11 người chết và mất tích do mưa lũ

18/10/2011 10:37 GMT+7

* Di sản Phong Nha ngập chìm trong lũ * Diễn tập ứng phó sóng thần * Quảng Ngãi: Cứu sống 6 ngư dân trôi dạt trên biển (TNO) Ngày 18.10, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho hay, đã có 7 người chết, 4 người mất tích cùng 14 người bị thương chỉ trong đợt lũ hai ngày 16 và 17.10.

Trong đó, tỉnh Quảng Bình có 3 người chết, Quảng Trị có 3 người chết, Thừa Thiên - Huế 1 người chết.

Bốn trường hợp mất tích là: Lê Quang Hiển, 13 tuổi, trú khối Trung Chỉ, P.Đông Lương, TP Đông Hà, khi đi chăn vịt bị nước cuốn; chị Trần Linh Trang, 23 tuổi, thôn Trung Thị, xã Trung Sơn, H.Gio Linh (Quảng Trị) mất tích trên sông Bến Hải. Bà Trần Thị Chín, 47 tuổi, xã Duy Tân, H.Duy Xuyên (Quảng Nam) và ông Hà Văn Hảo, 45 tuổi, xã Vĩnh Ninh, H.Minh Hóa (Quảng Bình) cũng bị nước lũ cuốn trôi.

 
Tìm kiếm em Nguyễn Văn Quang bị rơi xuống kênh nước P.Hòa Minh TP Đà Nẵng mất tích từ chiều 17.10 - Ảnh: Nguyễn Tú

Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên chưa thống kê trường hợp của học sinh Nguyễn Văn Quang, lớp 5 trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh. Em Quang trên đường đạp xe đi học bị té xuống bờ kênh P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) mất tích.

Trong số 14 người bị thương, tập trung nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình với 8 người.

Tính đến ngày 18.10, lũ đã làm ngập và sập đổ 86.993 căn nhà, 2.170 ha diện tích lúa cùng 3.156 ha hoa màu bị hư hại từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.

Các tuyến quốc lộ (QL) 1A đoạn qua H.Lệ Thủy (Quảng Bình), QL12A và QL15, một số tỉnh lộ còn bị ngập 0,5-0,7m và chia cắt, các địa phương khác từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã thông xe.

Đến cuối giờ chiều 17.10, sự cố đường sắt bị ngập ở Mỹ Chánh, Phò Trạch (Thừa Thiên - Huế) và Đông Hà (Quảng Trị) đã thông tuyến, 5 chuyến tàu bị gián đoạn đã lưu thông bình thường.

 
Lũ các sông miền Trung xuống chậm nên người dân tiếp tục sống chung với ngập úng những ngày tới - Ảnh: Nguyễn Tú

Lượng mưa giảm ở Quảng Bình nhưng từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Bắc Bình Định có mưa to đến rất to, từ 213 mm (Tiên Phước, Quảng Nam) đến 472 mm (An Chỉ, Quảng Ngãi); càng về phía Nam, các tỉnh có mưa nhỏ. 

Từ Nam Bình Định đến Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên có mưa, mưa nhỏ, lượng mưa phổ biến dưới 10mm.

Lũ trên sông Vu Gia, Quảng Nam và các sông ở Quảng Ngãi đã đạt đỉnh và đang xuống dần, dự báo trong hôm nay 18.10, các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục xuống, sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống chậm.

Các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã tổ chức sơ tán, di dời hơn 7.817 hộ dân đến nơi an toàn.


Thủy điện miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục xả lũ - Ảnh: Nguyễn Tú

Một số hồ chứa thủy điện đã đầy và tiếp tục xả lũ điều tiết như Hương Điền, Bình Điền (Thừa Thiên - Huế); Ialy, Pleikrông (Kon Tum); Sê San 4, Sê San 4A (Gia Lai); Buôn Kuốp, Serepok 3, Buôn Tua Srah (Đắk Lắk).

Các hồ chứa thủy lợi lớn đã đầy và đang xả lũ như các hồ Cẩm Ly, An Mã, Tiên Lang, Vực Nồi (Quảng Bình), Hà Thượng, Ái Tử, La Ngà (Quảng Trị), Truồi, Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế), Hòa Trung, Đồng Nghệ (Đà Nẵng), Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam), Diên Trường (Quảng Ngãi), Suối Trầu (Khánh Hòa). (Nguyễn Tú)

Diễn tập ứng phó sóng thần

Sáng 18.10, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tiến hành Diễn tập thực binh ứng phó sự cố sóng thần và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2011 với tên gọi "ST-11". Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham dự.

Tình huống giả định như sau: Lúc 8 giờ 5 phút ngày 18.10, cấp ủy, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng nhận được thông báo của Trung tâm báo tin động đất, cảnh báo sóng thần, nội dung :"Lúc 7 giờ 55 phút ngày 18.10, tại khu vực 17,5 độ vĩ Bắc, 119,1 độ kKinh Đông, xảy ra trận động đất với cường độ 8,8 độ Richter, gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng của đảo Luzong (Philippinese). Do ảnh hưởng của động đất đã gây ra sóng thần trên vùng Biển Đông, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến vùng ven biển miền Trung Việt Nam. Dự kiến, sau khoảng 2 giờ rưỡi đến 3 giờ, sóng thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển TP Đà Nẵng, với độ cao sóng khoảng 6m".

Khi sóng thần xảy ra, lực lượng chức năng phải sơ tán khoảng 27.230 hộ dân với 133.529 người ở 20 phường thuộc 5 quận ven biển Đà Nẵng. Ngoài ra, còn có 6.500 du khách đang vui chơi, tắm biển; 75 tàu thuyền với 910 lao động đang đánh bắt cá và 450 tàu thuyền các loại đang neo đậu...

Sau 3 lần liên tục phát thông tin cảnh báo sóng thần (từ 8 giờ 5 phút đến 8 giờ 10 phút), tất cả các khu dân cư ven biển, các trường học và du khách tắm biển đều nhận được thông tin và bắt đầu di tản.

Lúc này, Sư đoàn 372 điều hai máy bay trực thăng bay từ hướng Thừa Thiên - Huế vào dọc bờ biển Đà Nẵng để thông báo sóng thần và yêu cầu người dân di tản, không được chủ quan.

Kèm theo đó, tàu Hải quân vùng 3, Cảnh sát Biển vùng 2, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 2 cũng hú còi báo động, sử dụng pháo hiệu cảnh báo tình hình nguy hiểm trên biển.


Máy bay vào đất liền thông báo về sóng thần


Các chiến sĩ Quân khu 5 diễn tập chuẩn bị ứng cứu người dân


 Phát tín hiệu cảnh báo sóng thần

Trên bờ, Công an TP Đà Nẵng, dân phòng phường Thọ Quang (Q.Sơn Trà) và chính quyền địa phương đến từng tổ dân phố yêu cầu người dân sơ tán...

8 giờ 17 phút, công tác sơ tán dân bắt đầu được triển khai với sự hỗ trợ của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu 5, Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng và Q.Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng. Trong khi đó,  Công an TP Đà Nẵng cũng được huy động để hướng dẫn, bảo vệ người dân sơ tán khẩn cấp.

Đến 8 giờ 50 phút, toàn bộ công tác sơ tán nhân dân, người tắm biển, học sinh trường Nguyễn Phan Vinh, trường Ngô Quyền; ngư dân và tàu cá... đã hoàn thành.

Hàng ngàn người dân và du khách đã được sơ tán an toàn vào các khu nhà cao tầng. (Hữu Trà)

Quảng Ngãi: Cứu sống 6 ngư dân trôi dạt trên biển

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lúc 2 giờ sáng nay (18.10), tàu cá QNg-94447TS do ngư dân Võ Giữ ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ làm thuyền trưởng, trên tàu có 6 ngư dân, đang trên đường chạy vào cửa biển Đà Nẵng, khi đến vị trí 16 độ 13’ độ vĩ Bắc-108 độ 13’ độ kinh Đông (thuộc khu vực Hòn Chảo - Đà Nẵng) bị va vào đá ngầm và chìm xuống biển.

Ngay sau nhận được tín hiệu cấp cứu, nhiều tàu cá đang ở gần đó suốt nhiều giờ liền đã vật lộn với sóng to, gió lớn để tìm kiếm 6 ngư dân bị nạn đang trôi dạt trên biển

Đến 5 giờ 30 cùng ngày, tàu cá QNg-94282TS của ông Võ Xin (ở cùng quê) đã phát hiện, cứu vớt 6 ngư dân đưa vào bờ an toàn. (Hiển Cừ)

>> Nước lũ cô lập miền Trung
>> Sạt lở đe dọa hàng trăm hộ dân ở Huế
>> Xóm trọ sinh viên điêu đứng vì mưa lũ
>> Lũ các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế đạt đỉnh
>> Nhiều khu vực Quảng Ngãi bị lũ chia cắt
>> Cứu sống 3 người bị lũ cuốn trôi
>> Diễn tập ứng phó sóng thần
>> Xem video clip

Di sản Phong Nha ngập chìm trong lũ

Do ảnh hưởng của mưa lũ, Di sản Phong Nha thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã ngập chìm trong nước lũ.

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Sơn Trạch, đợt mưa lũ này tại địa phương đã có 1 người chết là bà Trần Thị Điểm, 70 tuổi, trú tại thôn Xuân Sơn; 4 người bị thương; 416 căn nhà bị ngập sâu gần 2m, 80 ha sắn bị ngập lụt, gần 7 km đường giao thông bị hư hỏng, ước tính thiệt hại trên 13 tỉ đồng...

Dưới đây là một số hình ảnh Di sản Phong Nha ngập chìm trong lũ:


Đường vào Di sản Phong Nha ngập chìm trong lũ


Nhiều nhà dân, hàng quán tại Di sản Phong Nha bị nước lũ nhấn chìm


Phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân bản địa là bè tự tạo và thuyền

Đình Phong -  Thanh Chịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.