10 thành phố đang vươn lên thành trung tâm tài chính thế giới

19/09/2015 08:28 GMT+7

(TNO) Bangkok của Thái Lan, Kuala Lumpur ở Maylasia, Johannesburg ở Nam Phi hay Riyadh của Ả Rập Xê Út là vài thành phố đang rục rịch chuyển mình để trở thành trung tâm tài chính lớn của thế giới.

(TNO) London (Anh), Tokyo (Nhật Bản) hay New York (Mỹ) đã là những cái tên kỳ cựu trong danh sách các trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Giờ đây, một số đô thị ở Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi đang rục rịch tiến đến danh hiệu này.

Khi nhắc đến các trung tâm tài chính lớn thế giới, nhiều người nghĩ đến những cái tên quen thuộc như London ở Anh, Tokyo của Nhật Bản hay New York ở Mỹ.
Song giờ đây, một số thành phố khác ở các nước đang phát triển hiện thu hút được nhiều tiền, đem lại cơ hội cho giới đầu tư quốc tế tiếp cận với một số thị trường tài chính phát triển nhanh nhất thế giới.
Trang Business Insider hôm 17.9 có bài viết lấy chỉ số Global Financial Cities, chỉ số xếp hạng các thành phố tài chính thế giới, công bố trong năm nay so sánh với chỉ số này cách đây 5 năm, từ đó lập ra danh sách 10 thành phố đang chuẩn bị chuyển mình thành trung tâm tài chính trọng yếu của thế giới.
Nhiều thành phố có khả năng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu tọa lạc ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi. Dưới đây là danh sách 10 thành phố này, theo thứ tự từ thấp đến cao.
Thành phố Amalty - đô thị lớn nhất của Kazakhstan - tăng 9 bậc trong chỉ số Global Financial Cities, vượt qua cả thủ đô Moscow của Nga và Warsaw của Ba Lan và góp mặt trong danh sách các thành phố có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính lớn của thế giới - Ảnh: Reuters
Thành phố Bangkok của Thái Lan là cái tên đứng thứ 9 trong top 10 này. Thủ đô quốc gia châu Á leo lên 11 bậc kể từ năm 2010. Gần đây, Bangkok chịu ảnh hưởng ít nhiều từ bất ổn chính trị nước nhà - Ảnh: Reuters
Tăng 13 hạng kể từ năm 2010, thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia hiện có vị trí cao hơn với danh hiệu trung tâm tài chính châu Á - Ảnh: Reuters
Thành phố Doha của Qatar, tăng 16 bậc trong 5 năm. Hiện đô thị có 80% dân số quốc gia sinh sống là trung tâm tài chính quan trọng thứ nhì của Trung Đông - Ảnh: Reuters
Vị thế địa lý độc nhất vô nhị của Panama trong vận tải biển Đại Tây Dương - Thái Bình Dương góp phần giúp thành phố này bùng nổ về tài chính. Panama tăng 13 hạng kể từ năm 2013 đến nay - Ảnh: Reuters
Casablanca - thành phố của Morocco - tăng 20 bậc trong bảng xếp hạng chỉ trong vòng một năm kể từ khi góp mặt vào chỉ số Global Financial Cities. Với vị trí thứ 5 trong danh sách này, Casablanca thể hiện tốt hơn bất cứ trung tâm tài chính nào ở Trung Đông và Bắc Phi trong năm nay - Ảnh: Reuters
Seoul, thành phố hàng đầu của Hàn Quốc, tăng đến 21 bậc trong 5 năm, trở thành cái tên có sức cạnh tranh trong khu vực tài chính ở Đông Á - Ảnh: Shutterstock
Thành phố Johannesburg ở Nam Phi leo lên 54 bậc so với bảng xếp hạng năm 2010 và hiện đứng vị trí thứ 32 trên toàn thế giới. Đây là thành phố có thứ hạng cao nhất thuộc vùng hạ Sahara châu Phi - Ảnh: Reuters
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có tình hình kinh tế và chính trị đầy biến động, thành phố Istanbul vẫn vươn lên đứng ở vị trí hàng đầu trong khu vực Đông Âu và Trung Á, đứng thứ hai trong danh sách các trung tâm tài chính tiềm năng. Istanbul leo lên 30 bậc kể từ năm 2010 - Ảnh: Reuters
Đứng đầu trong danh sách các thành phố có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính trọng yếu thế giới là thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út. Tăng 55 hạng so với cách đây 5 năm, thành phố của quốc gia giàu dầu thô đang chuẩn bị mở cửa thị trường tài chính cho giới đầu tư nước ngoài - Ảnh: Reuters
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.