Vĩnh biệt ‘hề nhựa' Thanh Hoài

23/12/2014 18:16 GMT+7

(TNO) Trước năm 1975, nhiều khán giả trung niên hẳn còn ấn tượng mạnh về “ông hề” Thanh Hoài.

(TNO) Trước năm 1975, nhiều khán giả trung niên hẳn còn ấn tượng mạnh về “ông hề” Thanh Hoài.

Nghệ sĩ Thanh Hoài - Ảnh: Th.Hiệp

Hồi ấy mọi người thường nghe radio. Có những chương trình mà Tùng Lâm và Thanh Hoài hay diễn với nhau. Và trên tivi cũng thường thấy hai ông cặp kè. Ông Tùng Lâm thì “lanh” hơn, nói lẹ hơn, còn ông Thanh Hoài thì “chậm rì”, giọng nghe nhừa nhựa, nhưng hễ ông “nhấn” chỗ nào là khán thính giả phải cười rần lên.
Sau này, khán giả có dịp gặp lại Thanh Hoài trên sân khấu kịch Phú Nhuận. Vai cụ cố Hồng trong vở Số đỏ quả đúng là dành cho ông. Cụ cố Hồng có câu nói nổi tiếng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Câu ấy khi vào miệng Thanh Hoài thì cái chất nhừa nhựa nhấn nhá tài tình đã làm nó thăng hoa hơn, khán giả nghe xong liền phì cười.
Ông học nghề từ những nghệ sĩ gạo cội như NSND Ba Vân, NSND Năm Châu, soạn giả Duy Lân, quái kiệt Trần Văn Trạch. Và ông trở thành một trong 7 danh hài của Sài Gòn cùng với Thanh Việt, Tùng Lâm, Xuân Phát, Khả Năng, Phi Thoàn, La Thoại Tân.
NSND Hồng Vân nhớ lại: “Tôi rất quý bác. Làm việc chung với bác sẽ thấy bác rất hiền, ai nói gì cũng cười thôi. Nhưng tinh thần trách nhiệm với nghề thì rất cao. Bác đi tập tuồng nghiêm túc, không bắt ai phải chờ đợi. Tôi còn quý bác ở sự thức thời. Bác không ỷ mình từng là ngôi sao hài kịch, mà chấp nhận đồng hành với lớp trẻ, chấp nhận diễn theo sân khấu hôm nay, đạo diễn hoặc đồng nghiệp có ý kiến là bác sửa liền, không trịch thượng, không giận dỗi. Một thế hệ nghệ sĩ không chỉ có tài mà còn có đức”.
Còn theo nghệ sĩ Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM Thanh Hoài đúng nghĩa là “quái kiệt” - danh xưng này còn hơn cả danh hài. Bởi “quái kiệt” là vừa xuất hiện người ta đã muốn cười. Ông diễn nhẹ nhàng, không lạm dụng kỹ xảo, nhưng khiến người ta nể nang. Nể nang cả sự nhiệt tình của ông nữa. Còn sức là còn diễn, đi phục vụ nơi xa cũng vui vẻ.
Nghệ sĩ Thanh Hoài tên thật là Đinh Tiến Hoài, sinh năm 1932 tại Hưng Yên. Năm 1952 ông theo mẹ vào Nam, học nghề rồi trở thành vua hề trên sân khấu và phim ảnh. Ông mất ngày 22.12.2014, thọ 82 tuổi. Linh cữu quàn tại nhà riêng (811 Đoàn Văn Bơ, Q.4, TP.HCM). Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 25.12; hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.