5 sinh viên thiết kế máy giám sát truyền dịch cho bệnh nhân Covid-19

Thu Hằng
Thu Hằng
17/02/2021 07:59 GMT+7

Thiết bị sử dụng bức xạ hồng ngoại để kiểm soát và đo tốc độ truyền dịch để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và giảm gánh nặng cho các y bác sĩ chống dịch.

Đây là sản phẩm nghiên cứu của nhóm BK307, gồm 5 bạn trẻ: Nguyễn Văn Hà, Ngô Mạnh Tùng, Trần Việt Cường, Triệu Văn Đức, Phạm Thành Tôn, đến từ Khoa Cơ điện tử, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Ý tưởng “Nghiên cứu, ứng dụng bức xạ hồng ngoại trong cảnh báo sớm truyền dịch y tế” bắt đầu được các bạn trẻ nhen nhóm từ cuối tháng 3. 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát tại VN. Nguyễn Văn Hà, trưởng nhóm, bộc bạch: “Tất cả bệnh nhân Covid-19 đều phải cách ly và không có người thân chăm sóc, dẫn đến các bệnh viện cần nhiều y bác sĩ hơn. Do đó, chúng tôi nghiên cứu một thiết bị hỗ trợ theo dõi tốc độ truyền dịch, giám sát dung lượng còn lại của bình truyền và cảnh báo, để các y bác sĩ không phải theo dõi thường xuyên”.
Kế thừa một số chức năng của thiết bị bơm truyền dịch, điểm mới và sáng tạo trong sản phẩm cảnh báo bình truyền dịch của nhóm BK307 là sử dụng cảm biến bức xạ hồng ngoại để kiểm soát và đo lường tốc độ truyền dịch.
Triệu Văn Đức, thành viên nhóm phụ trách thiết kế vỏ sản phẩm, cho biết: “Việc sử dụng ánh sáng quang học trong đo lường sẽ không để thiết bị tiết xúc trực tiếp với chất lỏng trong bình truyền. Bên cạnh đó, việc sử dụng cảm biến quang học cho thiết bị có thể cho kết quả chính xác nhất, hạn chế việc báo động giả do sai lệch của cảm biến. Việc sử dụng bức xạ hồng ngoại cũng giúp thiết bị hoạt động ổn định, tăng tuổi thọ làm việc”, Đức cho biết.
Theo các thành viên BK307, điểm mới nữa của sản phẩm này là các thiết bị trong một phòng, một tầng, một khu vực sẽ được liên kết với nhau, nhận tín hiệu từ bộ vi xử lý qua sóng wifi, thông qua giao thức MQTT (Message Queuing Telemetry Transport) và được hiển thị trên máy tính ở phòng trực qua phần mềm giám sát và cơ sở dữ liệu tích hợp.
Từ đó, nhân viên giám sát sẽ quản lý được tất cả bệnh nhân đang sử dụng bình truyền dịch, bao gồm danh sách các bệnh nhân đang được truyền, loại dung dịch đang được truyền, tốc độ truyền, số lượng bình cần truyền, số lượng bình đã thay… Với ưu điểm này, một bác sĩ, y tá có thể chăm sóc cho nhiều bệnh nhân một lúc, tiết kiệm thời gian, sức lực và trên hết là đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Thiết bị nhỏ gọn có thể lắp đặt nhanh tại các bệnh viện dã chiến

Ảnh Văn Hải

Đức cho hay: “Thiết bị có kích thước 12 x 10 cm, nặng 200 g, dễ vận chuyển, lắp đặt, thao tác vận hành rất dễ dàng, chỉ cần 2 - 3 nhân viên thành thạo phần mềm quản lý trực ở phòng máy để thông báo cho y bác sĩ thay bình truyền dịch, không tốn nhiều thời gian, tiền bạc để đào tạo nhân lực mới”.
Theo trưởng nhóm Nguyễn Văn Hà, các bệnh viện, các cơ sở y tế có thể trang bị sản phẩm này để hạn chế tai biến, sốc phản vệ xảy ra khi truyền dịch vì một trong những nguyên nhân gây sốc là do tốc độ truyền quá nhanh.
Về khả năng ứng dụng của sản phẩm, Ngô Mạnh Tùng, thành viên trong nhóm, cho biết hiện trên thị trường cũng có một số thiết bị bơm truyền dịch có khả năng hỗ trợ kiểm soát và cảnh báo tốc độ truyền dịch. Tuy nhiên, thiết kế khá cồng kềnh, phức tạp trong quá trình lắp đặt; muốn vận hành được bơm truyền dịch, nhân viên y tế phải có kiến thức, qua đào tạo thực hành.
Hầu hết bơm truyền dịch ở các bệnh viện VN đều được nhập khẩu từ nước ngoài. Giá thành của một máy rất cao, từ 15 - 50 triệu đồng nên chưa được phổ biến trong tất cả bệnh viện và trung tâm y tế trên cả nước. “Sản phẩm của bọn mình có giá thành từ 700.000 đồng - 1,5 triệu đồng, phù hợp trong các bệnh viện, trạm y tế và cơ sở khám và chữa bệnh. Thiết bị dành cho những bệnh nhân cần truyền các loại dịch như vitamin, đạm, đường, các loại khoáng chất và thuốc hòa tan trong dung dịch… Thiết bị đặc biệt hữu dụng cho các trường hợp như bệnh nhân hôn mê, bệnh nhân là trẻ nhỏ mà y bác sĩ không túc trực thường xuyên”, Tùng thông tin.
Hiện tại nhóm đã kiểm tra sản phẩm và thử nghiệm trên các bình có dung tích khác nhau (100 ml, 250 ml, 500 ml...), các loại dung dịch (nước, muối...) để chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường và phổ biến rộng rãi với người tiêu dùng. Với sản phẩm này, nhóm BK307 là 1 trong 6 đội xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020, do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 3.2021.
Triệu Văn Đức chia sẻ: “Mình quê ở Hải Dương, nên muốn sớm phát triển sản phẩm đưa ra thị trường, góp sức chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 ở quê nhà. Trước tết, bọn mình đã liên hệ với một số bệnh viện để được thử nghiệm sản phẩm. Cũng có một số công ty đã đặt vấn đề hợp tác phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, trước mắt, bọn mình quyết định đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ trước, rồi sau đó mới tính tiếp”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.