10 ngày trên đất Mỹ - Kỳ 3: Tiếng nói từ quá khứ

27/11/2005 23:08 GMT+7

Ngày 6/10 Lubbock là một thành phố nhỏ nằm lọt sâu giữa bang Texas, có thể gọi là thủ đô đại học của tiểu bang. Trường đại học Texas Tech được thành lập từ năm 1923. Trường trải rộng tới hơn 7 km2, gồm nhiều khoa, mạnh nhất là các khoa Nông nghiệp, Kiến trúc, Y dược và Lịch sử.

Sáng nay, chúng tôi tham quan Viện lưu trữ về Việt Nam nằm trong Trung tâm Việt Nam. Đó là một tòa nhà hai tầng vuông với kiến trúc thực dụng, không rườm rà. James Reckner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam là giáo sư Sử học và là người sáng lập ra Viện lưu trữ về Việt Nam này. Ông dẫn chúng tôi đi tham quan từng khu vực. Tôi không hiểu lắm về kỹ thuật lưu trữ, nhưng vẫn thấy được ở đây người ta bảo quản tài liệu khá bài bản. Những giá sách di động cho phép tiết kiệm diện tích tối đa. Tài liệu được đặt trong các hộp làm bằng carton đã khử axit, kho lưu trữ luôn có nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng đã được tính toán cho phù hợp.

Cách xa những cánh rừng già Việt Nam mấy chục ngàn dặm về không gian và hơn một phần ba thế kỷ về thời gian, tại cái thành phố nhỏ ở giữa vùng đất khô cằn của nước Mỹ này người ta đã dày công xây dựng một viện lưu trữ đáng nể về cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam - cuộc chiến mà người Mỹ coi là nỗi đau lớn nhất trong lịch sử của họ. Những trang tài liệu hiện diện cụ thể của những gì đã diễn ra thời ấy: bộ trang bị đầy đủ cho một lính bộ binh tham chiến trong rừng rậm, tấm bản đồ quân sự ba chiều thể hiện tỉ mỉ đến từng nóc nhà trên địa bàn nơi cách đây ba mươi năm diễn ra những trận đánh ác liệt... Nhìn tấm bản đồ ba chiều, tôi nhớ đến những trang nhật ký cuối cùng của chị Thùy, cảnh ba người phụ nữ chia nhau cảnh giới, căng thẳng lắng nghe từng động tĩnh.

Tôi lại nhớ đến những gì ghi trong bản báo cáo quân sự của Đơn vị trinh sát 24, Đại đội D, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn bộ binh số 21 của Mỹ tại cao điểm BS 770306 và 770 305 vào hai ngày 22 và 23/6/1970, mà tôi đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng:

"6h00 ngày 22/6/1970, trung đội 1, đại đội D trong lúc đi tuần tại tọa độ 765/306 nghe thấy tiếng radio phát một bản nhạc Việt Nam, đến 9h00 lại nghe được, cả tiếng người nói và tiếng chặt gỗ. Đơn vị 21 và 24 bao vây địa điểm này...".

"23h11, 23/6/1970, trung đội 2 đại đội D đi tuần tại tọa độ 767/306 tìm thấy một bệnh xá gồm một phòng tập thể (đào ngầm trong đất), mái rơm, dựng bằng cột tre. Hai hầm ngầm hoàn chỉnh có nắp đậy...".

Vào thời điểm ác liệt ấy, quân Mỹ chia nhỏ vùng rừng Ba Tơ thành từng ô, chúng dùng trực thăng đổ quân khống chế từng tọa độ. Bệnh xá Đức Phổ nằm lọt giữa vòng vây quân địch, tiếng động chặt cây làm lán, tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio thân thiết của chị Thùy cũng lọt vào tai quân Mỹ. Cảm giác như chúng bám riết được từng bước chân của quân ta. Tưởng như một con kiến cũng không thể lọt được khỏi vòng vây ấy, và việc rừng Ba Tơ cùng đoàn quân giải phóng bị làm cỏ chỉ là chuyện thời gian. Trong hoàn cảnh ấy, chị Thùy hy sinh là điều gần như tất yếu.

Nhưng bất kể cuộc chiến của chúng diễn ra có bài bản đến đâu, phương tiện hiện đại đến đâu, quân Mỹ vẫn không bắt được bệnh binh nào, sau khi chị Thùy hy sinh, bệnh xá Đức Phổ vẫn tồn tại cho đến tận ngày giải phóng.

Đến tận bây giờ nhiều người Mỹ vẫn còn đau đầu không hiểu nổi vì sao họ đã thua, vì sao họ lại có thể thua một kẻ địch ăn không đủ no, áo không đủ mặc? Nhiều học giả, nhiều cựu chiến binh Việt Nam đã đến đây mong tìm câu trả lời.

Số tài liệu lưu trữ được ở đây cho đến giờ lên đến con số hơn bốn triệu trang, tất cả liên quan đến chiến tranh Việt Nam, kể từ những kế hoạch hành quân của Mỹ cho đến các công trình nghiên cứu về hậu quả chiến tranh. Hầu hết tài liệu có được là tài liệu thu được ở chiến tường. Một số do các cựu chiến binh Mỹ tặng lại, giống như trường hợp Fred tặng bộ ảnh của anh Nguyễn Giá cùng hai cuốn nhật ký của chị Thùy. Tôi muốn biết họ có sưu tầm được nhiều tài liệu cá nhân của cán bộ bộ đội miền Bắc không thì được Jim Reckner cho biết hầu như không có, ngoài vài bức thư gia đình. Nhật ký chiến tranh họ có được chủ yếu là của lính Mỹ, mà cũng chỉ là những bản chép lại hoặc đánh máy lại và đã được sửa sang rất cẩn thận. Jim Reckner nói cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm là cuốn nhật ký nguyên thủy duy nhất họ có được, lại là của một nữ bác sĩ Việt Cộng. Một cửa sổ hiếm hoi để họ có thể nhìn vào những suy nghĩ sâu kín của đối thủ. Cũng dễ giải thích vì sao họ đã kiên nhẫn đến thế trong việc thuyết phục Fred hiến tặng. Và kết quả là họ đã nhìn thấy một phần cội nguồn của sức mạnh đã khiến người Mỹ phải thua: Một tình yêu vô hạn đối với Tổ quốc, đối với con người, đối với sự sống!

Mặc dù cả Jim Reckner lẫn Steeve Maxner không nói ra lời, nhưng tôi hiểu nhiều người Mỹ tìm được ở cuốn nhật ký của chị Thùy một lời giải đáp. Fred thì đã hiểu, anh đã khóc vì hiểu.

Tối hôm nay chúng tôi được mời ăn tối tại tiệm Mexico. Tiếp chúng tôi có vợ chồng James Reckner, Steeve Maxner, Lê Công Khanh, đặc biệt là có vợ chồng Phil Price.

Phil Price là một trong những cựu chiến binh đầu tiên sáng lập ra Trung tâm Việt Nam tại Trường đại học Texas Tech. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội đồng cố vấn và là nhà tài trợ lớn của trung tâm. Phil Price cũng tham chiến ở Việt Nam vào những năm 1969 - 1971. Từ khi thành lập trung tâm đến giờ, Phil luôn là người ủng hộ nhiệt thành cho việc làm dịu đi nỗi đau của cuộc chiến. Phil có một người bạn thân chết ở chiến trường Đắk Lắk, đến nay trên tay ông vẫn đeo một chiếc vòng kỷ niệm về người bạn đó như một nhắc nhở về những năm tháng đáng hối tiếc nhất của đời mình. Cũng như Fred Whitehurst, Ted Engelmann, Jim Reckner, và sau này là Alan Hawark, Homer Steedly... Phil nói khi rời Việt Nam trở về, ông đã để một phần con người mình lại xứ sở đẹp tuyệt vời ấy. Quá khứ chiến tranh, cái phần đặc biệt đã tạo nên một thứ ngôn ngữ chung giữa những người cựu chiến binh. Ký ức của mỗi người hình như đều có một phần đau thương, tàn khốc, câm nín mà lặng lẽ kêu gào, bất kể họ ở phía nào của trận chiến. Tôi không có một quá khứ như thế nên không thể hiểu nổi tại sao khi gặp nhau họ chỉ cần nói "tôi đã từng ở mặt trận ấy", thế là đã đủ, chẳng cần nói thêm gì nữa - giống như hôm ở Quảng Ngãi, Fred ngồi nói chuyện với anh Tâm đội viên đơn vị 120. Ngày xưa họ từng tìm để tiêu diệt nhau, vẫn ở trên mảnh đất Đức Phổ này thôi.

...Lúc chúng tôi mới ngồi vào bàn được vài phút có một người đàn ông bước đến. Anh nói anh nhận ra mẹ tôi và cho biết anh xúc động lắm khi nghe câu chuyện linh hồn người con gái trở về với mẹ. Anh xin phép mẹ tôi cho vợ anh được đến chào và tỏ lòng ngưỡng mộ.
Đây không phải là người đầu tiên đến gặp chúng tôi nói như thế. Sáng hôm nay vừa bước chân ra sảnh khách sạn, một chị nhân viên khách sạn khá lớn tuổi đã nói ngay với chúng tôi rằng hôm qua chị nhìn thấy chúng tôi trên ti vi. Chị bảo cả nhà chị ngồi theo dõi câu chuyện, và ai cũng khóc. Ngày hôm nay chúng tôi gặp nhiều người xa lạ đến bắt tay và chia sẻ.

Có một điều tôi không hiểu, tại sao nhiều người nói với chúng tôi rằng việc cả bốn mẹ con tôi cùng đi chuyến này khiến họ vô cùng cảm động? Họ đánh giá rất cao chuyện cả bốn mẹ con cùng đi. Tôi thì thấy rất bình thường, mẹ tôi phải đến được nơi còn lưu lại chút hơi hướng của chị Thùy, và chúng tôi đi cùng mẹ, lẽ đương nhiên là thế rồi!

(Còn tiếp)

Đặng Kim Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.