10 ngày trên đất Mỹ - Kỳ 7: Đường về Washington DC

01/12/2005 22:24 GMT+7

Ngày 10 tháng 10 Rob đã thuê một chiếc xe 8 chỗ để chở chúng tôi từ Bethel đi Washington. Fred và vợ sẽ đi một xe khác còn Neil đã về Boston từ đêm qua, hẹn chiều nay sẽ gặp lại nhau tại Sứ quán Việt Nam ở Washington. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến hẹn một cuộc gặp gỡ thân mật ở đó vào tối hôm nay.

Rob rất lo lắng trước đống đồ đạc của chúng tôi, anh bảo cả đêm qua không ngủ được vì lo tính toán xếp thế nào cho hết 6 cái vali to tướng vào xe. Anh cứ ca cẩm: "Năm người phụ nữ "ác ôn", đồ đạc nhiều như của cả một đại đội"!
Hôm nay trời đỡ mưa, mặt trời đã ló ra khiến cảnh vật sáng sủa và vui tươi hẳn lên. Đường về Washington DC uốn lượn qua những cánh rừng xanh ngút. Rob chỉ sang cánh rừng bên cạnh nói trong đó có nhiều gấu và hươu. Vào mùa săn vẫn có người đi săn hươu. Từ ngoài đường cao tốc, tôi có thể nhìn thấy từng đàn vịt trời bơi trên những đầm nước giữa rừng hay những con ngỗng trời đủng đỉnh đi lại trên bãi cỏ bên đầm.

Bây giờ đã là cuối thu, lẽ ra cây cối phải chuyển màu đỏ ối rồi mới phải. Nhưng năm nay mùa thu lần chần quá, đến giờ rừng vẫn xanh ngắt. Thi thoảng lắm mới thấy một cái cây mơ hồ ửng lên một màu vàng. Người ta bảo năm nay thời tiết rất lạ. Đã mấy chục năm rồi mới có chuyện mưa tầm tã hàng tuần liền vào đầu tháng mười như thế này.

Ra khỏi Bethel khoảng năm mươi dặm, điện thoại của tôi mới lại bắt đầu hoạt động. Tôi để máy ở chế độ roaming - chuyển vùng quốc tế cuộc gọi, tuy nhiên, mấy hôm rồi không hề có sóng nên mù tịt tin tức ở nhà. Quả nhiên chỉ một lát sau, máy đã có chuông, một số máy lạ. Sợ tốn tiền (mặc dù Báo Tuổi Trẻ đã hứa sẽ tài trợ cho số máy điện thoại của tôi trong chuyến đi) tôi không dám nghe nhưng số máy đó cứ dai dẳng réo mãi, cuối cùng tôi quyết định nhấc máy. Thì ra đó là Lily Ridett, phóng viên Đài BBC của Anh. Không hiểu ai cho họ số máy này nhỉ? Họ cố liên lạc với tôi suốt mấy hôm vừa rồi nhưng không được. Tôi hẹn hai ngày nữa về đến New York sẽ nói chuyện được dài hơn bằng một máy điện thoại để bàn nào đó.

Hiếu cũng khiến bọn tôi mừng rỡ. Anh vừa nói chuyện với chị Hiền, mời chúng tôi đến nhà anh "vì tôi kẹt con nhỏ không đi xa được". Tuyệt vời!

Phải lên ngay kế hoạch. Không thể cả bốn mẹ con rồng rắn kéo đi Cali được, như vậy mẹ tôi sẽ mệt quá - bay từ bờ đông sang bờ tây mất những sáu tiếng đồng hồ. Chúng tôi quyết định ngày mai Phương, Hiền và Uyên Ly sẽ bay đi Cali, còn Rob sẽ đưa tôi và mẹ về New York. Vậy là sẽ không có thời gian ở lại Washington DC. Cũng tiếc vì không thể tham quan thành phố nổi tiếng này.

Bức tường chiến tranh

Đi một mạch từ tám giờ sáng, chỉ nghỉ hai lần để lấy xăng và đi lại cho giãn người, bốn giờ chiều chúng tôi mới đến Washington DC. Bảy giờ tối hẹn gặp Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến. Vậy là chỉ còn vỏn vẹn ba tiếng đồng hồ, kể cả nghỉ ngơi một tí và ăn tối.

Để gọi là tham quan một nơi tiêu biểu cho thủ đô, Fred đưa chúng tôi đến thăm đài tưởng niệm Lincoln và bức tường nổi tiếng nằm ở vườn hoa.

Tôi đi dọc bức tường ghi tên 58.195 lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Một lần nữa tôi phải thán phục, người Mỹ thật giỏi trong việc lưu trữ tài liệu và nuôi các ký ức sống động. Những cái tên, số hiệu lính, ngày tháng tử trận... Hằng ngày, người ta đặt thêm dưới chân bức tường này những kỷ vật về người đã mất mà người thân của họ mới gửi đến. Tôi đọc những dòng chữ của một cô gái - giờ đây ắt đã là một phụ nữ đứng tuổi - gửi cho người yêu: "Giá như em biết được đó là lần cuối anh ở bên em...". Ở nước mình, tôi đã nhìn thấy bao nhiêu bức tường như thế này, có điều không được sang trọng như ở đây.

Chị Thùy cũng có tên trên một bức tường như vậy - bức tường khắc tên các liệt sĩ của phường Trung Tự - quận Đống Đa, Hà Nội. Ở nước mình, người ta không đặt kỷ vật của người thân ở những chỗ thế này nhưng lần nào lên viếng mộ chị Thùy ở nghĩa trang Từ Liêm tôi cũng thấy nhói đau khi nhìn những bông hoa trắng muốt và tươi rói - bao giờ cũng có ít nhất một vài nén hương còn cháy và hoa còn tươi rói ở một ngôi mộ nào đó. Và những ngày cuối năm lên viếng mộ chị, tôi thường không cầm được nước mắt trước hình ảnh một bà mẹ già quê mùa ngồi khóc trước nấm mộ - con của mẹ có thể là một chàng trai mười tám hay một cô gái đôi mươi ngã xuống ở một nẻo đường chống Mỹ nào đó của Tổ quốc, nhưng cái dáng ngồi của người mẹ nào cũng giống nhau. Nước Mỹ mất 58.195 người lính còn của chúng ta, con số đó chính xác là bao nhiêu? Tôi chỉ được biết con số các trường hợp chưa tìm được hài cốt của ta là hơn ba trăm ngàn nhưng trong đó bao nhiêu người chưa xác định được trường hợp hy sinh hay mất tích? Nước Mỹ giàu có và lãng phí không quen mất mát. Mỗi lần tai họa xảy ra với họ, không hiểu những người làm chính trị của nước Mỹ có nghĩ đến nỗi đau của những người dân Việt Nam, người dân Iraq không? Sau cơn bão Katrina, Fred viết thư kể cho tôi nghe cảm giác ngỡ ngàng khi đột nhiên phải chứng kiến trạng thái của một nước nghèo ở ngay trên đất Mỹ. Những cảnh cướp bóc ở New Orleans, những gia đình màn trời chiếu đất không có thức ăn ở Lousiana, giá xăng dầu đắt đỏ lên từng giờ... Trong những người có tên trên bức tường kia, ai là người đã kịp tỉnh ngộ trước khi nhắm mắt?

(còn tiếp)

Đặng Kim Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.