20 năm - biết bao ân tình

15/12/2005 15:19 GMT+7

Từ một “chú bé”, Tuần tin Thanh Niên bỗng được mọi người chú ý, nâng đỡ, tin yêu và gửi gắm để sớm trở thành “anh chàng” Thanh Niên phát hành hàng ngày phổng phao, chững chạc, đầy sức trẻ. Cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh của tờ báo, công tác xã hội của Báo Thanh Niên 20 năm qua cũng phát triển không ngừng.

Qua 20 năm, bạn đọc đã đóng góp khỏang 24 tỉ đồng để cùng với Báo Thanh Niên tìm tòi, len lỏi đến mọi ngóc ngách trong xã hội, đem lại bao niềm thương yêu cho mỗi phận người, mỗi cảnh đời, và cả những vùng quê còn nhiều gian khó. Và như thế, tình cảm chân thành sâu sắc, chan chứa đã nảy nở và hòa quyện giữa hàng triệu trái tim bạn đọc với Báo Thanh Niên.

1/ Xoa dịu nỗi đau cho nạn nhân thiên tai

Tổng trị giá tiền, hàng vận động bạn đọc đóng góp giúp đồng bào lũ lụt từ năm 1993 đến nay  gần 10 tỷ đồng.

Hàng năm, cứ đến mùa bão lụt là chúng tôi lại âu lo với những hung tin tới tấp loan về: thiệt hại về vật chất, tính mạng ở các vùng thiên tai xảy ra. Lật lại từng trang Báo Thanh Niên ngay từ khi còn ở “dạng” Tuần tin, chào đời vào đầu năm 1986, kéo dài đến nay là 20 năm tròn, rất nhiều lần những hung tin đó được đăng tải và kèm theo là thư của Tòa soạn kêu gọi sự sẻ chia, đùm bọc đối với đồng bào gặp hoạn nạn. Lần nào cũng vậy, lời kêu gọi đó đã được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, đủ mọi thành phần hưởng ứng góp tay cùng với Báo Thanh Niên.

Mới đây thôi, ngay khi hai cơn bão số 7, số 8 liên tiếp đổ ập vào miền Trung và miền Bắc, rồi lũ quét ở Yên Bái cướp đi sinh mạng của hàng chục người, cuốn trôi đê điều, cây trái, nhà cửa của hàng vạn dân lành, khiến không ít gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất. Một lần nữa, lời kêu gọi “lá lành đùm lá rách” của Báo Thanh Niên đã đón nhận sự hưởng ứng kịp thời của muôn vạn bạn đọc.

Từ gói mì tôm, ký gạo, thuốc men, thực phẩm  và tiền mặt của nhiều người, nhiều tổ chức, đoàn thể ở khắp mọi miền đã gửi đến Tòa soạn. Chỉ trong thời gian ngắn, tổng giá trị hàng, tiền của bạn đọc đóng góp ngót nghét 1 tỷ đồng. Một con số khiến lòng chúng tôi ấm hơn, bởi đối với bà con nghèo gặp hoạn nạn ở các vùng quê như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Thanh Hóa, Yên Bái... thì đây là lúc mọi người thấm thía ý nghĩa câu nói của ông cha “Miếng khi đói bằng gói khi no”.

Từ năm 1993, công tác xã hội của Báo Thanh Niên đã đi vào nền nếp và có các chương trình cụ thể. Đến nay, bạn đọc đã chung tay đóng góp lương thực thực phẩm, hàng quà, mùng màn, chăn chiếu, thuốc chữa bệnh trị giá hơn 10 tỉ đồng, kịp thời cứu trợ, chia sẻ cho hàng vạn bà con vùng bão lụt trên khắp đất nước. Đó là tấm chân tình, thấm đẫm tình người của bạn đọc, qua đó thấy được bạn đọc đã đặt trọn niềm tin vào Báo Thanh Niên.

Chúng tôi vô cùng trân trọng những gì thể hiện tấm lòng của bạn đọc mang đến Tòa soạn, từ những bạn đọc có điều kiện đến những bác đạp xích lô, anh chạy xe ôm, các chị, các dì tần tảo ngược xuôi buôn bán, là của các em học sinh nhịn quà sáng, của những bác hưu trí dành dụm chắt chiu từ đồng lương hưu... Chúng tôi liền lên kế họach để chuyển tiền quà đến tận tay, trong thời gian sớm nhất cho đồng bào.

Không chỉ trong nước, năm 2005, bạn đọc cũng đã cùng Báo Thanh Niên giúp đỡ cho nạn nhân sóng thần châu Á hơn 536 triệu đồng, giúp đỡ kiều bào tại Mỹ- nạn nhân cơn bão Katrina trên 211 triệu đồng và gần 5.300 USD.


Chị Trương Thị Mai - nguyên Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN trao quà cứu trợ của bạn đọc Báo Thanh Niên cho nạn nhân vùng thiên tai

2/ Điểm tựa cho những mảnh đời cơ cực, bất hạnh

Đã có 572 trường hợp khó khăn, bệnh hiểm nghèo không tiền chạy chữa, do Báo Thanh Niên  phát hiện, viết bài đăng báo, được bạn đọc đóng góp giúp đỡ với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Giúp nạn nhân chất độc da cam gần 182 triệu đồng, giúp gia đình người bị giết hại trên biển, người chết trên tàu E1 (Lăng Cô - Huế) và quà Tết cho người nghèo: gần 212,5 triệu đồng...

Không chỉ nạn nhân thiên tai, với từng số phận cơ cực, kém may mắn được nêu trên mặt báo nhờ giúp đỡ, thì bạn đọc liền có mặt. Chúng tôi còn nhớ như in hoàn cảnh tuyệt vọng của gia đình chị Lê Thị Bương - một người mẹ trẻ bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, ngụ xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Đó là vào mùa hè khô rát năm 2003, lúc đến vùng này, chúng tôi nghi nhận trường hợp của chị Bương, sau đó thông tin trên báo với thông điệp: “nếu chị qua đời thì cuộc sống của 4 cháu nhỏ con chị sẽ về đâu?”.

Sau khi báo phát hành, nhiều bạn đọc đã gọi điện hoặc trực tiếp đến Tòa soạn hỏi thăm và đóng góp tiền giúp gia đình chị Bương. Chưa hết, mấy hôm sau ông Lâm Tấn Lợi - Giám đốc DNTN Võng xếp Duy Lợi (TP Hồ Chí Minh),  các cán bộ - nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Kim Sơn (TP. Hồ Chí Minh) cùng mang tiền đến Tòa soạn, phối hợp với phóng viên Báo Thanh Niên cấp tốc trở lại nơi chị Bương ở. Điều đặc biệt trong chuyến đi này là ngoài việc thăm hỏi, an ủi động viên chị Bương, đoàn công tác chúng tôi còn kết hợp với Mặt trận Tổ quốc huyện Tánh Linh, các đoàn thể của UBND xã Đồng Kho tính toán trả hết số nợ hơn 10 triệu đồng mà trước đó chị vay mượn quanh xóm để chữa bệnh và lo gạo cho các con. Món nợ này luôn nặng lòng chị Bương dù mạch sống của chị đang trong giai đoạn khắc khoải.
 
Hôm đó, mọi người kịp nhận thấy trên khuôn mặt đau đớn của người mẹ trẻ ấy một nụ cười vốn đã tắt lịm từ lâu, vì ngoài việc trả hết nợ,  tiền bạn đọc đóng góp giúp chị còn dư hơn 30 triệu đồng, và nhất là 4 con nhỏ của chị được Làng SOS Gò Vấp đón nhận về nuôi dưỡng và cho ăn học đến tuổi trưởng thành. Chị đã thanh thản trong những ngày cuối cùng!

Một trường hợp thương tâm khác, đó là cảnh ngộ của cháu Nguyễn Thị Thúy Hằng con vợ chồng anh Nguyễn Xuân Công và chị Nguyễn Thị Thúy ngụ tại thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Do chịu ảnh hưởng của căn bệnh anh Công mang từ chiến trường trở về, cháu Hằng sinh ra bị loạn não bộ, béo phì và ra máu thường xuyên. Anh Công thì không làm gì được, một mình chị Thủy tất tả ngược xuôi nuôi chồng và chạy chữa cho con suốt 15 năm. Gia đình anh chị càng ngày càng trôi vào vực thẳm, tuyệt vọng.

Vào năm 1997, bài viết của Báo Thanh Niên nói về cơ cảnh này đã gieo vào lòng bạn đọc sự cảm thương ngập tràn. Nhiều em nhỏ cùng trang lứa Thúy Hằng tự nguyện đập heo đất tặng bạn số tiền ít ỏi của mình. Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 3, lữ đoàn 270 góp 100 ngàn đồng gửi cháu Hằng, đại biểu dự đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam lần thứ 14 tặng 1,9 triệu đồng. Các đồng nghiệp Báo Lao Động, Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Nam cũng chung tay giúp đỡ.

Trên Báo Thanh Niên số ra ngày 5/9/2005 có bài viết về trường hợp Nguyễn Thế Cường (Đà Nẵng) - một thanh niên 22 tuổi đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình và trang trải tiền học ở Khoa Xây dựng đào tạo từ xa Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - bị điện cao thế đốt cháy cụt hai tay, nhưng vẫn ôm mộng học vi tính và tiếp tục học đại học. Bài báo đã lay động trái tim bao người, để rồi rất nhiều người chung tay giúp đỡ gần 220 triệu đồng để Cường thỏa mãn nguyện ước của mình...

Nhiều, rất nhiều hoàn cảnh đáng thương tương tự, như trường hợp cháu Lương Văn Nguyên (tỉnh Quảng Nam) bị bệnh tim bẩm sinh, cháu Đinh Công Chính (tỉnh Yên Bái) bị mồ côi cha mẹ do cơn lũ quét định mệnh xảy ra tối 27/9/2005, khi được nêu trên báo đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ lớn lao từ phía bạn đọc.

Trong ngần ấy thời gian, chúng tôi đã thống kê có tới 572 hoàn cảnh thương tâm, những số phận cơ cực trên khắp cả nước được các phóng viên Thanh Niên xác minh, tìm hiểu để thông tin trên mặt báo và đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ của đông đảo bạn đọc với số tiền đóng góp giúp đỡ hơn 4 tỉ đồng. Đến cả nạn dịch cúm gia cầm, Báo Thanh Niên cũng góp tiền, quà trị giá 130 triệu đồng chung lo với cả nước.

“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, bạn đọc đã không dửng dưng với những thân phận kém may mắn hơn mình, và cũng chính điều đó càng thúc giục, đòi hỏi ở chúng tôi sự nỗ lực hơn nữa để cùng được gánh vác, sẻ chia và hẳn nhiên không nề hà công sức khi vượt đường xa chuyển tiền quà bạn đọc đến với những cảnh ngộ đáng thương...

3/ Thắp sáng tình người

Trong 2 năm, 1.422 người dân ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Dương, Lâm Đồng, An Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Phước, Phú Yên, Quảng Nam và Ninh Thuận được mổ sáng mắt với tổng kinh phí 781 triệu đồng.
Còn nhớ, vào cuối tháng 12/2003 khi mọi người tất bật chuyện đón Tết m lịch, thì chúng tôi lại bận rộn bởi Chương trình Nguồn sáng cho đời Báo Thanh Niên vừa được hình thành.

Đây là kết quả của những tháng ngày đi thực tế, tiếp cận với những người dân nghèo trong khắp cả nước, chúng tôi ghi nhận còn không biết bao người, nhất là những người cao tuổi đang phải đối diện với căn bệnh khá phổ biến: đục thủy tinh thể. Căn bệnh này đã khiến cho không ít các cụ ở tuổi xế chiều phải cam chịu nhiều u uất, đau khổ trong cảnh mù lòa vì không thể tìm đâu ra tiền chạy chữa.

Khi chương trình khởi động, chúng tôi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các nhà hảo tâm. Từ ngày 30/12/2003 đến  ngày 1/1/2004, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã tiến hành phẫu thuật mắt miễn phí cho 94 trường hợp người nghèo bị đục thủy tinh thể, trong đó có 54 ca mổ thường (500 ngàn đồng/ca), 40 ca mổ bằng kỹ thuật phaco (2,5 triệu đồng/ca), toàn bộ chi phí đợt này là 127 triệu đồng do ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm quốc tế ICC tài trợ (ông cũng là một trong những người sáng lập viên của chương trình Nguồn sáng cho đời).

Một thời gian ngắn sau đó, ICC tiếp tục tài trợ 100 triệu đồng mổ mắt cho bà con nghèo ở tỉnh Quảng Ngãi và Lâm Đồng. Cảm nhận được ý nghĩa của chương trình này, nhiều đơn vị khác như Công ty TNHH Tân Hiệp Phát và Nước giải khát number 1, Công ty Thang Máy Thái Bình, DNTN Võng xếp Duy Lợi, Công ty quảng cáo Phước Sơn, Kềm Nghĩa, Bia EU, Công ty Wings Logistics, các cá nhân, nhà hảo tâm như ông Phan Huy và gia đình - kiều bào ở Mỹ, ông Lê Thanh Tòng - kiều bào Mỹ, bà Nguyễn Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) và nhiều bạn đọc khác đã hồ hởi đóng góp tiền bạc cùng Báo Thanh Niên nhập cuộc.

Số lượng người nghèo ở các tỉnh được mổ mắt bắt đầu nhiều lên trong danh sách theo dõi của chúng tôi: ngày 27/6/2004 mổ tại An Giang 70 ca, ngày 28/6/2004 mổ tại Hậu Giang 80 ca, ngày 16/11/2004 tại Phú Yên 100 ca, ngày 27/5/2005 tại Ninh Thuận 100 ca, ngày 20/7/2005 tại Quảng Nam 100 ca, ngày 5/8/2005 tại Bến Tre 100 ca, ngày 16/9/2005 tại Bình Phước 108 ca...

Tính chưa tròn 2 tuổi, Chương trình Nguồn sáng cho đời đã mang lại ánh sáng cho 1.422 người dân nghèo ở 10 tỉnh trong nước với kinh phí là 781 triệu đồng. Một nổ lực chưa làm sáng rực cả bầu trời như mong muốn nhưng chí ít cũng rạng tỏa cho hơn 1400 mái ấm gia đình bấy lâu phải chịu đựng cảnh tối tăm, tủi cực.

4/ ... Nhớ người trồng cây

Chiến tranh chấm dứt 30 năm qua nhưng hậu quả còn kéo dài triền miên khôn dứt. Hãy nhìn vào hàng triệu gia đình Việt Nam có người thân bị nhiễm chất độc hóa học dioxin do quân đội Mỹ khai quang mới thấy nỗi đau ấy lớn biết chừng nào. Báo Thanh Niên không

Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa gần 334,5 triệu đồng
quản ngại khó khăn, mang tiền cùng nhiều hàng quà của bạn đọc đến tận Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Cà Mau... thăm hỏi, động viên trao quà cho những gia đình khốn khổ có những hình hài cốt nhục bị biến dạng, những con người bị tâm thần nặng, không thể tự sinh họat phải sống nhờ vào sự chăm sóc của người thân...

Hơn 20 sau hòa bình, làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) - nơi được cả thế giới biết đến từ vụ thảm sát của quân đội Mỹ giết chết 540 thường dân vô tội - vẫn sống trong cảnh tù mù của ngọn đèn dầu. Báo Thanh Niên phối hợp cùng Công ty CP Khử trùng - Giám định Việt Nam đóng góp hơn 163 triệu đồng xây 2 trạm biến thế để đưa điện về cho bà con sinh hoạt, sản xuất.

Cũng ở vùng đất Quảng Ngãi này, từ năm 1996, Báo Thanh Niên đã nhận phụng dưỡng suốt đời 5 Mẹ Việt Nam Anh Hùng (nay chỉ còn 2 mẹ còn sống) và mỗi khi có dịp về đây, từ lãnh đạo cho đến các phóng viên trong chúng tôi vẫn thường ghé thăm, chăm sóc các mẹ. Còn nữa, Báo Thanh Niên xây dựng 17 căn nhà tình nghĩa tặng các Mẹ Việt Nam Anh Hùng, gia đình chính sách ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Cần Thơ, Gia Lai; hỗ trợ xây nhà tình thương ở TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Lâm Đồng; xây 60 căn nhà cho bà con vùng lũ ở các tỉnh miền Trung với tổng kinh phí khoảng 900 triệu đồng và xây 14 cầu bê tông ở Nam bộ trên 160,5 triệu đồng.

5/ Vì một tương lai Việt Nam

Ngày 19/5/2003, cả nước bàng hoàng khi hay tin dữ 18 học sinh Trường THCS Quế Trung tử nạn trong vụ chìm đò ở bến Cà Tang thuộc xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Triệu triệu con tim nhói đau khi vỡ lẽ ra rằng chỉ vì nghèo, 18 em này phải mới chịu thảm tử trên đường đi học về. Một chiếc cầu  nối đôi bờ sông Thu không chỉ dành cho các em thơ tung tăng tới trường mà cho cả vùng dân nghèo khó huyện Quế Sơn sinh họat, làm ăn...

- Xây mới 6 trường tiểu học, sữa chữa 2 trường , xây dựng mới 3 phòng học, trang bị cho thư viện, mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập: gần 1,5 tỷ đồng.

- Khám, chữa bệnh, tặng đồ chơi, xe đạp, trống, quà bánh, vải, góp vào quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam: trên 3, 8 tỷ đồng...

Thông điệp này được các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là của các cơ quan truyền thông, trong đó Báo Thanh Niên xuất hiện như một đơn vị tiên phong -  nhận được sự hưởng ứng của bạn đọc đủ mọi thành phần trong và ngoài nước, đã đóng góp gần 1,2 tỉ đồng và số tiền ấy, một phần đưa đến giúp đỡ tận tay 18 gia đình mất con, một phần lo đóng 8 chiếc thuyền máy và còn lại 500 triệu góp cùng các đơn vị khác xây dựng cây cầy vĩnh cửu bắc qua vùng thượng nguồn sông Thu. Đến ngày 29/4/2005, cầu mang tên Nông Sơn với công sức của hàng triệu tấm lòng đã xây dựng xong, chấm dứt sự cách trở bao đời nay ở một vùng quê nghèo khó, khỏa lấp nỗi đau dai dẵng trên bến sông nghèo có cái tên Cà Tang.

Còn nhớ, Báo Thanh Niên - lúc ấy là năm 1992, còn khó khăn trăm bề nhưng đã “đa mang” - nhận bảo trợ cho trường Tình thương Tích Thiện, ngôi trường chỉ là một mái lá đơn sơ, ẩm thấp nằm giữa rừng cao su Dầu Giây, thuộc xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi dành cho những em thơ sớm thất học, mặt mày đen đũi ngày ngày khoác trên đôi vai gầy chiếc bao lớn hơn hình hài của mình để lượm nhặt ve chai, hoặc cầm  một xấp vé số mà bản thân các em có đứa chưa biết hết các mặt chữ, lặn lội kiếm cái ăn cho gia đình.

Phải trao cho các em cái chữ, và những kiến thức phổ thông, điều mà muôn con trẻ lẽ ra đều được hưởng - đó là vấn đề đau đáu trong lòng của tập thể Báo Thanh Niên khi nhận bảo trợ cho ngôi trường đặc biệt này. Sau 13 năm, giờ đây Trường Tình thương Tích Thiện với sự chung tay đóng góp của các đơn vị kinh tế, các nhà hảo tâm như doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi, Công ty VINAFAX, Saigon Children’s Charity (SCC), tổ chức Đông Tây hội ngộ, NXB Giáo Dục TP HCM, Công ty QC Phước Sơn... đã trở thành ngôi trường khang trang gồm 3 phòng học kiên cố, có các trang thiết bị văn phòng, đồ dùng dạy học, phòng cho thầy cô giáo, sân chơi cho học sinh...

Điều khích lệ nhất là thành quả của nó: 1.356 em theo học từ lớp 1 đến lớp 9, nhiều em từ đây đã trưởng thành vào đời, có em học nghề vào làm các xí nghiệp, đi bộ đội hoặc làm các ngành nghề khác. Ngoài ra, Báo Thanh Niên cũng dành 152 triệu đồng tài trợ cho 2 lớp học tình thương ở Q.4 và Q.8, TP Hồ Chí Minh, vận động bạn đọc đóng góp 1,3 tỉ đồng xây mới 6 trường tiểu học ở  các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau..., trong đó, trường Hành Thiện (Quảng Ngãi) đạt chuẩn quốc gia.
 
Hầu hết vùng quê nghèo ở khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng có dấu ấn của bạn đọc Báo Thanh Niên, dấu ấn của sự cảm thông chia sẻ, của sự dìu dắt - bảo bọc  những em thơ gặp nhiều khó khăn bằng nhiều hình thức như tổ chức lễ đón tết Trung thu, tặng quà Tết Nguyên đán... với khoản kinh phí lên đến hàng tỉ đồng.

Điều đó như một minh chứng cho thấy bạn đọc Báo Thanh Niên luôn trăn trở trước một bộ phận không nhỏ trẻ em nghèo ở những vùng quê xa xôi cách trở, thiếu thốn mọi bề. Giúp đỡ, hỗ trợ các em như một trách nhiệm, bởi chúng ta không ai có thể yên lòng khi mai này trên chuyến tàu đất nước, có những chủ nhân bị khiếm khuyết tri thức, tụt hậu so với các công dân khác cùng trang lứa.
                                               
20 năm hình thành và phát triển đối với một tờ báo quả là thời gian quá ngắn ngủi, nhưng những gì mà bạn đọc cùng với Báo Thanh Niên đồng hành, thực hiện, sẻ chia thật lớn lao nhưng vì trang giấy có hạn, chúng tôi chưa thể nêu được hết. Tấm lòng ấy rất đáng trân trọng và tôn vinh.

Nhân đây, Báo Thanh Niên xin chuyển lời tri ân của những cuộc đời kém may mắn, những tình cảm sâu lắng nhất của những em thơ, của các chú, các mẹ được nhận sự giúp đỡ đến với muôn vạn tấm lòng cao cả của bạn đọc. Phần chúng tôi, ngọn lửa trong tim luôn rực cháy và luôn sẵn sàng cùng bạn đọc tiếp tục cuộc hành trình xóa dịu nỗi khốn khó, đau thương của những thân phận cơ cực vẫn còn rất nhiều trên quê hương mình.

Phan Bá Chức - Bùi Chiến - Tuấn Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.