6.000 và 5.000

02/05/2014 01:31 GMT+7

Trong dịp tiếp xúc cử tri ngày 29.4 mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, một cử tri có nêu một câu hỏi khá sâu sắc: “Với 6.000 đảng viên mà sao Vinashin lại để tan nát trong khi ngày xưa, chỉ với 5.000 đảng viên mà Cách mạng Tháng Tám đã thành công?”.

Đành rằng mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng, song nó cũng có thể gợi lên suy ngẫm và phân tích để mỗi người chúng ta tự rút ra những suy nghĩ, những bài học về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

Với một doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) mấy năm trước, trong tổng số 70.000 CBCNV có tới 6.000 đảng viên, thì lẽ ra nó phải là một tổ chức Đảng khá mạnh. Song thực tế, sau khi "tan nát", nói như lời vị cử tri nọ, thì đúng là "có vấn đề!". Nó lại càng "có vấn đề" hơn nữa nếu lại đem so sánh với thời kỳ chúng ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khi đó Đảng ta chỉ có 5.000 đảng viên.

Vào trước thời kỳ nước sôi lửa bỏng đó, chúng ta bị hao tổn lực lượng đảng viên cốt cán và đội ngũ lãnh đạo đến mức đáng quan ngại. Nói như Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng hồi nào thì đó là thời kỳ mà "cả bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng chỉ còn đếm trên một bàn tay", vì hy sinh, vì bị bắt bớ, tù đày dẫn đến khủng hoảng cán bộ. Tôi nghĩ, hồi đó, chắc chắn hầu hết 5.000 đảng viên trung kiên ấy đều có một cuộc sống trong sáng như gương, không biết thế nào là tư lợi cá nhân, là "nhóm lợi ích" như "một bộ phận không nhỏ trong Đảng" hôm nay.

Còn tại thời điểm trước đây, khi vụ Vinashin vỡ lở, cái câu chuyện họ mua con tàu Hoa sen về chạy khác nào việc Vinalines mua ụ nổi mà pháp luật đang xét xử... Nếu ở vụ mua ụ nổi của Vinalines, tòa xử ban lãnh đạo tội cố ý làm trái để trục lợi bởi có những bằng chứng ít nhiều lộ ra. Còn vụ Vinashin, họ mua tàu Hoa sen, do không truy ra được bằng chứng ăn chia do trục lợi, tòa đành chịu và chỉ dừng ở góc độ xử tội "cố ý làm trái". Tại tập thể lãnh đạo của Vinashin, chúng ta đều thấy trong một thời gian dài, vai trò lãnh đạo của Đảng đã bị tê liệt, rất hình thức nếu không nói là bị ban lãnh đạo (HĐQT và ban tổng giám đốc) thao túng. Vì sao ư? Vì sự lãnh đạo của Đảng ở đó thiếu đi sự độc lập và giám sát. Công tác tổ chức xây dựng Đảng của chúng ta hình như đang vướng chỗ này? Một khi chính quyền xem nhẹ vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, e rằng sẽ rất dễ sinh chuyện. Và đó, phải chăng chính là mấu chốt của câu hỏi  vì sao Đảng ta hôm nay, đảng viên đông mà không mạnh? Một khi trong công tác cán bộ vẫn còn lựa chọn nhân tài không theo lối thi tuyển như mới  đây ở  Bộ GTVT họ thí điểm mà theo cách cảm nhận, cảm tình và còn kẽ hở cho việc chạy chức thì sẽ khó chấm dứt được việc chọn lựa cán bộ thiếu công tâm.

Đành rằng, vào mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, công tác Đảng, công tác cán bộ có nhiều thứ cũng rất khác nhau, chúng ta không nên so sánh khiên cưỡng. Nhưng  chúng ta cũng nên suy nghĩ cách làm công tác cán bộ của các thế hệ trước: Chẳng hạn, sau năm 1954, tôi được biết, có người đã ở cương vị bí thư tỉnh ủy rồi, song lúc này, do năng lực vị lãnh đạo đó còn hạn chế, Đảng rất dễ điều động người đó sang ở vị trí thấp hơn, chỉ ở cấp vụ, vậy mà cũng ít thấy ai bất mãn. Còn nay, khi đã đưa lên rồi thì rất khó xuống. Đó là điều nên xem lại trong thời gian tới, khi chúng ta đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp.

Quốc Phong

>> Đẩy mạnh việc xử lý đảng viên vi phạm
>> Năm nâng cao chất lượng đảng viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.