10 ngày trên đất Mỹ : Kỳ 1: Vượt nửa vòng trái đất

25/11/2005 23:31 GMT+7

Ngày 4 tháng 10 Chặng cuối của chuyến đi vượt nửa vòng trái đất, chúng tôi bay từ Houston (thủ phủ của bang Texas) tới Lubbock trên một chiếc máy bay bé xíu như một điếu xì gà. Đây là chặng bay thứ sáu kể từ khi chúng tôi rời Hà Nội. Mặc dù đã được nghỉ một đêm ở New York nhưng lúc này mọi người vẫn mệt lử. Đêm qua mệt quá, cả mấy mẹ con chẳng ai ngủ được. Cả đêm nay tôi cũng không ngủ được, phần thì vì lệch múi giờ, phần thì cứ bồn chồn nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến cuốn nhật ký của chị Thùy và sợ không hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu hóa ra đó không phải sự thật.

 

 

 

Đến giờ thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi mình phải chăng đây là một giấc mơ. Mấy tháng trước đây có bao giờ chúng tôi lại nghĩ một ngày kia mình sẽ đến đất nước xa lạ này để tìm lại chút hơi hướng của người chị đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống lại quân đội của chính nước này.

 

Hai mươi chín năm trước, tháng 8 năm 1976, tôi cùng mẹ lặn lội lên vùng rừng sâu Ba Tơ, Quảng Ngãi để tìm tới nơi chị tôi nằm xuống. Lần ấy còn có cả em Quang. Năm đó em trai tôi mười lăm tuổi, bằng tuổi tôi khi gia đình nhận được tin chị Thùy hy sinh. Ba mẹ con cũng phải đi nhiều chặng đường mới tới được Ba Tơ. Đầu tiên đi tàu hỏa đến Quảng Bình, rồi đổi sang ô tô tới Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng chúng tôi chuyển sang một xe đò chật cứng để đến thị xã Quảng Ngãi, và cuối cùng từ thị xã Quảng Ngãi ngồi xe lam đến huyện lỵ Đức Phổ. Một đêm ở huyện lỵ Đức Phổ, sáng hôm sau các anh ở huyện ủy cho xe cùng anh Một và một anh khác tôi không nhớ tên, hai nhân viên của bệnh xá từ thời chị Thùy còn phụ trách  đưa chúng tôi về căn cứ cũ. Hồi đó mới giải phóng được hơn một năm, tình hình còn phức tạp lắm, mìn bom còn rải rác khắp nơi, đi đâu phải có súng và phải có du kích đi kèm. Xe chỉ đến được chân núi, sau đó chúng tôi luồn rừng, leo dốc đến quá trưa mới tới nơi. Mộ chị tôi nằm trên lưng một con dốc. Không có huyệt, chỉ có một nấm đất đắp cao bên con đường mòn. Các anh kể sau khi chị tôi hy sinh, quân Mỹ còn phục lại mấy ngày, mãi khi chúng rút đi đồng đội mới đến được nơi chị tôi nằm, và cứ thế phủ đất lên thi thể của chị thành nấm mộ. 

 

Lần ấy mẹ con tôi chỉ đưa được hài cốt chị xuống đồng bằng, đặt tại nghĩa trang Phổ Hòa cạnh đường sắt Bắc Nam. Những năm chưa đưa được hài cốt chị về Hà nội, tôi không có dịp viếng mộ chị ở nghĩa trang  Phổ Hòa, mà chỉ có thể mỗi lần vào Nam hay ra Bắc ngồi trên tàu hỏa nhìn xuống nghĩa trang liệt sĩ bên đường, cố cầu trời khấn phật cho tàu chạy chậm lại để có thể nhìn rõ mộ chị. Nhiều lần tôi nhìn thấy hoa trên mộ và khói hương còn nghi ngút. Tôi biết anh Năm Tân cùng cô con gái đầu lòng tên là Thủy vẫn thường hay ra thắp hương cho chị.

 

Hôm nay một quang cảnh khác hẳn. Không có rừng già, không trèo đèo lội suối, không có những người đồng đội của chị tôi vác AK đưa mẹ con tôi luồn rừng vượt dốc. Chúng tôi đến đây bằng máy bay, trước mắt tôi là cánh đồng bông mênh mông và những giếng dầu cần mẫn làm việc. Ra đón chúng tôi chỉ có Ted Engelmann, SteeveMaxner -  Phó giám đốc Trung tâm Việt Nam  và Uyên Ly - cô phóng viên báo Tuổi Trẻ. Uyên Ly  là người Việt Nam nhưng cô bé còn trẻ quá,  chưa thể biết cái cảm giác  đau thắt và tan vỡ mà tôi đã cảm thấy khi tìm được trong nắm đất kia chút  kỷ vật chứng tỏ người nằm dưới mộ đúng là chị mình. 

 


Chị Đặng Kim Trâm

Cả Fred lẫn Rob đều không đến được để đón chúng tôi trong ngày đầu tiên đặt chân tới Texas. Ngày mai Rob mới từ Lousiana tới,  Fred vẫn ở Bắc Carolina vì bận một phiên tòa quan trọng, anh phải tuyên thệ để đưa ra nhận xét của mình về những chứng cứ buộc tội một vụ đánh bom. Còn Neil Alexander thì sắp từ New Orleans tới, anh đang lái xe một mạch suốt mười tiếng đồng hồ và sẽ tới đây lúc bốn giờ sáng. Sau khi từ Việt Nam trở về,  Neil vấp ngay phải cơn bão Katrina và mất hút không liên lạc gì khiến chúng tôi vô cùng lo lắng. Thì ra anh còn mải lặn lội trong thành phố New Orleans hoảng loạn và điêu tàn để chụp ảnh. Mãi một tuần trước khi chúng tôi khởi hành anh mới viết thư cho tôi hẹn nhất định sẽ đến Texas.

 

Vậy là chúng tôi đã đến Lubbock, một thành phố nhỏ nằm sâu giữa bang Texas. Ngày mai sẽ bắt đầu cuộc trải nghiệm khiến tôi vừa mong chờ vừa khiếp sợ.

 

 

LTS: Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã làm rung động con tim bao người Việt Nam và thế giới, và hiện đang được nhiều dịch giả nước ngoài quan tâm chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Rumani... Ở trong nước, câu chuyện về Thùy Trâm đang đi vào các tác phẩm nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh, âm nhạc...). Gần đây nhất là tập sách 35 năm và 7 ngày (tháng 9.2005, NXB Kim Đồng) - viết về những người, những việc có liên quan đến Nhật ký.

 

Nhân dịp sinh nhật của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (26.11.1942), vào đầu tháng 12 tới, NXB Kim Đồng tiếp tục cho ra mắt tập 2 có tên: 7 ngày và 35 năm. Từ kỷ niệm của những người thân trong gia đình, những bạn bè, độc giả sẽ biết thêm về thời thơ ấu, thời thanh nữ tươi đẹp và ý nghĩa của Thùy Trâm cũng như những thông tin nóng hổi về chuyến đi Mỹ của mẹ và các chị em gái Thùy Trâm. Được sự đồng ý của Nhà xuất bản Kim Đồng, chúng tôi xin trích giới thiệu một phần câu chuyện đến Mỹ của gia đình liệt sĩ qua bài viết của tác giả Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

 

(Còn tiếp)

(*) Tít Báo Thanh Niên đặt

 

Đ.K.T

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.