10 năm triển khai đề án ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam’

18/07/2019 15:51 GMT+7

Ngày 18.7.2019, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc VN”. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN”.

Với nhiều sáng tạo trong cách thức triển khai, 10 năm qua ngành y tế đã đồng hành cùng các bên chung tay hành động, góp phần quan trọng làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế, tạo nên diện mạo mới của ngành dược Việt Nam. Trong đó thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng về số lượng, giá trị và được đánh giá cao về chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Nhằm đạt mục tiêu đặt ra trong Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện, Bộ Y tế đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản: Một là giải pháp về cơ chế chính sách; hai là giải pháp đối với cơ sở y tế và thầy thuốc; ba là giải pháp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc; bốn là các giải pháp về truyền thông.
Về cơ chế chính sách, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ/Ngành liên quan trình Quốc Hội/Chính phủ ban hành các văn bản quy định theo hướng ưu tiên thuốc sản xuất trong nước như Luật Dược sửa đổi 2016, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật đấu thầu, Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...
Theo đó, các quy định ưu tiên nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, ưu tiên cấp giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc ít số đăng ký, dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc chuyển giao công nghệ sản xuất, thuốc có báo cáo tương đương sinh học.
Đặc biệt, để ưu tiên trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu; thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật.
Về phía cơ sở y tế, việc triển khai Đề án đã được lãnh đạo các tỉnh/thành, Sở Y tế chỉ đạo sát sao. Nhiều bệnh viện đã chỉ đạo xây dựng danh mục thuốc đấu thầu với chính sách ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Năm 2018 tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tỉnh thì tăng 63,53%.
Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước. Ví dụ giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên từ 83,13% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018). Sở Y tế Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Long An có tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc nội chiếm từ 70% đến 76,9% trên tổng giá trị sử dụng năm 2018.
Nhiều bệnh viện tuyến trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra, như Bệnh viện T.Ư 71 Thanh Hóa, Bệnh viện tâm thần T.Ư 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội Tiết T.Ư, Bệnh viện Phong da liễu T.Ư Quy Hòa,… đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8%.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, thời gian qua đã không ngừng nỗ lực áp dụng công nghệ nâng cao chất lượng, đưa ra thị trường các thuốc có hiệu quả điều trị cao, chứng minh tương đương sinh học với biệt dược gốc, sản xuất các sản phẩm dạng bào chế hiện đại, sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị. Số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; sản xuất được 12/13 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.
Ngành y tế cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế và người dân thông qua các buổi tọa đàm, tập huấn, phóng sự với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”...
Từ năm 2014, Bộ Y tế đã triển khai Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, vinh danh 30 doanh nghiệp, 62 sản phẩm thuốc tiêu biểu của Việt Nam đạt giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” lần 1. Hiện, Bộ Y tế đã phát động chương trình “Ngôi sao thuốc Việt” lần 2 tổ chức vào năm sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.