5 điểm nhấn trong phân khúc xe bán tải Việt Nam 2018

Hoàng Cường
Hoàng Cường
16/01/2019 16:23 GMT+7

Tác động từ thay đổi chính sách khiến phân khúc xe bán tải tại Việt Nam trải qua một năm 2018 đầy biến động, doanh số bán giảm mạnh... bất chấp các mẫu xe đều đáp ứng đủ điều kiện hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Trong vòng 3 năm trở lại đây, xe bán tải được xem là một trong những phân khúc sôi động nhất trên thị trường ô tô Việt Nam. Với đặc thù của dòng xe “đi lại cũng sang, chở hàng cũng tiện” trong khi chi phí sở hữu thấp hơn so với các dòng SUV đa dụng... xe bán tải ngày càng được khách hàng Việt ưa chuộng, số lượng mẫu mã theo đó cũng nở rộ.
Phân khúc xe bán tải tại Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm trong năm 2018
Tuy nhiên, với đặc thù hầu hết các mẫu mã đều được nhập khẩu từ Thái Lan, nên khi chính sách đối với xe nhập khẩu bắt đầu thay đổi từ năm 2018, bán tải là một trong những dòng xe chịu nhiều tác động nhất trên thị trường. Dưới đây là 5 điểm nhấn, đánh dấu những bước thăng, trầm của phân khúc xe bán tải tại Việt Nam trong năm 2018:
Hưởng thuế nhập khẩu 0%, xe bán tải vẫn tăng giá
Đều được sản xuất tại các nhà máy ô tô ở Thái Lan - quốc gia có ngành công nghiệp sản xuất, ngành phụ trợ ô tô phát triển nhất khu vực Đông Nam Á, vì vậy hầu hết các mẫu bán tải đều có tỉ lệ nội địa hóa ở mức cao. Phần lớn các loại phụ tùng, linh kiện lắp đặt trên xe bán tải đều được chế tạo tại Thái Lan. Đơn cử như dòng xe Isuzu D-Max sản xuất tại Thái Lan đạt tỉ lệ nội địa hóa gần 90%, Chevrolet Colorado hơn 70%... Chính vì vậy, hầu hết xe bán tải về Việt Nam trong năm 2018 đều đáp ứng đủ điều kiện hưởng thuế nhập khẩu 0% theo nội dung Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Hầu hết các mẫu xe bán tải về Việt Nam trong năm 2018 đều hưởng thuế nhập khẩu 0%
Chính điều này khiến không ít khách hàng có ý định mua sắm bán tải tại Việt Nam thấp thỏm chờ đợi sự thay đổi về giá bán của xe bán tải trong năm 2018. Thế nhưng, thực tế lại “không như là mơ”, giá bán Ford Ranger, Toyota Hilux, Mazda BT-50… sau khi về Việt Nam trong năm 2018 chẳng những không giảm mà còn tăng vài chục triệu đồng, với lý do cập nhật thiết kế, tính năng mới. Một số mẫu mã khác như Nissan Navara, Chevrolet Colorado… vẫn giữ nguyên giá niêm yết.
Thay đổi chính sách, xe bán tải tắc đường về
Tưởng chừng đã rộng đường về Việt Nam khi thuộc diện xe hưởng thuế nhập khẩu 0%. Thế nhưng, những quy định mới về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo Nghị định 116 bắt đầu được thực hiện ngay từ đầu năm 2018 khiến hoạt động nhập khẩu xe bán tải gặp khó khăn.
Những quy định mới khiến hoạt động nhập khẩu xe bán tải bị gián đoạn
Suốt 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động nhập khẩu xe bán tải của hầu hết các doanh nghiệp đều bị gián đoạn do phải đáp ứng các giấy tờ, kiểm định khí thải, chất lượng an toàn kỹ thuật theo từng lô xe… Mãi đến tháng 7.2018 những lô xe bán tải đầu tiên thuộc diện hưởng thuế nhập khẩu 0% mới bắt đầu trở lại thị trường Việt Nam.

tin liên quan

Xe bán tải tại Việt Nam: Chưa kịp mừng đã vội lo âu
Vượt ải nhập khẩu trở lại thị trường VN sau gần nửa năm vắng bóng, xe bán tải đang đối mặt với thách thức mới sau khi Bộ Tài chính đưa ra đề xuất thay đổi cách tính thuế trước bạ với dòng xe này.
Khan hàng đội giá
Tương tự như nhiều dòng ô tô nhập khẩu trên thị trường, việc nguồn cung không đảm bảo, khiến hoạt động kinh doanh xe bán tải của các DN gặp nhiều khó khăn. Nhiều đại lý phân phối ô tô không còn xe bán tải để bán dù nhu cầu của khách hàng với dòng xe này được đánh giá vẫn ở mức cao.
Trong giai đoạn đầu năm, người mua xe bán tải đều “bất lực” khi cung không đủ cầu
Đỉnh điểm từ tháng 3 đến 6.2018, phần lớn người tiêu dùng tìm mua xe bán tải như Toyota Hilux, Nissan Navara, Ford Ranger… đều “bất lực”. Cung không đủ cầu, dẫn đến tình trạng một số mẫu bán tải vốn hút khách như Ford Ranger bị các đại lý làm giá, khiến khách hàng đặt mua xe phải mất thêm vài chục triệu đồng mua gói phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm.
Cạnh tranh mẫu mã, công nghệ... nâng tầm xe bán tải
Từ cuối tháng 7.2018, khi những vướng mắc về giấy tờ, thủ tục nhập khẩu ô tô dần được tháo gỡ, xe bán tải từ Thái Lan mới bắt đầu quay trở lại thị trường Việt Nam. Để tăng sức cạnh tranh, trong lần trở lại này nhiều mẫu bán tải được hãng xe cải tiến thiết kế, cập nhật công nghệ, nâng cấp động cơ…
Nửa cuối năm 2018 chứng kiến cuộc đua tranh về mẫu mã, công nghệ giữa các mẫu bán tải
Chevrolet Colorado được hãng xe Mỹ bổ sung thêm phiên bản một cầu, số tự động đồng thời trang bị động cơ diesel 2.5 lít VGT mới, thay thế cho động cơ cũ 2.8 lít. Mitsubishi Triton lột xác hoàn toàn về diện mạo thiết kế. Mazda BT-50 được trang bị thêm hàng loạt tính năng giải trí, an toàn…Trong khi, Hilux được Toyota bổ sung phiên bản mới đồng thời trang bị thêm công nghệ như kiểm soát hành trình (Cruise Control) và 7 túi khí. Đáng chú ý, “vua bán tải” - Ford Ranger ngoài việc nâng cấp động cơ, hộp số 10 cấp còn được phân phối thêm phiên bản hiệu năng cao Ranger Raptor. Những thay đổi này, thực sự góp phần nâng tầm xe bán tải tại Việt Nam khi tính năng, công nghệ, động cơ… không hề thua kém các dòng SUV, Crossover.

tin liên quan

10 mẫu ô tô đình đám nhất thị trường Việt Nam năm 2018
Nhiều mẫu xe mới ra mắt, không ít xe phải triệu hồi cùng những xáo trộn trong cuộc đua doanh số, năm 2018 đi qua với nhiều biến động và 10 mẫu xe dưới đây đã góp phần tạo nên một năm đáng nhớ của thị trường xe Việt.
Doanh số bán sụt giảm
Xe bán tải ồ ạt trở lại, tuy nhiên những nỗ lực của các DN trong giai đoạn cuối năm không đủ để bù đắp cho mức sụt giảm doanh số trong khoảng thời gian đầu năm 2018.
Lượng tiêu thụ xe bán tải tại Việt Nam giảm mạnh trong năm 2018
Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong năm 2018, tổng doanh số bán xe bán tải (không tính Nissan Navara không công bố) chỉ đạt 18.491 xe, giảm gần 5.900 xe so với năm 2017. Trong đó, ngoại trừ Toyota Hilux, Chevrolet Colorado… các mẫu xe còn lại đều sụt giảm mạnh về lượng tiêu thụ. Doanh số bán Ford Ranger giảm 6.251 xe, Mazda BT-50 giảm gần 360 xe, Isuzu D-Max giảm 203 xe, Mitsubishi Triton giảm 183 xe so với năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.