257 bị cáo trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nộp lại gần 338 tỉ đồng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/05/2023 11:18 GMT+7

Chánh án TAND tối cao cho biết, 257/310 bị cáo trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã nộp lại 338 tỉ đồng trong tổng số 736 tỉ đồng tòa án tuyên thu hồi.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa gửi Quốc hội báo cáo về công tác của các tòa án 6 tháng đầu năm 2023.

257 bị cáo trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nộp lại gần 338 tỉ đồng - Ảnh 1.

Chánh án TAND Nguyễn Hòa Bình báo cáo tại Quốc hội

GIA HÂN

Theo thống kê từ ngày 1.10.2022 đến ngày 31.3.2023, các tòa án thụ lý 369.347 vụ việc và đã giải quyết được 199.371 vụ việc, đạt tỷ lệ 54%.

So với cùng kỳ năm 2022, số vụ việc đã thụ lý tăng 24.928 vụ, đã giải quyết tăng 7.129 vụ.

Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,95%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%), ông Nguyễn Hoà Bình thông tin.

Về các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, ông Bình cho hay, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 2.021 vụ với 4.598 bị cáo, đã xét xử 1.215 vụ với 2.360 bị cáo.

So với cùng kỳ năm 2022, thụ lý tăng 299 vụ với 163 bị cáo, xét xử tăng 163 vụ với 110 bị cáo.

Các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ mà tòa án đã xét xử chủ yếu về tàng trữ vận chuyển hàng cấm; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; sản xuất, buôn bán hàng cấm; tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Bình khẳng định, các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Cùng với đó, chú trọng tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng biện pháp kê biên tài sản và hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.

Qua xét xử 87 vụ với 310 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tòa án các cấp đã tuyên thu hồi số tiền và tài sản trên 736 tỉ đồng. Có 257 bị cáo trong 62 vụ đã khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản đã chiếm đoạt gần 338 tỉ đồng.

Theo báo cáo, TAND tối cao đã tập trung chỉ đạo xét xử nghiêm túc, kịp thời vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, vụ án dư luận xã hội quan tâm.

Trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm phạm các tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ "đưa hối lộ", "nhận hối lộ"; "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai; vụ án Cao Minh Quang và đồng phạm phạm các tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Y tế…

Đánh giá chung về giải quyết các vụ án hình sự, ông Bình khẳng định "việc xét xử các vụ án bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội".

Nêu phương hướng thời gian tới, ông Bình cho biết sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xét xử các vụ án, đảm bảo đúng thời gian quy định, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản nhà nước.

9.666 bị cáo được hưởng án treo

Báo cáo của Chánh án TAND tối cao cũng cho biết, trong kỳ báo cáo, các tòa án đã xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với 9.666 bị cáo, chiếm 17,99%. 

Hầu hết các trường họp cho hưởng án treo được cân nhắc kỹ lưỡng; được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm đúng pháp luật, phát huy ý nghĩa nhân văn, tạo điều kiện cho người bị kết án được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát, giáo dục của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

Việc xem xét, quyết định áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.