Vui chơi giải trí ngày xuân

04/02/2016 05:43 GMT+7

Tết Nguyên đán năm nay có rất nhiều chương trình vui chơi giải trí đặc sắc diễn ra trên khắp cả nước, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Vở diễn tết Bí ẩn cà phê 3D của bà bầu Hồng Vân - Ảnh: Quỳnh TrânVở diễn tết Bí ẩn cà phê 3D của bà bầu Hồng Vân - Ảnh: Quỳnh Trân
TP.HCM
Bắn pháo hoa nghệ thuật mừng năm mới: Bắn pháo hoa tầm cao từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 8.2 (mùng 1 tết) tại khu vực đường hầm sông Sài Gòn (Q.2), công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11).
Bắn pháo hoa tầm thấp tại 2 địa điểm: Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (H.Củ Chi), sân bóng đá H.Cần Giờ và chương trình pháo hoa tại Đền tưởng niệm các vua Hùng do Ban Quản lý khu công viên lịch sử - văn hóa dân tộc tổ chức.
Lễ dâng cúng bánh tét lên Quốc tổ Hùng Vương diễn ra tại khu tưởng niệm các vua Hùng (Q.9) lúc 8 giờ ngày 5.2 (27 tháng chạp). Chương trình dâng hương Quốc tổ Hùng Vương, các vị nhân thần, nhiên thần và phát lộc đầu năm cho đồng bào diễn ra từ 0 giờ đến 2 giờ ngày 8.2 (mùng 1 tết) tại khu vực chánh điện đền tưởng niệm các vua Hùng.
Triển lãm ảnh về các thành tựu của TP.HCM trong giai đoạn từ 2010 - 2015 (đến hết ngày 29.2) và Triển lãm thư họa, biểu diễn trà Việt từ ngày 7 - 10.2 (29 tháng chạp đến mùng 3 tết) tại Khu công viên lịch sử - văn hóa dân tộc. Trò chơi dân gian với nhiều trò chơi hấp dẫn: ném lon, đi cầu khỉ, ném bi, kho báu Bắc cực, ông địa vui tết, ô ăn quan... từ 17 giờ 30 đến 23 giờ ngày 7.2 (ngày 29 tháng chạp). Chương trình nghệ thuật ca múa nhạc mừng xuân Bính Thân 2016, từ 20 - 22 giờ ngày 7.2 (ngày 29 tháng chạp) tại Quảng trường Khu tưởng niệm các vua Hùng với sự góp mặt của nhiều nhóm nhạc, ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng.
Ca sĩ Ý Lan - Ảnh: Hồ Khánh
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng - Ảnh: N.Vân
Ca sĩ Lệ Quyên - Ảnh: N.Vân
Sân khấu The V Show: Từ ngày 8 - 14.2 (mùng 1 - 7 tết): chương trình Xuân tái ngộ của cặp đôi Vân Sơn - Bảo Liêm. Sân khấu Phú Nhuận: Từ ngày 8 - 14.2 (mùng 1 - 7 tết) diễn các vở Một cha ba mẹ, Gia đình bá đạo, Ảo ảnh (Người vợ ma phần 3), Quả tim máu. Sân khấu SuperBowl: Bí ẩn cà phê 3D (Xóm trọ 3D phần 2), Oan hồn truyện, Tiệm tóc âm dương, Điềm báo... Sân khấu Sao Minh Béo: Từ ngày 8 - 28.2 (mùng 1 - 21 tết) “sáng đèn” nhiều vở: Cưới vợ cho chồng, Trạng làm quan, Showbiz, Lụa máu, Sông chờ và kịch thiếu nhi Tây du ký, Cậu bé rừng xanh... Sân khấu Hồng Hạc: Từ 11 - 17.2 (mùng 4 - 10 tết) diễn: Giờ của quỷ, Diễn viên hạng ba, Visa, Đảo lửa, Thiên Thiên. Sân khấu Kịch Sài Gòn: Tử hình (3.2), Áo cho người chết (4.2), Bóng ma trên giường cưới (5, 6.2). Sân khấu Nụ Cười Mới: Cậu ấm, Chuyện không ngờ (8 và 11.2), Vị khách không mời, Rước lộc vào nhà (9 và 12.2). Sân khấu Kịch Thế Giới Trẻ: Ma nữ si tình (8.2), Khách sạn ngàn sao, Trót yêu (9.2), Dream boys (11.2), Mộ hoang (12.2), Chuyện tình Bangkok (13.2). Sân khấu Hoàng Thái Thanh: Mình có quen nhau không (8, 9, 10, 13.2), Lan và Điệp (8, 9, 10, 12.2), Nửa đời hương phấn (12, 21.2), Nửa đời ngơ ngác (13.2), Bao giờ sông cạn (14.2), Buồn ơi, chào mi (27.2). Kịch Idecaf: Thú yêu thương (8, 10, 12, 17.2), Vẻ đẹp hoàn hảo (9, 11, 12, 13, 14.2), Cướp dâu (9, 10, 11, 13, 21.2), Ngũ quý kỳ phùng (19.2), Tình gần (21.2).
Nhà văn hóa Thanh niên: Chương trình ca nhạc giải trí tết: Phút giao thừa (7.2), Mừng xuân mới (8.2), Xuân yêu thương (9.2); ca nhạc hài kịch Ước mơ xuân, trò chơi cờ người (10.2); gala Bong bóng nghệ thuật (11.2); hội võ dân tộc (12.2)...
Sân khấu ca nhạc 126: Chương trình mừng xuân với các ca sĩ: Giao Linh, Quang Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Kasim Hoàng Vũ, Phan Đinh Tùng, Quang Hà, Vũ Hà, Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc, Cao Thái Sơn...; các cây hài: Hoài Linh, Chí Tài, Long Đẹp Trai, Trấn Thành, Thanh Tùng, Khánh Nam, Tiết Cương... (từ 8 - 14.2).
Phòng trà Không Tên: Chương trình đặc biệt Mừng xuân Bính Thân với tiếng hát Lệ Quyên, Quang Linh cùng nhóm hài Trường Giang (8.2); Đàm Vĩnh Hưng, khách mời: Dương Triệu Vũ và nhóm hài Trường Giang (9.2); Lệ Quyên, Quang Lê và nhóm hài Trường Giang (10.2); Lệ Quyên, Quang Lê (11.2); Lệ Quyên, Quang Dũng (12.2); Lệ Quyên, Hiền Thục, Lê Hiếu (13.2); đêm Happy Valentine với tiếng hát Lệ Quyên, Lê Hiếu (14.2).
Phòng trà We: Đêm nhạc Tâm sự ngày xuân của 4 giọng ca vàng Giao Linh, Phương Dung, Sơn Tuyền, Kim Anh (8.2), Quang Lê, Huyền Trân, Thúy Huyền, Minh Thảo, Tiến Vinh, Trường Tam (9.2), đêm Hoa xuân với tiếng hát Ý Lan (10.2), Tường Nguyên, Hà Vân, Lâm Ngọc Hoa (11.2), Thanh Phong, Phương Dung, Giao Linh (13.2).
MTV: Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Hiền Thục... và danh hài Trường Giang (8.2); Đàm Vĩnh Hưng, Quang Hà, Khổng Tú Quỳnh và Trường Giang (9.2); live show Đàm Vĩnh Hưng, khách mời - Trường Giang (10.2); Phan Đinh Tùng, Thanh Ngọc, Bảo Anh, Quách Tuấn Du và danh hài Chí Tài (11.2); Hiền Thục, Dương Triệu Vũ, Thanh Duy, Trương Quỳnh Anh (12.2); nhóm The Men, Bảo Thy, Mai Quốc Việt, Tiêu Châu Như Quỳnh và danh hài Chí Tài (13.2); Hari Won, Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc, Khổng Tú Quỳnh và danh hài Trường Giang (14.2).
Phòng trà Tiếng Xưa: Chương trình ca nhạc và khiêu vũ do ban nhạc cùng 12 ca sĩ của phòng trà biểu diễn (8.2); đêm nhạc ca sĩ Kim Anh - Như giọt xuân rơi (9.2); ca sĩ Randy - Xuân về với mẹ (10.2).
Các tỉnh thành khác
Dàn sao biểu diễn tại Nam Định. Năm nay tỉnh Nam Định bắn pháo hoa vào thời điểm giao thừa tại bờ hồ Vị Xuyên và khu vực Big C của TP.Nam Định. Điểm nhấn nổi bật năm nay là chương trình Tết quê hương 2016 được tổ chức tại Quảng trường Nhà văn hóa 3.2 TP.Nam Định vào ngày 6.2 (28 tháng chạp). Trong đó, lần đầu tiên đồng thời xuất hiện tại Nam Định các nghệ sĩ nổi tiếng như Minh Quân, Khắc Hiếu, Nhật Thủy, Vũ Thảo My, ca sĩ Ngọc Kư, nhóm Thăng Long... Đặc biệt, Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng sẽ góp mặt trong chương trình này. Người dân sẽ được thưởng thức miễn phí chương trình này.
Ninh Bình: Quần thể danh thắng Tràng An vẫn mở cửa đón khách. UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trong đêm giao thừa tại 3 điểm: trung tâm TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp và H.Hoa Lư. Ngày 13.2 (mùng 6 tháng giêng) diễn ra lễ khai hội chùa Bái Đính. Ngày 14.2 (7 tháng giêng) tại Đền Trần (nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An) diễn ra nghi lễ "Phát lát" hay còn gọi là nghi lễ "Mở cửa rừng", thể hiện sự kính trọng với thần rừng, thần núi, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng...
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An vẫn mở cửa đón du khách, các hướng dẫn viên, nhân viên chèo đò thay phiên nhau túc trực để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách.
Thanh Hóa: 7 điểm bắn pháo hoa. Cụ thể: bắn pháo hoa tầm thấp tại Quảng trường Lam Sơn (TP.Thanh Hóa), trung tâm hành chính TX.Sầm Sơn, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC (TX.Sầm Sơn) và trung tâm Khu kinh tế Nghi Sơn (H.Tĩnh Gia); bắn pháo hoa tại Sân vận động TX.Bỉm Sơn, Trung tâm văn hóa thể thao Công ty xi măng Bỉm Sơn (TX.Bỉm Sơn) và Trung tâm văn hóa thị trấn H.Ngọc Lặc. Tại các điểm bắn pháo hoa, Sở VH-TT-DL phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chào đón giao thừa Tết Bính Thân từ 21 - 23 giờ 55. Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ và Tượng đài anh hùng dân tộc Lê Lợi; các điểm du lịch, danh thắng như hang Mắt Rồng, động Tiên Sơn, đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng... ở TP.Thanh Hóa cũng sẽ mở cửa trong suốt những ngày trước, trong và sau tết để phục vụ người dân dâng hương, vãn cảnh...
Hội đánh bài chòi cổ tại TP.Quy Nhơn - Ảnh: Hoàng Trọng
Ảnh: Lâm Viên
Nghệ An: Đêm 29.1 sẽ diễn ra Đêm hội giao thừa tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Vinh) với các hoạt động múa lân, biểu diễn dân ca ví dặm, ca múa nhạc truyền thống, khiêu vũ quốc tế và thời trang đường phố, bắn pháo hoa. Trong dịp Tết Nguyên đán cũng sẽ diễn ra triển lãm ảnh tại các bảo tàng và Quảng trường Hồ Chí Minh; tổ chức các trò chơi dân gian tại Trung tâm văn hóa tỉnh, chiếu phim tại Trung tâm điện ảnh; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các trung tâm huyện, thị trên địa bàn.
Đà Nẵng tôn vinh văn hóa cổ truyền: Trong đêm giao thừa, người dân và du khách sẽ được thưởng lãm những màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Đà Nẵng tại 4 điểm là cầu Nguyễn Văn Trỗi, Sân vận động Q.Ngũ Hành Sơn, bãi đất trước trung tâm hành chính Q.Liên Chiểu và H.Hòa Vang. Bên cạnh đó, nhằm tôn vinh văn hóa cổ truyền của dân tộc, từ mùng 1 - 10 tháng giêng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức biểu diễn múa rối cạn, rối nước tại công viên 29.3 và các vở tuồng kinh điển tại trung tâm văn hóa các quận, huyện trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Nhà hát Trưng Vương tổ chức chương trình ca nhạc - hài kịch vào mùng 5 tết, Trung tâm văn hóa thành phố tổ chức chương trình văn nghệ Đà Nẵng vào xuân vào mùng 6 tết. Đại sứ quán Ấn Độ tại Đà Nẵng cũng phối hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật của vũ đoàn Ấn Độ tại công viên châu Á từ mùng 4 - 6 tết.
Bình Định: Chương trình Dạ hội đón giao thừa Bính Thân 2016 diễn ra vào tối 7.2 (29 tháng chạp) tại Quảng trường Trung tâm tỉnh Bình Định với chủ đề Sắc xuân trên quê hương Bình Định. Tết năm nay, lần đầu tiên Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (ở P.Thị Nại, TP.Quy Nhơn) tổ chức ban ấn cho người dân, du khách từ mùng 2. Năm nay cũng là lần đầu tiên TP.Quy Nhơn có đường hoa tại đường Vũ Bảo. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động đón tết như: Lễ kỷ niệm 227 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung (H.Tây Sơn), Lễ hội Chợ Gò - Trường Úc (H.Tuy Phước), Hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi (H.Tuy Phước), Đêm hội Tháp Đôi, biểu diễn tuồng, biểu diễn cờ người, Liên hoan Múa lân - sư - rồng... (TP.Quy Nhơn)... Trong năm nay, hội đánh bài chòi dân gian sẽ diễn ra tại nhiều xã, phường ở H.Hoài Nhơn, H.Tuy Phước, H.Tây Sơn, TP.Quy Nhơn... Trong đó, hội đánh bài chòi cổ tại bãi cỏ trước Trung tâm thương mại Quy Nhơn sẽ bắt đầu từ tối mùng 2 tết.
Ninh Thuận: Chương trình biểu diễn nghệ thuật, bắn pháo hoa chào năm mới vào đêm giao thừa đều diễn ra tại Quảng trường 16 Tháng 4, TP.Phan Rang-Tháp Chàm. Ngoài ra, từ ngày 3 - 11.2 (từ 25 tháng chạp đến mùng 4 tết) tại khu vực Bảo tàng Ninh Thuận diễn ra Hội thi cây cảnh và trưng bày cây cảnh.
Nha Trang: Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, tập trung nhiều nhất tại khu vực dọc tuyến đường ven biển Trần Phú như hội bài chòi; thi đấu cờ người; biểu diễn nghệ thuật đường phố... Bắn pháo hoa đón năm mới tại 4 điểm: TP.Nha Trang, TP.Cam Ranh, H.Vạn Ninh và H.Khánh Vĩnh. TP.Nha Trang sẽ bắn pháo hoa tại khu vực Quảng trường 2 Tháng 4 trong 15 phút.
Gia Lai: Lễ hội giao thừa năm nay sẽ có màn bắn pháo hoa và chương trình nghệ thuật đặc sắc, hoàn toàn mới so với mọi năm do Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San dàn dựng, biểu diễn. Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê do Bảo tàng Gia Lai tổ chức vào ngày 13.2 (mùng 6 tết) tại sân bảo tàng.
Chợ nghệ thuật Đà Lạt: Mừng xuân Bính Thân, Công ty XQ Đà Lạt đưa vào hoạt động khu “Chợ nghệ thuật” tại số 27 Yersin, P.10, TP.Đà Lạt (mở cửa tự do). Tại đây, du khách được thưởng lãm bộ sưu tập tranh thêu Ấn tượng mùa xuân; xem các nghệ sĩ vẽ tranh bằng các chất liệu bút lửa, sơn dầu, thêu tranh trên giấy trúc chỉ với chủ đề Tôi yêu Đà Lạt của tôi (ảnh). Bên cạnh đó còn triển lãm nhiều tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ sắt vụn, tôn phế thải, gỗ vụn... Đặc biệt, chợ nghệ thuật có phòng hòa nhạc do các nghệ sĩ XQ biểu diễn, phòng chiếu phim, phòng đọc sách...
Bến Tre, Hội xuân Bính Thân năm 2016 diễn ra trong toàn tỉnh từ ngày 6 - 12.2 (28 tháng chạp - mùng 5 tết). Tổ chức đêm văn nghệ đón giao thừa, trong đó có bắn pháo hoa tầm thấp, tại TP.Bến Tre từ 22 giờ 45 ngày 7.2 - 0 giờ 15 ngày 8.2. Tổ chức không gian trưng bày hoa kiểng, cây cảnh, vật cảnh tại khu vực hồ Trúc Giang và các công viên tại TP.Bến Tre từ ngày 3 - 12.2 (25 tháng chạp - mùng 5 tết).
Cà Mau: Hội hoa xuân tổ chức tại khu quảng trường Trung tâm hội nghị tỉnh với nhiều hoạt động: khu chợ hoa, vườn xuân, sinh vật cảnh, khu vui chơi thiếu nhi, sân khấu ca nhạc, ẩm thực. Đêm giao thừa Phòng VH-TT TP.Cà Mau, Trung tâm văn hóa tỉnh, đoàn cải lương Hương Tràm và Đội văn nghệ Khmer phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Quảng trường Thanh - Thiếu niên cùng màn bắn pháo hoa nghệ thuật chào năm mới.
Phim Việt chiếu rạp
Lộc phát. Phim hài hành động của đạo diễn Lê Bảo Trung, chiếu từ 5.2. Trong phim, Đinh Ngọc Diệp vào vai cô gái tên Mai, yêu nhầm gã đào hoa tên Cát (Bình Minh đóng). Ngoài ra, phim còn có sự góp mặt của các diễn viên: Hiếu Hiền, Kiều Minh Tuấn, ca sĩ Phi Hùng, Hoàng Sơn, Hoàng Yến Chibi, BB Trần.
Yêu là phải xài chiêu. Phim do Khương Ngọc đồng đạo diễn với Ngọc Hùng, chiếu từ 5.2. Khương Ngọc cũng đóng vai nam chính và diễn cùng Thủy Top. Phim xoay quanh chàng Ngốc (Khương Ngọc) to xác nhưng tính tình như một đứa trẻ. Ngốc yêu cô hàng xóm mới có vẻ ngoài mềm mại của một nữ diễn viên múa nhưng giỏi võ. Phim còn có các diễn viên: Thu Trang, Tiến Luật, La Thành, Anh Đức...
Ám ảnh. Đây là phim kinh dị Việt duy nhất ra rạp dịp tết năm nay, do đạo diễn Bảo Nguyễn thực hiện, chiếu từ 10.2. Ngoài Yaya Trương Nhi, phim có sự tham gia của Hiếu Nguyễn, Chibi Hoàng Yến, Trần Tuấn Lương, NSƯT Kim Xuân, Minh Thuận và Quốc Cường. Chuyện phim kể về một cô gái hiền lành xuất thân từ chốn thôn quê yêu một tay chơi nên trở thành con người thực dụng và ham giàu sang, thác loạn, phải chịu quả báo bằng chính mạng sống.
Tía tui là cao thủ. Phim hài chiếu từ 29.1, nội dung xoay quanh một gia đình làm thuốc đông y, sống hạnh phúc tại một vùng quê yên bình, nhưng lại bỏ quê lên thành phố. Ngoài Hoài Linh và Hoài Lâm, phim có sự tham gia của Việt Hương, Ngô Kiến Huy, Ái Phương, Yu Dương, Khả Như và Cát Tường...
Siêu trộm. Phim hình sự, hài, giả tưởng của đạo diễn Hàm Trần, chiếu từ 4.2, kể về một trinh sát đặc nhiệm huy động nhóm hacker kiêm siêu trộm để truy bắt một tội phạm quốc tế. Dàn diễn viên trong phim gồm Nhung Kate, Suboi, Thành Phạm, Petey Nguyễn, Thanh Mỹ, Mai Thế Hiệp, nam diễn viên Hàn Quốc - Tea Yoo, Ngô Thanh Vân...
Hà Nội
Chương trình Hành trình kết nối yêu thương được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám vào đêm 7.2 (29 tết), kết hợp giữa biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, DJ và trình chiếu 3D mapping. Lần đầu tiên, công nghệ hình ảnh 3D mapping mới nhất trên thế giới được trình chiếu ở mặt trước của Nhà hát Lớn. Các hình ảnh này được xây dựng theo lịch sử của nhà hát gắn với lịch sử của VN ở nhiều giai đoạn khác nhau. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Tổng đạo diễn chương trình, cho biết chất liệu âm nhạc chính của chương trình là worldmusic, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Chương trình sẽ kéo dài tới thời khắc giao thừa, chào đón năm mới với sự tham gia của các nghệ sĩ: ca sĩ Đăng Dương, Hà Anh Tuấn, Đông Nhi, Khắc Việt, Tú Dưa - Lâm Trang, DJ Slim V...
Hà Nội bắn pháo hoa tại 31 điểm. Trong đó có 6 khu vực bắn pháo hoa tầm cao: trước Bưu điện Hà Nội (Q.Hoàn Kiếm), công viên Thống Nhất (Q.Hai Bà Trưng), vườn hoa Nguyễn Hoàng Tôn (Q.Tây Hồ), hồ Văn Quán (Q.Hà Đông), Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Q.Nam Từ Liêm), thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Ngoài ra có 25 khu vực bắn pháo hoa tầm thấp tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Bảo tàng Dân tộc học, Hà Nội sẽ mở cửa lại vào ngày 11.2, tức mùng 4 tết với chương trình Vui xuân Bính Thân. Chương trình có hai phần. Phần hoạt động thường kỳ (11 - 14.2 tức 4 - 7 tết) với múa tứ linh, múa sạp, làm pháo đất, chơi trò chơi dân gian, đốt pháo bông, múa rối nước, viết thư pháp, đánh đu. Phần hoạt động thứ hai (13 - 14.2 tức 6 - 7 tết) giới thiệu văn hóa địa phương sẽ nhấn vào những nét văn hóa Kon Tum, Tây nguyên. Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN (Đồng Mô) trong hai ngày mùng 3 - 4 tết tổ chức giới thiệu các tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc của người Thái, Mường; từ 5 - 8 tết diễn ra hoạt động Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc. Bà con dân tộc Thái (tỉnh Sơn La), dân tộc Tày (tỉnh Thái Nguyên), dân tộc Giáy (tỉnh Hà Giang) được mời tới đây để tổ chức các hoạt động của dân tộc mình.
Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long sẽ mở cửa cho khách tham quan vào mùng 3 tết. Sau đó, vào 9 giờ 30 mỗi ngày từ mùng 4 - 9 tết có biểu diễn âm nhạc dân gian; rối nước biểu diễn ngày 3 suất: 10, 14 và 16 giờ.
Trung tâm quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống tại các di tích trong khu phố cổ. Mùng 1 tết tại đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, mùng 2 tại đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào, mùng 3 tại Hội quán Phúc Kiến 40 Lãn Ông, mùng 4 tại Trung tâm thông tin di sản phố cổ.
Văn Miếu vẫn tiếp tục giữ phố ông đồ và các hoạt động cho chữ. Việc cho chữ năm nay được kiểm soát chặt về chất lượng qua sát hạch ông đồ. Giá cả cũng được niêm yết.
Triển lãm ảnh Làng nghề đón xuân tại đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, Hà Nội sẽ kéo dài đến hết 22.2.
Ca múa nhạc kịch tổng hợp: Rạp xiếc Trung ương 67 Trần Nhân Tông ra mắt chương trình xiếc đặc biệt cho khán giả nhí với tên gọi Khỉ Mon bay cùng thế giới hoạt hình. Chương trình diễn ra vào 15 giờ các ngày từ mùng 4 - 7 tết. Chùm hài kịch Tình yêu cười sẽ diễn ra ngày 14.2, tức mùng 7 tết tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các tiểu phẩm gồm: Qua sông, Đám cưới, Đêm tân hôn, Chim trắng mồ côi và Soi gương đều do NSƯT Chí Trung dàn dựng từ kịch bản của GS Cù Trọng Xoay Đinh Tiến Dũng.
Trích đoạn Thị Mầu lên chùa của Nhà hát Chèo Hà Nội - Ảnh: T.L
Nhà hát chèo Hà Nội diễn liên tục chương trình Long thành diễn xướng từ 18 giờ các ngày 5 - 7.2, 9 - 13.2 tại 15 Nguyễn Đình Chiểu. Chương trình gồm nhiều trích đoạn sân khấu truyền thống, các tiết mục diễn xướng mang dấu ấn văn hóa Thăng Long. Trong đó chèo vẫn được lấy làm dấu ấn chủ đạo với lớp diễn Thị Mầu lên chùa, Phù thủy sợ ma, chèo kết hợp với rối nước. Nghệ thuật ca trù, hát xẩm, chầu văn cũng có mặt trong chương trình này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.