10 phi vụ chuyển nhượng mùa đông tệ nhất Premier League

01/01/2017 14:25 GMT+7

Từ đội cạnh tranh ngôi vô địch tới kẻ muốn thoát cảnh xuống hạng, các hợp đồng 'chữa cháy' của kỳ chuyển nhượng mùa đông luôn mang theo ít nhiều kỳ vọng, nhưng hiếm khi đáp ứng được kỳ vọng ấy.

Ngày 1.1 là thời điểm mở ra “phiên chợ đông”, khi các đội tranh thủ tăng cường lực lượng cho nửa còn lại của mùa giải. Dù là kỳ chuyển nhượng cần thiết, song giai đoạn này luôn tiềm ẩn nguy cơ mua lầm người của các đội. Daily Mail đưa ra tổng hợp 10 vụ chuyển nhượng mùa đông tệ nhất Premier League.
Kim Kallstrom (Arsenal, năm 2014)

Kết thúc lượt đi mùa giải 2013-2014, Arsenal tạm dẫn đầu và tràn trề tham vọng vô địch Premier League lần đầu tiên sau 10 năm. HLV Arsene Wenger có lý do để nói rằng ông không quá vội vã bổ sung ồ ạt cho một đội ngũ đang chơi tốt. Tuy nhiên, vẫn cần thêm người để dự trù cho tình huống các chấn thương càn quét đội hình chính. Ông chọn mua Kim Kallstrom, một tiền vệ kỳ cựu của tuyển quốc gia Thụy Điển và từng chơi rất hay trong màu áo Lyon. Kallstrom hóa ra mới chính là “bệnh binh” số một của đội. Anh chấn thương lưng và không đá trong 2 tháng đầu tiên, sau đó chỉ xuất hiện đúng 3 lần, không để lại ấn tượng nào.

Jean-Alain Boumsong (Newcastle, 2005)

Bỏ ra 8 triệu bảng, Newcastle của HLV Graeme Souness sở hữu chữ ký của trung vệ người Pháp Boumsong từ Rangers. Anh đã chơi ổn ở vị trí trung vệ trong mùa đầu tiên, thậm chí chuyển sang đá cho Juventus mùa giải sau. Nhưng đối với Newcastle, 8 triệu bảng là con số quá phí phạm nếu biết rằng họ chỉ lấy lại 3,3 triệu bảng từ Juve, và là một Juve bị đánh rớt hạng sau vụ điều tra giàn xếp tỉ số ở Ý. Tệ hơn, vụ chuyển nhượng Boumsong còn mang nhiều nét đáng ngờ, xuất hiện trong một báo cáo ăn tiền bẩn của 5 câu lạc bộ gồm Newcastle, Chelsea, Bolton, Middlesbrough và Portsmouth.

Michael Ricketts (Middlesbrough, 2003)
Ricketts từng được coi là tài năng trẻ nổi bật của bóng đá Anh Reuters
Trước thời Rooney, Michael Ricketts là một trong những chân sút trẻ hứa hẹn nhất của bóng đá Anh và được gọi lên tuyển năm 2002. Tuy nhiên từ lúc ấy, anh không thể ghi thêm bàn nào cho Bolton và tìm đường đến Middlesbrough năm 2003. Tại Riverside, Ricketts tiếp tục “mất tích” và bị thanh lý chỉ sau một mùa rưỡi. Cái giá 3,5 triệu bảng tưởng chừng như "hớ", lại là điều may mắn cho Boro.

Juan Cuadrado (Chelsea, 2015)

Lóa mắt vì màn trình diễn của Cuadrado tại Fiorentina, Chelsea kiên nhẫn đàm phán tới ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa đông 2015 để sở hữu tiền vệ người Colombia với giá 23,3 triệu bảng. Đáng tiếc, Cuadrado không bao giờ thể hiện tốt nhất trong màu áo Chelsea, dù khi đá cho Juve theo dạng cho mượn anh luôn chơi tốt.

Alfonso Alves (Middlesbrough, 2008)

Bản lý lịch của Alves có thể nói siêu đẹp: Anh là cầu thủ người Brazil đầu tiên sau thời Ronaldo và Romario ghi trên 30 bàn/mùa tại giải vô địch Hà Lan. Anh lập kỷ lục ghi... 7 bàn vào lưới Heracles Almelo khi còn đá cho Heerenveen. Anh nổi lên từ giải Hà Lan, nơi tất cả đều chứng kiến Ronaldo, Romario, Van Nistelrooy... tỏa sáng, xem như có một tiền lệ để đảm bảo.

Tại Middlesbrough, Alves tiếp tục xuất hiện tên trong cú hat-trick ở chiến thắng điên rồ 8-0 của đội bóng này trước Man City. Nhưng tất cả cũng chỉ có vậy. Alves chi ghi 10 bàn/42 trận cho Boro và rời đây chỉ sau 1 năm. Quá đắt cho mức phí 12 triệu bảng, vì mỗi bàn của Alves giá 1,2 triệu.

Christopher Samba (QPR, 2013)
Samba (trái) khiến QPR bỏ ra số tiền lớn nhưng lại chẳng đóng góp được gì nhiều AFP
Queens Park Rangers muốn né cảnh xuống hạng và cắn răng bỏ 12,5 triệu bảng cho Anzhi Makhachkala để có được Samba. Trung vệ người Congo từng nổi lên trong màu áo Blackburn và được M.U theo đuổi, song không thể giúp QPR trụ hạng thành công. Tệ hơn, QPR buộc phải cắt giảm quỹ lương và Samba là người đầu tiên phải ra đi bởi anh nhận 100.000 bảng/tuần.

Kostas Mitroglou (Fulham, 2014)

Từ sau trường hợp Steve Marlet, Fulham đã không dám chi tiêu mạnh tay nữa cho đến khi họ buộc phải đặt 12 triệu bảng lên bàn đàm phán cho Olympiacos để có Mitroglou. Thành tích ghi bàn cho CLB và tuyển quốc gia của Mitroglou cực tốt, nhưng điều này không đúng với Fulham. Anh chỉ đá được 3 trận, dính chấn thương và nhìn đội bóng xuống hạng.

Savio Nsereko (West Ham, 2009)
Hầu như chẳng ai biết Nsereko (giữa) là ai AFP
Đây là ai? Có lẽ HLV Gianfranco Zola mới biết. Ông đã yêu cầu West Ham chi 9 triệu bảng cho Nsereko, tiền đạo của Brescia tại Serie A. Cầu thủ này chỉ đá 10 trận, không ghi bàn nào và chuyển sang Fiorentina thời gian ngắn sau đó. 

Fernando Torres (Chelsea, 2011)

So với số tiền bỏ ra đi kèm thanh danh và sự kỳ vọng, khó trách Torres bị xem là món hàng siêu hớ của Chelsea. Thường xuyên xuất hiện trên bảng điện tử ở các trận cầu quan trọng, ví dụ trận lượt về Chelsea gặp Barca năm 2012, nhưng cơ bản “El Nino” bị đánh giá chỉ thể hiện được 50% khả năng. So với 50 triệu bảng, rõ ràng nó quá thấp.

Andy Carroll (Liverpool, 2011)

Bán Torres với giá cao, Liverpool chi 35 triệu bảng cho Newcastle để có Andy Carroll thế chỗ. Và cũng như Torres tại Chelsea, Carroll chẳng bao giờ đáp ứng được kỳ vọng từ số tiền chuyển nhượng khi đá cho Liverpool. Tổng cộng 44 trận Premier League cho Liverpool, Carroll ghi đúng 6 bàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.