Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra từ 20.5 đến 27.6
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 20.5 đến 27.6. Quốc hội sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật và nhiều nội dung quan trọng về KT-XH, ngân sách nhà nước, chất vấn, giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác. Chính phủ phải trình Quốc hội trên 50 hồ sơ, hiện Chính phủ đã chuẩn bị xong 27 hồ sơ.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan chuẩn bị nội dung cho kịp thời, sớm gửi hồ sơ để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu. "Tình trạng gửi chậm tài liệu thì đại biểu than phiền nhiều. Nên nội dung nào đã có ý kiến của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kết luận rồi thì đôn đốc, cái nào có trước gửi trước và gửi càng sớm càng tốt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đề xuất giảm án phạt tù với người dưới 18 tuổi
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là dự án luật mới được Quốc hội khóa XV đưa vào chương trình. Thay mặt cơ quan soạn thảo, Phó chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Văn Tiến cho hay về hình phạt, dự thảo quy định giữ nguyên hệ thống hình phạt với người chưa thành niên phạm tội như bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Hình phạt tù chung thân và tử hình không áp dụng với người dưới 18 tuổi.
Dự luật cũng mở rộng trường hợp người chưa thành niên bị phạt tù được cho hưởng án treo và các đối tượng áp dụng phạt tiền. Đặc biệt, để đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm sự nghiêm minh của chính sách hình phạt với người chưa thành niên, dự thảo luật quy định giảm mức hình phạt tù với người dưới 18 tuổi. Theo đó, giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 - 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ 14 - 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù.
Tuy nhiên, với trường hợp phạm loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi và tội sản xuất trái phép chất ma túy) thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cho ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành với dự thảo chỉ quy định 4 hình phạt. Song về hình phạt tiền, có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ quy định hiện hành, không áp dụng với người chưa thành niên 14 - 16 tuổi phạm tội, do các đối tượng này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Một số ý kiến khác trong cơ quan thẩm tra đề nghị quy định người 16 - 18 tuổi có các điều kiện như người trưởng thành cũng được áp dụng hình phạt tiền để bảo đảm công bằng trong chính sách hình sự.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, dự án luật được Thường vụ Quốc hội ủng hộ, cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần phối hợp để hoàn chỉnh thêm, tới 30.4 phải hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra.
Hơn 25.500 tỉ làm cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 17.4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8 km, kết nối Đắk Nông và Bình Phước. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương và nhà đầu tư. Theo quy hoạch, toàn tuyến có quy mô 6 làn xe, phân kỳ giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 - 120 km/giờ tùy thuộc vào điều kiện địa hình.
Bộ GTVT đề xuất Quốc hội chấp thuận bố trí 8.770 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách T.Ư năm 2022. Vốn ngân sách địa phương khoảng 2.233,5 tỉ đồng. Ngoài ra, đề nghị Quốc hội thông qua một số cơ chế đặc thù để triển khai dự án, trong đó có cơ chế chỉ định thầu với một số gói thầu tư vấn, đền bù giải phóng mặt bằng... trong 2 năm. Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ được đưa ra xin chủ trương tại kỳ họp tháng 5 sắp tới.
Bình luận (0)