Trao đổi với PV Báo Thanh Niên qua điện thoại, chị Trương Thị Hòa (thôn Quý Hải, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý) cho biết, chồng chị là anh Phạm Hồng, thuyền trưởng một trong 7 chiếc tàu cá bị phía Philippines bắt giữ khoảng 10 ngày nay. "Cách đây 2 ngày, anh Hồng gọi điện về nhà cho biết, tất cả các thuyền viên của 7 tàu cá đều bị giam lỏng tại tàu dưới sự kiểm soát của cảnh sát biển nước bạn. Riêng thuyền trưởng liên tục bị gọi đi thẩm vấn. Hiện nay, lương thực và nước ngọt trên tàu của ngư dân đã gần cạn kiệt. Sức khỏe mọi người vẫn tốt, được đối xử tử tế. Họ rất mong vào sự giúp đỡ của cơ quan ngoại giao Việt Nam", chị Hòa nói.
Theo chị Hòa thì các tàu cá trước khi sang Philippines đánh bắt đều có hợp đồng với Công ty Long Hải về việc khai thác hải sản và bán lại tại nước này. Chính vì vậy nên họ an tâm cập cảng nước bạn để bán cá. Chỉ đến khi cảnh sát biển quyết định tạm giữ tất cả số tàu này thì ngư dân mới biết là toàn bộ giấy tờ của mình mang theo đều không hợp lệ với luật pháp Philippines.
Anh Hồng cùng với các ngư dân khác được Công ty Long Hải (đóng tại Bến Vân Đồn, P.2, Q.4, TP.HCM) ký hợp đồng đưa đi đánh bắt tại Philippines. Để sang nước bạn, các chủ tàu này đều phải đóng một khoản phí môi giới khá lớn cho Công ty Long Hải (chị Hòa không nắm được con số cụ thể - PV). Một cán bộ UBND xã Long Hải (huyện Phú Quý) cho biết, công ty này từng đưa thành công nhiều tàu cá đi khai thác, đánh bắt ở nước ngoài nên nhiều ngư dân trên đảo Phú Quý vẫn rất tin.
Chiều qua, PV Thanh Niên đến địa chỉ của Công ty Long Hải trong một con hẻm nhỏ chỉ vừa lọt một chiếc xe máy ra vào. Địa chỉ của công ty chỉ là một căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, nằm sát bờ sông. Chúng tôi cũng đã gọi vào số máy điện thoại di động của cá nhân giám đốc công ty, nhưng không liên lạc được.
Theo nguồn tin của Thanh Niên, sau khi bị bắt giữ, phía Philippines yêu cầu 7 tàu cá của Việt Nam phải nộp phạt 12.000 USD, nếu không sẽ bị phạt tù theo pháp luật nước này. Với số tiền này, phía Công ty Long Hải khó có khả năng để bảo lãnh số tàu cá nói trên.
Cũng trong chiều qua, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sẽ có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị can thiệp với Philippines để đưa 124 ngư dân bị bắt về nước sớm nhất; đồng thời đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý doanh nghiệp đã "đem con bỏ chợ".
Quế Hà - D.Đ.Minh
Bình luận (0)