23 nữ sinh bị bảo vệ xâm hại: 'Giật mình' nhìn lại cách quản lý

07/04/2016 10:18 GMT+7

Mô hình bán trú dân nuôi từ cấp tiểu học khá phổ biến và ngày càng được nhân rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vì đây là cách hữu hiệu để duy trì tỉ lệ trẻ em đi học.

Mô hình bán trú dân nuôi từ cấp tiểu học khá phổ biến và ngày càng được nhân rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vì đây là cách hữu hiệu để duy trì tỉ lệ trẻ em đi học.

Học sinh nội trú trường tiểu học xã Tỏa Tình, Điện Biên - Ảnh: Tuệ NguyễnHọc sinh nội trú trường tiểu học xã Tỏa Tình, Điện Biên - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Tuy nhiên, sau vụ việc 23 nữ sinh tiểu học ở Lào Cai bị bảo vệ nhà trường xâm hại, các trường đã phải “giật mình” nhìn lại cách quản lý mô hình trường này.
Những ngày qua, dư luận bàng hoàng trước thông tin bảo vệ Trường tiểu học bán trú La Pán Tẩn, H.Mường Khương, Lào Cai, bị cơ quan điều tra bắt giữ vì bị tình nghi dâm ô với ít nhất 23 học sinh nữ trong trường. Nhiều người đặt câu hỏi: các thầy cô và lực lượng chức năng của nhà trường ở đâu khi vụ việc xảy ra hàng năm trời, lại ở ngay tại nhà trường với số lượng học sinh nhiều như vậy mà không ai biết.


Hiện Lào Cai là tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc về số lượng trường bán trú dân nuôi với 105/682 trường. Tại Điện Biên, đến năm học 2015 - 2016, có 64/175 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, chiếm 36,6%, với 1.396 lớp, 26.671 học sinh, trong đó có 11.361 học sinh nội trú.


Bà Dương Thị Minh Nguyệt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết, đã phối hợp với Sở LĐ-TB-XH của tỉnh, đơn vị có phòng chăm sóc bảo vệ trẻ em về trường tổ chức buổi gặp gỡ phụ huynh, học sinh để tư vấn cách theo dõi, nắm bắt biểu hiện, tâm lý của trẻ, đồng thời yêu cầu các trường bán trú rà soát lại toàn bộ quy trình chăm sóc, quản lý và bảo vệ học sinh nội trú.
Tình huống chưa từng đặt ra
Thông tin về vụ việc của Trường tiểu học bán trú xã La Pán Tẩn cũng khiến các địa phương khác đang thực hiện mô hình này “giật mình” lo lắng. Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học bán trú xã Tỏa Tình, H.Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Trường đã thực hiện mô hình bán trú dân nuôi từ năm 2008 nhưng chưa bao giờ nghĩ đến tình huống học sinh bị chính nhân viên trong trường xâm hại như vậy. Đây là một thực tế đau lòng mà chúng tôi sẽ phải tự rút kinh nghiệm để tăng cường quản lý, bảo vệ học sinh của mình”, bà Hà nói.
Cũng theo bà Hà, học sinh dân tộc rất nhút nhát, thật thà, lại còn quá nhỏ tuổi, phải sống xa gia đình nên lâu nay nhà trường vẫn yêu cầu giáo viên và nhân viên quan tâm đến các em. Hàng tuần đều có buổi sinh hoạt ngoại khóa với học sinh nội trú để hướng dẫn các em cách thức tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân, khi bị đau ốm thì phải gọi ai… “Chúng tôi thường dặn học sinh không được tiếp xúc hoặc bị người lạ rủ rê, nhưng lại không dạy các em phải phòng vệ ra sao với những hành vi bất thường của chính người quen”, bà Hà chia sẻ.
Theo bà Hà, sự việc gây chấn động này buộc các trường phải suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn về việc giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho học sinh, cũng như những kỹ năng cần thiết để tránh bị xâm hại tình dục. Bà Hà cũng cho hay, đang khẩn trương xây dựng một chuyên đề giáo dục cho học sinh kỹ năng phòng vệ khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang rất lúng túng không biết phải nói thế nào để học sinh không cảm thấy ngượng ngùng, vừa giúp các em dễ hiểu vừa nhận thức được mức độ quan trọng của vấn đề”, bà Hà nói.
Sở GD-ĐT Điện Biên cũng cho biết, sau sự việc đau lòng xảy ra ở Lào Cai, các trường bán trú dân nuôi được yêu cầu phải tăng cường hơn nữa việc quản lý trẻ.
Bất cập trong quản lý
Mô hình bán trú dân nuôi từ cấp tiểu học được hình thành do đồng bào dân tộc ở khu vực vùng sâu, vùng xa cư trú rải rác, địa hình phức tạp nên khoảng cách từ nhà đến trường học của nhiều em quá xa, ảnh hưởng không nhỏ tới việc huy động học sinh đến lớp cũng như việc duy trì lịch học đều đặn của học sinh. Mô hình này xuất phát điểm hoàn toàn tự phát nhằm giúp các em có thể ăn ngủ tại trường từ thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần mới về nhà, tránh tình trạng bỏ học giữa chừng. Sau hơn chục năm hoạt động tự phát, năm 2010, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có quy định rõ vai trò của hiệu trưởng: “Phối hợp với chính quyền, các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong quản lý, chăm sóc học sinh bán trú”.
Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế còn nhiều bất cập. Các bữa ăn tại trường của các em cũng được thực hiện theo nhiều cách khác nhau. Có xã nghèo thì được chương trình 135 hỗ trợ chi phí; xã không thuộc diện nghèo thì cha mẹ đóng góp gạo, thực phẩm hoặc một chút tiền. Do không có kinh phí nên các thường trường cử giáo viên hoặc vận động cha mẹ ở gần trường tự nguyện nấu ăn giúp; học sinh lớn có thể phải tự nấu bằng lương thực mà các em mang lên trường mỗi dịp cuối tuần về thăm nhà… Đặc biệt, các trường không có biên chế cho người chăm sóc mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện làm thêm của giáo viên. Vì vậy, việc xảy ra những bất trắc là khó tránh khỏi, khi học sinh tiểu học phải sống xa gia đình, nhưng lại chưa được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.