23 ngày và 9.000 bộ áo dài gửi tặng các cô giáo vùng lũ miền Trung

16/11/2020 19:52 GMT+7

Cô giáo ở H.Hướng Hóa, Quảng Trị xoay mấy vòng trước gương, ưng lắm tà áo dài màu hồng vừa được nhận. Hình ảnh đó khiến cô Đặng Kim Oanh, người 23 ngày qua quyên góp áo dài tặng các cô vùng lũ miền Trung nhớ mãi.

Mơ một bộ áo dài

Những chuyến trực tiếp đi miền Trung, tặng lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho bà con miền Trung của cô Đặng Kim Oanh (nguyên Phó giám đốc Đài phát thanh truyền hình Bình Thuận, đã nghỉ hưu) trong thời gian qua mang về một trăn trở. Trong những thiếu thốn đủ bề ở vùng lũ sau khi nước rút, có cô giáo tâm sự, họ không có áo dài để mặc trong ngày 20.11.
Cô Oanh nghĩ ra, rất nhiều phụ nữ ở các tỉnh thành, có thể trong tủ của mình có tới vài bộ áo dài, sao chúng ta không cùng san sẻ với các cô giáo ở miền Trung?

Áo dài được ủi, gấp lại, ghi kèm rõ số đo người mặc và nhiều tấm thiệp chúc mừng các cô nhân ngày 20.11

Ảnh Vì ta cần nhau

Nghĩ là làm, với vai trò trưởng nhóm từ thiện “Chợ 0 đồng T.O.T Bình Thuận” cô Oanh tổ chức phiên chợ áo dài 0 đồng, quyên góp được vài ngàn bộ áo dài cho các cô giáo vùng lũ miền Trung. Câu chuyện đẹp ngày càng được lan tỏa khi cô Oanh cùng bàn với nhóm từ thiện "Vì ta cần nhau" mà mình cũng là thành viên, cùng với cô Lê Thanh Chung của nhóm, đang sống và làm việc tại Mỹ cùng nhau kêu gọi cộng đồng cùng tặng áo dài cho các cô giáo còn nhiều khó khăn ở miền Trung.
“Tôi khởi xướng phong trào mọi người tặng áo dài cho các cô giáo ở miền Trung ngày 23.10. Tới ngày 1.11 tôi và cô Lê Thanh Chung cùng với nhóm “Vì ta cần nhau” bắt đầu lan tỏa thông tin tới mọi người nhiều hơn. Chúng tôi rất cảm động khi nhận được quá nhiều tình cảm, sự ủng hộ của cộng đồng với những bộ áo dài đầy trân quý gửi về các cô giáo miền Trung”, cô Đặng Kim Oanh chia sẻ.

Những thầy cô giáo khắp Việt Nam cùng hưởng ứng

Từ những bài viết trên trang “Vì ta cần nhau”, số người ủng hộ áo dài tăng lên. Rất nhiều người trong số này là các thầy cô giáo đang làm việc, hoặc đã nghỉ hưu… ở khắp các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quy Nhơn, Gia Lai… Không chỉ tặng những bộ áo dài còn mới, tươm tất, nhiều người còn tình nguyện ngồi lại giặt tay lại các bộ áo, ủi phẳng phiu, cho vào bịch ni lông, ghi rõ số đo các vòng cho mỗi bộ ở bên ngoài để các cô giáo nhận quà cảm thấy ấm lòng.
Cô Trường Giang, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, người cùng tiếp nhận các bộ áo dài tại TP.HCM và phân loại, đóng gói để chuyển ra miền Trung, cho biết rất trân quý tấm lòng của những em sinh viên, các cô bác hội phụ nữ, hưu trí… mọi người cùng dành ra thời gian của mình để chọn lọc áo, giặt, ủi đồ, hay tự tay viết những tấm thiệp, lời chúc gửi tới các cô giáo vùng lũ.
Cùng đồng hành vai trò đầu mối tiếp nhận áo dài tại TP.HCM còn là cô Phan Thanh Hà, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
"Đầu cầu Hà Nội có cô Đỗ Kim Hoa, người làm đầu mối chính kiểm tra, sắp xếp và đóng gói hơn 5.000 bộ để chuyển đi. Cô Hoa đã huy động cả Đoàn thanh niên của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khoa sau đại học, hội cựu giáo chức và cả Hội phụ nữ phường. Cả cửa hàng photocopy gần nhà cũng ủng hộ để in nhãn dán và bút viết trên thùng", cô Thanh Chung xúc động cho biết.

Tấm lòng của cộng đồng, trong đó có nhiều giáo viên khắp cả nước cùng tặng áo dài cho các cô vùng lũ miền Trung

Cô Trường Giang cho hay điều khiến mọi thành viên cảm thấy vui nhất, đó là việc tặng áo dài cho các cô giáo vùng lũ miền Trung tự động lan tỏa. Nhiều cá nhân, đơn vị từ nhiều địa phương cả nước sau đó tự động đứng ra quyên góp thêm hàng ngàn bộ áo dài rồi cùng nhau mang ra miền Trung, chia sẻ với các cô giáo khi ngày 20.11 sắp đến gần.

Đàn ông đi tặng và xin áo dài

Từ “đầu cầu” TP.HCM, cô giáo Trần Thị An Hiền, giáo viên nghỉ hưu, trú ở P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM và chồng chu đáo gấp từng bộ áo dài, ghi rõ số đo vào túi đựng. Vợ chồng cô Hiền chia sẻ, cùng là giáo viên, vợ chồng cô mong mỏi những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với các cô giáo ở miền Trung, những nơi bão lũ vừa đi qua. 
“Tôi rất trân trọng việc những người không quen biết cũng sẵn lòng giúp nhau”, cô Đặng Kim Oanh nói. Một chi tiết mà cô Oanh nhớ mãi trong hành trình đi quyên góp và trao tặng áo dài của mình, đó là những người đàn ông là những người “mở hàng” tặng áo dài cho nhóm.

Niềm vui của các cô giáo ở miền Trung được nhận áo dài

“Người đầu tiên đem áo dài đến tặng để khởi xướng phong trào là đàn ông. Người đầu tiên phía bên nhận thích thú phong trào này cũng là đàn ông. Người đầu tiên xin áo dài cho phụ nữ biên giới Việt - Lào cũng là đàn ông”, cô Kim Oanh kể.
Cô Đặng Kim Oanh cho hay, cho tới nay hơn 9.000 bộ áo dài đã được quyên góp. Các tình nguyện viên đã có rất nhiều chuyến đi về các tỉnh miền Trung để trao áo dài cho các cô giáo tại các xã thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị… Câu chuyện đẹp vẫn chưa dừng lại, số áo dài mà cô Oanh, cô Chung, cô Giang và những tấm lòng khác có thể là 10.000 bộ và hơn thế nữa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.