Màu đỏ ấn tượng cạnh ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ
Trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã đến tham quan đồi A1, nằm ở P.Mường Thanh, TP.Điện Biên Phủ, là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Tại đây, đã diễn ra trận chiến ác liệt nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, với số thương vong cũng cao nhất với hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Các liệt sĩ hầu hết đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1.
Tuy nhiên, ở đây vẫn còn một ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ đã an nghỉ tại chiến trường. Và điều ấn tượng với chúng tôi là màu hoa phượng đỏ đến kỳ lạ cạnh ngôi mộ này.
Đặt chân lên đồi A1, chúng tôi rất ấn tượng hơn với màu hoa đỏ của 2 cây phượng vĩ cạnh ngôi mộ tập thể của các liệt sĩ. Toàn cây chỉ có màu hoa đỏ, các chùm hoa dát đỏ một góc đồi.
"Trong đời tôi chưa bao giờ nhìn thấy cây hoa phượng nào chỉ toàn hoa như thế", một du khách đến từ Hà Nội tham quan đồi A1 đã thốt lên khi chứng kiến khung cảnh này.
Chị rưng rưng chia sẻ: "Bố tôi là thương binh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông đã mất vì thương tật khi tôi còn nhỏ. Đến đây, tôi nhớ bố vô cùng và nhìn thấy màu hoa đỏ, tôi như có cảm nhận rằng đó là màu máu của các liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường này. Máu các anh đã nhuộm trên màu hoa để chào mừng ngày chiến thắng…".
Có lẽ vì thế mà du khách đến đây, ai cũng bâng khuâng ngắm nhìn hoa phượng đỏ và dừng lại hồi lâu trước dòng chữ "A1: bùn - máu và hoa" được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Người lính già bên hố bộc phá nghìn cân
Cũng tại đồi A1, chúng tôi đã gặp rất nhiều du khách từ mọi miền Tổ quốc đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có rất nhiều cựu chiến binh, mang trên ngực những huân huy chương lấp lánh màu cờ đỏ.
Đứng cạnh hố bộc phá nghìn cân, ông Từ Tú Hồng (78 tuổi, một thương binh đến từ xã Đoàn Kết, H.Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) không khỏi xúc động chia sẻ: "Tôi không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng chúng tôi là những người lính đi theo Bác Hồ, bác Giáp, tham gia chiến trường miền Nam để chống Mỹ cứu nước. Đến giờ, chúng tôi còn sống sót để trở về, nên muốn đến chiến trường Điện Biên Phủ, thăm nơi các đồng đội đã chiến đấu, hy sinh, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Ông Hồng cũng cho biết, dù đã 78 tuổi, nhưng ông vẫn vượt qua gần 600 km bằng đường bộ để đến với mảnh đất Điện Biên. Với ông, hành trình này "không khó khăn gì" so với hành trình trước đây ông và đồng đội đã "vượt Trường Sơn đi cứu nước".
Ông Hồng xúc động nói: "Các ông cha theo Bác Hồ, theo bác Giáp suốt cả cuộc đời để đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho con, cho cháu. Vậy nên, các cháu phải noi gương, tin tưởng những người như Bác Hồ, bác Giáp và các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước, vì tự do, độc lập của dân tộc, mà cố gắng học tập, xây dựng quê hương".
Tiếp nối những giá trị cao quý
Không ít lần đặt chân tới Điện Biên Phủ trong những chuyến công tác của mình, nhưng lần này với chị Đỗ Thị Kim Hoa (Giám đốc Trung tâm Tình nguyện quốc gia) thật đặc biệt.
Chị cùng đoàn đại biểu Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" và Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" (do T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ) đi tham quan các di tích lịch sử ở Điện Biên Phủ. Cả đoàn đại biểu đã mặc áo cờ đỏ sao vàng trong suốt hành trình đến Điện Biên. Không chỉ có đoàn đại biểu của hành trình mà ở đây, dường như trên khắp các phố phường đều bắt gặp màu áo đỏ của du khách.
Chị Hoa chia sẻ: "Tôi là con của một chiến sĩ Điện Biên Phủ, năm 1953, bố từ Thanh Hóa lên chiến trường Điện Biên Phủ khi mới 16 tuổi. Năm nay 88 tuổi, ông vẫn luôn tự hào khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử tại Điện Biên Phủ và càng hạnh phúc hơn khi biết con gái tham gia đoàn hành trình này để về nguồn".
Chị Hoa cũng chia sẻ, lần tham gia hành trình này, đoàn công tác của chị đã khánh thành trao tặng nhiều công trình, phần quà cho đồng bào, thanh thiếu nhi tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc nơi đoàn hành trình đi qua.
"Việc tham gia vận động, kêu gọi nguồn lực để thực hiện các công trình an sinh xã hội cho người dân và thanh thiếu nhi Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, nhất là trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ như một hành trình để tôi và những người trẻ hôm nay tri ân và tiếp nối những giá trị cao quý và tốt đẹp của thế hệ chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa", chị Hoa bộc bạch.
Điện Biên thay đổi từng ngày
Đến Điện Biên Phủ, chúng tôi đã chứng kiến sự tự hào, hạnh phúc của người dân nơi đây khi lần đầu tiên trong cuộc đời được chứng kiến những giây phút hào hùng của dịp đại lễ. Đang cắm cúi làm việc, nghe tiếng máy bay vù vù trên bầu trời, ông Nguyễn Văn Hổ (65 tuổi, tổ 3, P.Tân Thanh, TP.Điện Biên Phủ) lại bỏ việc chạy ra xem. 9 chiếc trực thăng treo cờ Đảng và cờ Tổ quốc bay là là, khiến ông có thể nhìn thấy rõ màu cờ đỏ tung bay ngay trên đầu mình.
"Ở Điện Biên, đi đâu cũng thấy đỏ rực màu cờ Tổ quốc. Người dân ai cũng háo hức lắm. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến giây phút này. Lần đầu tiên lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ có máy bay diễu hành như thế", ông Hổ chia sẻ.
Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, ông Hổ cho biết, Điện Biên đã thay đổi từng ngày. "Trước kia, ở đây chỉ có nhà tranh, vách đất, người dân nghèo khổ lắm. Nhờ có lịch sử Điện Biên Phủ, TP.Điện Biên mới đàng hoàng, to đẹp như thế này", ông chia sẻ.
Chỉ tay về khu Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Hổ cho biết, cả tuần nay, ngày nào ông cũng ra bảo tàng xem dàn pháo lễ chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông thấy cờ đỏ tung bay khắp nơi, trên bầu trời dưới mặt đất.
"Theo kịch bản thì chương trình lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo. Sau đó là phần trình diễn của 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc bay qua lễ đài. Mấy hôm tập diễu binh, họ bay thấp lắm, chỉ khoảng 200 m thôi nên tôi nhìn rõ cả cờ Đảng, cờ Tổ quốc rực rỡ cả bầu trời", ông Hổ hào hứng nói.
Bà Phạm Thị Cúc (62 tuổi, chủ khách sạn Phương Nam, P.Tân Thanh, TP.Điện Biên) chia sẻ, đã nhiều năm sinh sống ở Điện Biên nên bà cảm nhận được sự thay đổi từng ngày của mảnh đất lịch sử này.
"Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến Điện Biên và đầu tư nhiều công trình lịch sử có giá trị như: Đền thờ liệt sĩ, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Mường Phăng… Nhờ thế mà du lịch Điện Biên sẽ ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày một nâng lên", bà Cúc phấn khởi chia sẻ.
Bình luận (0)