5 năm làm báo

14/12/2010 22:49 GMT+7

Tôi chính thức trở thành phóng viên Báo Thanh Niên vào ngày 1.8.2005 khi đang còn du học ở nước ngoài. Giữa tháng 10 năm ấy tôi về nước và ngày 1.11 thì được giao quản lý trang web tiếng Anh.

Lúc ấy, Báo Thanh Niên kỷ niệm 20 năm thành lập. Và trên số báo mừng sinh nhật vào ngày 1.3.2006, tôi có viết một bài tựa đề Món quà định mệnh kể lại cái “định mệnh” đưa tôi đến với Báo Thanh Niên và cả cái băn khoăn khi bước vào nghề báo. Khi đó, có người thân lo tôi “không sống được với nghề”; có người khuyến cáo “làm báo là chấp nhận dấn thân”. Thôi thì, đã có “định mệnh”!

Mới đó mà đã 5 năm. Nhìn lại những vui buồn trên chặng đường đã qua, tôi nhớ nhiều hơn những lần mình đã khóc. Người ta bảo nước mắt là vũ khí của phụ nữ. Nhưng với tôi, nước mắt đơn giản chỉ là cái van an toàn cho sức khỏe và tâm thần.

Vừa mới nhận công tác chưa được 20 ngày, khoảng thời gian mà ở nhiều công ty người ta gọi là thời trăng mật, thì tôi gặp ngay một sự cố. Lần đó, đoàn thể thao VN đi dự SEA Games 23 ở Philippines gặp phải sự phản đối của nước chủ nhà. Lý do là trước khi lên đường, trưởng đoàn VN có phát biểu trước báo giới rằng ông nghe nói người ta đã dàn xếp trước kết quả một số trận đấu và xếp hạng chung cuộc. Phía Philippines đọc được thông tin này trên trang web tiếng Anh của Báo Thanh Niên.

Và người ta bắt đầu cáo buộc rằng Thanh Niên đưa tin sai bởi ông trưởng đoàn nói khác, rằng thì chúng tôi dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh sai… Là người trực tiếp phụ trách trang web tiếng Anh, đương nhiên tôi phải chịu trách nhiệm, trước nhất là ngay trong nội bộ cơ quan. Và chúng tôi đã chứng minh trên mặt báo rằng chúng tôi trích dẫn chính xác và không hề dịch sai. Nhiều độc giả đã gửi thư và gọi điện bày tỏ sự đồng tình với chúng tôi, phía cáo buộc cũng im lặng không nói gì nữa. Lần đó coi như chúng tôi thắng, sự thật chiến thắng. Nhưng cũng có vài ý kiến cho rằng lẽ ra không nên đăng lời phát biểu của ông trưởng đoàn, bởi nó có thể ảnh hưởng không tốt đến người nọ người kia, mối quan hệ này quan hệ khác. Đó là thử thách đầu tiên trong nghề làm báo của tôi.

Rồi tôi sang Singapore thường trú từ tháng 7.2007 đến nay. Tôi đọc được trên mạng những bản tin về một câu chuyện thế này:

Tháng 10.2003, ông Lý Quang Diệu, khi đó đã thôi làm thủ tướng và vẫn giữ chức bộ trưởng cao cấp trong nội các, đi công du Anh quốc cùng với vợ, bà Kha Ngọc Chi. Không may nửa đêm bà Kha bị đột quỵ và được đưa vào bệnh viện ở thủ đô London. Vài ngày sau thì bà được đưa về nước điều trị. Sau đó, trong một buổi tiếp xúc cử tri (ở Singapore, mỗi nghị sĩ phải tiếp xúc cử tri 2 lần/tháng, chưa kể những buổi tiếp dân tại văn phòng), ông Lý đã kể lại sự cố này. Ông kể rằng khi bà Kha được đưa vào một bệnh viện công có tiếng ở London lúc đêm hôm thì bệnh nhân xếp hàng chờ ở đó rất đông. Nếu ngồi chờ để được khám theo số thứ tự thì phải đến 8 giờ sáng hôm sau mới đến lượt bà. Sau đó, nhờ một “chỉ đạo” nào đó, bà Kha được khám trước. Và ngay khi tình trạng của bà ổn định, một chuyên cơ cùng với một đoàn bác sĩ, y tá Singapore đã bay sang Anh đưa bà về nước.

Ngày hôm sau, báo chí Singapore đã đưa lại câu chuyện ông Lý kể. Ngay lập tức, công chúng xứ sương mù “tấn công” chính phủ của họ, vì “tội” thiên vị. Rồi họ cũng chỉ trích ông Lý có ý chê hệ thống y tế của Anh. Chính phủ Anh khi đó phải ra thông cáo nói rằng họ không can thiệp vào việc được khám sớm của bà Kha. Trong khi đó, công chúng Singapore cũng lên án chính phủ của họ lạm quyền, dùng máy bay thương mại của hãng Singapore Airlines làm chuyên cơ đón rước bà Kha, một công dân bình thường. Nói chung là ầm ĩ. Tôi nghe rằng, lần đó, cánh báo chí bị quở trách vì đã đưa lại câu chuyện này. 

Khi kể lại hai câu chuyện trên, tôi càng thấy thấm thía lời khuyến cáo của một nhà báo lão luyện: “Làm báo là chấp nhận dấn thân”. Chỉ mong độc giả thấu hiểu và thông cảm cho người làm báo vào lúc này hay lúc khác.

Thục Minh
(Trưởng văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.