3 khó khăn cản bước tham vọng viễn thông toàn cầu của Huawei

Thu Thảo
Thu Thảo
12/01/2019 08:44 GMT+7

Huawei vừa có thêm một tuần tồi tệ với việc nhân viên quan hệ công chúng của hãng bị bắt ở Ba Lan và lùm xùm về thiết bị tại bang California (Mỹ).

Huawei là một trong những cái tên công nghệ được nhắc đến nhiều nhất thời gian gần đây. Theo CNBC, chính phủ Mỹ thể hiện rõ rằng họ muốn dứt khoát trong nhiều cáo buộc với Huawei giữa lúc quan hệ thương mại, công nghệ Mỹ - Trung Quốc vướng căng thẳng.
Hàng loạt động thái chống Huawei và hàng Huawei của nhiều nước làm dấy lên câu hỏi làm thế nào doanh nghiệp có thể mở rộng tầm với của thiết bị 5G ở thị trường phương Tây. Ngược lại, lùm xùm Huawei cũng đặt nghi vấn rằng liệu các doanh nghiệp cạnh tranh với hãng này, chẳng hạn như Apple, sẽ được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá ra sao. Dưới đây là ba vấn đề xấu mà hãng thiết bị viễn thông số một Trung Quốc vấp phải trong tuần này.

Vụ bắt giữ ở Ba Lan

[VIDEO] Ba Lan bắt giữ nhân viên của Huawei vì cáo buộc gián điệp
Huawei từ lâu bị tình báo Mỹ cáo buộc là có động thái gián điệp, đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Các giám đốc Huawei chưa từng đối mặt với cáo buộc gián điệp chính thức cho đến hôm 11.1, khi giới chức thực thi pháp luật Ba Lan bắt giữ một giám đốc quản lý Huawei, theo The Wall Street Journal.
Báo Mỹ đưa tin người bị bắt là nhân viên quan hệ công chúng kiêm giám đốc bán hàng, bị bắt cùng một quan chức công nghệ thông tin chính phủ Ba Lan. Các cáo buộc mà sếp Huawei phải đối mặt ở quốc gia châu Âu là hành vi thông đồng với quan chức địa phương để mở đường thu thập thông tin chính phủ thông qua thiết bị Huawei ở đây.

Thiết bị ở bang California

Hãng nghiên cứu và phát triển Futurewei Technologies của Huawei tại Santa Clara, bang California vừa bị chặn vận chuyển thiết bị viễn thông và phần mềm được sản xuất tại bang trong tuần này. Bộ Thương mại Mỹ cho rằng thiết bị có rủi ro an ninh. Tom Kellerman, giám đốc điều hành hãng an ninh mạng Carbon Black kiêm cựu quan chức an ninh mạng hàng đầu Ngân hàng Thế giới (WB), cho hay: “Đây là một phần của nỗ lực đa hướng nhằm tăng áp lực lên Trung Quốc. Họ tin rằng toàn bộ chuỗi cung ứng của Huawei có nguy hiểm tiềm tàng”.
Huawei giỏi sản xuất thiết bị viễn thông, trong đó có thiết bị cung cấp khả năng truy cập, kết nối mạng 5G. Tuy nhiên, lo ngại về tình báo, gián điệp đã và đang dẫn đến nhiều lệnh cấm hãng này ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand. Hàng bị cấm là thiết bị viễn thông và thiết bị 5G.

Giám đốc tài chính ở Canada

[VIDEO] Huawei bị tố liên quan đến 2 công ty Iran, Syria vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ
Mỹ có từ nay đến cuối tháng này để nộp yêu cầu dẫn độ chính thức bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính (CFO) Huawei. Vụ bắt giữ bà này gây nhiều tranh cãi. Trung Quốc đến nay bắt tới 13 người Canada làm việc ở Trung Quốc và đe dọa trả đũa nếu Canada chọn dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ. Bà Mạnh bị buộc tội gian lận liên quan đến nhiều khoản thanh toán, được cho là thực hiện thông qua nhiều ngân hàng quốc tế giữa nhà cung ứng của Huawei ở Hồng Kông và Iran, nước chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Hiện chưa rõ Bộ Tư pháp Mỹ sẽ quyết tiếp tục yêu cầu dẫn độ, hay là Canada cố gắng giải quyết vấn đề trong biên giới quốc gia. Huawei lên tiếng bác bỏ mọi cáo buộc chống lại bà Mạnh. Gần đây hơn, đại sứ Trung Quốc ở Canada cho hay việc Canada yêu cầu Trung Quốc phải thả tự do công dân nước này là ví dụ về “tiêu chuẩn kép” và “quyền của dân da trắng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.