về một giấc chiêm bao họ vừa chợp thấy. Một anh quê ở Gia Lâm, nơi đầy sen, mơ thấy về gia đình” (hết trích). Mới đọc đoạn này, cứ ngỡ đang đọc một đoạn nhật ký du lịch. Nhưng rồi, chiến tranh vẫn len vào ngay những dòng chữ thanh bình, như một ám ảnh: “Một anh quê ở Gia Lâm, nơi đầy sen, mơ thấy về gia đình”. Chỉ như thế, mà khiến ta nghẹn ngào. Tôi tin, nếu đọc kỹ và xét kỹ, người ta sẽ thấy đó là một tác phẩm “có chỗ đứng dưới mặt trời”, dù xét nó là tác phẩm văn học thời chiến tranh hay tác phẩm mới xuất hiện sau hòa bình. Và đó là một tác phẩm văn học có số phận, một số phận kỳ lạ và cũng chịu những hi sinh mất mát như chính tác giả của nó, nhà văn - liệt sĩ Chu Cẩm Phong.
* Nhà văn đã hi sinh. Nhưng may thay, cuốn nhật ký tự nó đã là một tác phẩm văn học. Có thể coi đó là một dạng tiểu thuyết - nhật ký, hay chỉ là một cuốn nhật ký - tác phẩm, như kiểu Nhật ký Anne Frank hay Nhật ký Ðặng Thùy Trâm mà cả thế giới đã đọc trong xúc động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.