Perodua: Hành trình 25 năm đến vị trí thống lĩnh thị trường Malaysia

05/11/2018 08:57 GMT+7

Nhắc đến hãng xe Malaysia, mọi người hay nói về thành công “sớm nở tối tàn” của Proton. Nhưng cho đến nay, hãng xe quốc gia Perodua, người em kém Proton 10 tuổi, lại đang thống lĩnh thị trường xe lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

[VIDEO] Vì sao hãng xe Malaysia Perodua chiếm lĩnh thị trường nội địa?

Người đến sau và vị trí dẫn đầu

Trang DSF Malaysia năm 2017 từng đăng bài ảnh với tiêu đề ‘Perodua đã ‘xâm lăng’ khu nhà tôi như thế nào’ cho thấy một loạt chiếc Perodua ở hai dãy nhà. Tác giả bài viết cho rằng, đây chỉ một trong rất nhiều dãy nhà ở Malaysia với sự xâm chiếm gần như 80% của hãng xe Perodua - một hãng xe nội địa, dù thành lập sau Proton nhưng đang thống lĩnh thị trường.

Năm 1991, thủ tướng Malaysia đương thời ông Mahathir Mohamad công bố dự án công ty ô tô nội địa thứ hai sau Proton, mang tên Perodua (Perusahaan Otomobil Kedua - doanh nghiệp ô tô thứ hai), liên doanh với công ty Nhật Bản Daihatsu (thuộc tập đoàn Toyota). Công ty được yêu cầu không cạnh tranh trực tiếp với “anh lớn” Proton.

Nhà máy Perodua ở Rawang Ảnh: Zachary Ho

Năm 1993, công ty Perodua chính thức được thành lập và bắt đầu sản xuất chiếc xe đầu tiên Kanchil vào năm 1994. Xe trang bị động cơ có công suất dưới 1.0 lít, nhắm vào phân khúc giá thấp hơn Proton Saga. Xe cũng được hưởng mức ưu đãi thuế quan, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ của chính phủ như Proton.

Nhưng số phận của hai hãng xe có cùng cơ chế xuất phát lại khác nhau.

Trong khi Proton ngừng hợp tác với công ty Mitsubishi vào tháng 3.2014, Perodua lại tập trung vào tư nhân hóa và duy trì hợp tác với đối tác kỹ thuật Daihatsu. Lúc thành lập, năm 1993, Perodua có 68% vốn nhà nước, hoặc công ty của nhà nước, và 32% vốn các công ty Nhật Bản. Đến năm 2001, Daihatsu và Mitsui sở hữu 51% Perodua.

tin liên quan

Proton: Đằng sau thành công của hãng xe quốc gia Malaysia
Thành lập năm 1983, ra mắt chiếc xe đầu tiên năm 1985, hãng xe Proton đi từ vị trí ‘át chủ bài’ cho Đề án ô tô quốc gia Malaysia năm 1981, đến vai trò tiên phong trong buổi đầu xây dựng nền công nghiệp ô tô phát triển nhất nhì Đông Nam Á, thậm chí là niềm tự hào, biểu tượng quốc gia nước này.  

Trao đổi với báo Thanh Niên, chuyên gia Yamin Vong có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô Malaysia, cho rằng, Perodua thành công khi hợp tác Daihatsu (Nhật Bản), đối tác có thể đem đến cho họ công nghệ, mẫu mã mới nhất, tạo sự tin tưởng.

Bản thân ông cũng từng mua chiếc xe Perodua Kelisa (đời sau của dòng xe đầu tiên Kanchil) đã dùng qua 20 năm cho con trai mình với giá 10.000 ringgit (khoảng 56 triệu đồng).

“Bạn thấy đó, xe rất cũ mà giá lại đắt vì lúc đó mọi người vẫn còn tìm mua và sử dụng. Cũ nhưng tốt!” - ông nói.

Tờ Malaysiakini nhận định, việc định vị thị trường của Perodua tốt hơn Proton. Chính yêu cầu không phạm vào thị trường của "anh lớn" Proton khiến Perodua tập trung chính vào dòng xe ‘entry-level’ có công suất động cơ thấp. Tiêu chí tiếp thị nhất quán và cấu trúc giá thu hút phân khúc mục tiêu.

Ví dụ như Perodua Axia là xe năng lượng hiệu quả (EEV), không cần ghế da hay loa tốt, họ thêm vào tiêu chuẩn an toàn ASEAN NCAP 4 sao. Và với mức giá thấp nhất Malaysia, dao động từ 23.000 - 40.000 ringgit (khoảng 130 - 225 triệu đồng).

Chiếc Perodua trên đường phố Malaysia Ảnh: Diệp Uyên

Trong khi đó, tờ này cho rằng, bản thân họ cũng không biết định vị thị trường của Proton với 4 mẫu xe Waja, Gen2, Persona và Preve. Proton mong muốn đưa ra mức giá rẻ nhưng lại không tiết kiệm nhiên liệu.

Năm 2007, Perodua dành vị trí dẫn đầu thị trường Malaysia sau 22 năm Proton được thành lập. CEO Perodua, Datuk Aminar Rashid Salleh, từng phát biểu, “chúng tôi chưa bao giờ có ý định trở thành số 1 vì chúng tôi tôn trọng người anh lớn (Proton) của mình, nhưng nhu cầu quá lớn đối với sản phẩm của chúng tôi đã khiến điều này xảy ra.”

tin liên quan

Proton: Câu chuyện thành-bại của hãng xe quốc gia Malaysia
Thành lập từ năm 1983, hãng xe Proton có gần 20 năm thống lĩnh thị trường Malaysia. Sau đó liên tục thua lỗ, mất thị phần và phải bán gần một nửa cho Geely - Trung Quốc. Từ đây, Proton trở lại đường đua... Cùng PV Thanh Niên tại Malaysia tìm hiểu câu chuyện thành-bại của Proton.

Những bước đi trong 10 năm đầu khiến Perodua thống lĩnh thị trường 11 năm liền (2007-2018). Đến hết năm 2016, Perodua đã bán ra 3 triệu xe khiến cây bút của trang xe nổi tiếng Malaysia, Paultan viết: “Hãng xe dẫn đầu thị trường có thể sản xuất những chiếc xe nhỏ nhưng lại tạo ảnh hưởng lớn đến toàn cảnh ô tô của quốc gia.”

Perodua cũng xuất khẩu hướng đến các thị trường xe như Anh, Singapore, Brunei, Nepal và Sri Lanka.

Perodua Myvi - Ngựa chiến bất bại trên thị trường

Năm 2015, gần 2.620 chiếc Perodua Myvi tập trung ở Setia Alam ăn mừng sinh nhật lần thứ 10 của dòng Myvi, trở thành sự kiện có nhiều xe tham dự nhất lịch sử Malaysia. Trang Zigwheel gọi Myvi là ‘bom tấn’ của Malaysia khi cứ 10 xe chạy trên đường phố nước này thì có 2 chiếc Perodua dòng Myvi. Trong khi đó, tờ Carsifu gọi Perodua Myvi là "niềm vui" của người Malaysia.

Tại thời điểm 2017, Perodua Myvi đạt gần 1 triệu chiếc được sản xuất. Tờ Carsome so sánh, Perodua Myvi chỉ mất 12 năm để đạt được con số này, trong khi đó Mazda MX-5 là 27 năm và Porsche 911 là 54 năm. Perodua Myvi hiện đang ở thế hệ thứ 3, là dòng xe bán chạy nhất thị trường Malaysia và sản xuất nhiều nhất trong lịch sử ô tô nước này.

Trong quá trình sản xuất, 500 chuyên gia Malaysia đã được gửi đến Nhật Bản nhằm cải thiện kiểu dáng, kỹ thuật trong 2,5 năm. Chiếc Myvi đầu tiên ra mắt vào tháng 5.2005, dựa trên mẫu M300 Daihatsu Boon đời đầu. Dòng xe được kỳ vọng là phù hợp với Malaysia, thị trường xe sedan chiếm đa số.

Tờ Paultan nhận xét: “Nhỏ gọn bên ngoài, rộng rãi bên trong, cộng với việc dễ dàng lái và đậu đỗ, đặc biệt là kinh tế, giá chỉ từ 41.000 ringgit, tương đương khoảng 230 triệu đồng cho mẫu xe có dung tích 1.0 lít và 45.000 - 51.000 ringgit (khoảng 250 - 270 triệu đồng).

Chiếc Perodua Myvi Ảnh: Perodua

Bước vào các bãi đỗ xe, khả năng bắt gặp nhiều chiếc Perodua Myvi qua các thế hệ. Clare Charlis - 29 tuổi, cho biết lý do cô mua Perodua Myvi bởi Perodua là xe nội địa nên giá rẻ hơn so với xe nhập khẩu. Còn với xe nội địa, Perodua tiết kiệm xăng hơn và cô thích kích thước của xe, không to như Proton. Theo cô đây là lựa chọn đáng tiền!

Gabriel Jonathan Philips - 27 tuổi, cũng mua chiếc Perodua Myvi vì giá rẻ và tiết kiệm xăng bởi khi mua anh còn là sinh viên và đi làm thêm. Ông kể: “Perodua là xe nội địa nên nó thích hợp với đường xá Malaysia và người dân chúng tôi. Tôi mua xe năm 2016, tôi trả một nửa tiền xe và nửa còn lại tôi trả góp từng tháng”.

Gabriel Jonathan Philips mua chiếc Perodua Myvi vì giá rẻ và tiết kiệm xăng Ảnh: Diệp Uyên

Còn Thraveen Sandhu, 24 tuổi, lại chọn Perodua Myvi vì thiết kế của nó. “Tôi chọn nó thay vì những xe khác vì giá, sức chứa, hãng xe quốc gia và phải chăng đối với người Malaysia. Giá xe là 52.000 ringgit (khoảng 300 triệu đồng), tôi đặt cọc trước một phần và vay tiền ngân hàng trả trong 9 năm, mỗi tháng trả 600 ringgit (khoảng 3,3 triệu đồng)”, anh nói.

tin liên quan

Giới chuyên gia ô tô Malaysia nói gì về VinFast?
Trước khi chính thức lên sàn diễn Paris Motor Show 2018, VinFast đã công bố thiết kế và tên gọi đồng thời hé lộ thông số kỹ thuật của mẫu Sedan và SUV. Các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô Malaysia đã có những nhận định ban đầu về hai mẫu xe này.

Ông Hezeri Samsuri - Quản lý trang xe Careta.my, cho biết Perodua có hơn 90% linh kiện, phụ tùng xe được sản xuất tại Malaysia, nghĩa là dòng tiền sẽ không bị mất đi. Và đây mới chính là xe quốc gia thực thụ.

“Khi mua xe Perodua, mọi người hiểu họ có được chiếc xe hiệu quả năng lượng, bền và đáng tiền. Đó là chính là Perodua.” - ông nói.

Ông cho rằng, không còn điều gì phàn nàn về Perodua, trừ việc đề xuất hãng xe này nên suy nghĩ nghiêm túc về việc tập trung xuất khẩu, đặc biệt là thị trường khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.