Những ngày mưa lũ, là cán bộ đứng đầu một huyện, anh xông pha lội bùn, dầm mình trong mưa lũ để chỉ đạo sơ tán dân, phòng chống lũ lụt nên ít có thời gian ở nhà. Ngày truy điệu 13 liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn sự cố sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, hôm 18.10, bà Nhỏ được xe của tỉnh đưa đến nhà tang lễ. Đây cũng là lần bà được “gặp” lại con trai từ khi anh rời nhà đi chống lũ. Nhìn quan tài phủ kín Quốc kỳ, nằm yên lặng trong hàng liệt sĩ, người mẹ ngã quỵ bên hành lang nhà tang lễ.

Trong nước mắt đau xót vì mất đi người con trai duy nhất, bà lẩm bẩm: “Khi mô nhắc đến chuyện lo việc nhà, răng không chịu ở nhà, thằng Bình đều nói, con phải “chiến đấu” đã. Không biết chiến đấu gì mà đi mãi. Giờ thì nằm đó, mẹ biết sống làm răng đây con ơi!”

Với những bà mẹ Hà Tĩnh, thảm nạn sạt lở đất ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị dường như khiến họ không thể đứng vững khi nghe tin con trai … ra đi mãi mãi không về. Không lời nào có thể lột tả được nỗi đau của những người mẹ, người vợ.

Trong cơn hồng thủy lịch sử ở Quảng Bình, lực lượng cứu hộ nhiều lần chứng kiến những người phụ nữ kiên cường giữa con nước dữ, như bà Nguyễn Thị Quy (ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh, H.Quảng Ninh). Bà tìm cách trèo lên nơi cao nhất có thể để kêu cứu lực lượng cứu hộ quân đội đưa qua nhà để lấy đồ đạc tư trang áo quần chạy lũ.

Ánh mắt lạc thần, nỗi đau vô bờ bến của những người mẹ, người vợ miền Trung những ngày bão lũ này lại khiến chúng tôi rùng mình ớn lạnh khi nhớ đến hình ảnh trong cơn đại hồng thủy hơn 2 thập kỷ trước (tháng 11.1999). Đó là những người mẹ quê nghèo đội con bơi trong dòng lũ, hay người mẹ co ro lạnh căm ngâm mình trong dòng nước bạc, nhường chiếc thùng nhỏ để con ngồi bên trên... Chỉ một tuần nước lên nhấn chìm cùng lúc 10 tỉnh thành của miền Trung từ Quảng Trị vào Bình Định, khiến gần 600 người chết, thiệt hại tài sản là không thể đong đếm. Phải mất đi vĩnh viễn trụ cột gia đình, những người bà, người mẹ gác lại nỗi đau để làm điểm tựa mưu sinh cho những con cháu...

Bão lũ vẫn vần xoáy miền Trung khi đến mùa. Không thể nào quên được là năm bão kép 2006 khi ngoài khơi Chanchu (tháng 5) đánh tả tơi tàu thuyền còn trong đất liền bão Xangsane (tháng 10) tàn phá khắp nơi.

Bão Chanchu, tôi không thể nào quên hình ảnh những người mẹ, người vợ ôm nắm hương nghi ngút lạy khấn cầu bình an dọc bờ biển Bình Minh (H.Thăng Bình, Quảng Nam), rồi vượt hàng mấy chục cây số đi nhận xác chồng, xác con ở cảng biển Đà Nẵng. Diễn biến khó lường của Chanchu đã khiến rất nhiều ngư dân Việt Nam trên biển bị “đánh úp” với gió cấp 12, giật trên cấp 12, khiến hàng trăm tàu thuyền bị đánh đắm, hư hại ngoài khơi xa. Cơn bão Chanchu đã cướp đi sinh mạng của 266 người dân miền Trung, trong đó có hơn 150 ngư dân Quảng Nam... Chỉ 20 thi thể ngư dân được tìm thấy, số còn lại mãi mãi nằm dưới lòng biển.

Đau đớn nhất vẫn là những người phụ nữ làng biển quanh năm tần tảo, giữa nỗi lo “có chồng đi biển”. Hàng trăm đứa trẻ trong làng bỗng chốc mồ côi khi cha không trở về, hàng trăm người vợ, người mẹ khóc cạn nước mắt không thể gượng dậy nổi...

Nỗi đau còn chưa ráo lệ thì tháng 10.2006, Xangsane quét qua miền Trung chỉ 6 giờ đồng hồ nhưng mức tàn phá, thiệt hại không thể đong đếm... với 69 người chết và mất tích, gần 300 ngàn căn nhà bị tốc mái, hư hỏng. Vẫn là những đau thương thất thần trên những khuôn mặt lam lũ, già nua. Những người phụ nữ miền Trung vừa làm bà vừa làm ông, vừa làm mẹ vừa làm cha gánh gồng vượt qua gian khó. Của nả cứ hễ tích cóp, nhín nhịn, dành dụm “ăn không dám ăn, mặc không dám mặc” chỉ biết dành dụm cho con ăn học hòng thoát ra khỏi cái nghèo ở cái xứ sở khắc nghiệt, thiên tai địch họa quanh năm... Có những ngôi làng biển nơi chúng tôi đi qua chỉ có phụ nữ tất tả, lam lũ tối ngày, ở nhà thì mong trời đừng “hành cơn lụt”, ngoài khơi thì mong thuận buồm xuôi gió, nhưng nào có dễ...

Miền Trung, cứ đều đặn hàng năm vào mùa là mưa gió, là bão lũ quăng quật đời những người phụ nữ nghèo đến tan tác, xác xơ. Nhưng rồi họ những người mẹ, người vợ vẫn gượng dậy, tảo tần, vì những đứa trẻ phải lớn lên, phải đi học để thoát khỏi nghèo khó...

BÀI & ẢNH: Nhóm Phóng viên miền Trung
ĐỒ HỌA: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
20.10.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.