6 căn bệnh do căng thẳng

02/01/2017 16:06 GMT+7

Tiến sĩ Roger Henderson - bác sĩ gia đình tại Anh - chia sẻ một số bệnh do căng thẳng lâu dài tạo ra.

Căng thẳng thường xuyên có thể ảnh hưởng giấc ngủ, thậm chí cả hệ tiêu hóa. Tiến sĩ Roger Henderson - bác sĩ gia đình tại Anh - chia sẻ một số tình trạng bệnh do căng thẳng lâu dài tạo ra và những gì có thể làm để quản lý chúng, theo Daily Mail.
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) ảnh hưởng đến khoảng 13 triệu người Anh và 45 triệu người Mỹ. 70% các bác sĩ tin rằng vấn đề về tiêu hóa là tình trạng phổ biến nhất do căng thẳng.
IBS làm co thắt cơ ở ruột và mặc dù các triệu chứng có thể khác nhau với mỗi người nhưng chúng có thể bao gồm đau bụng và khó chịu, tiêu chảy và táo bón cũng như đầy hơi.
Bác sĩ Roger Henderson cho biết: “Căng thẳng có thể làm thay đổi kết nối giữa ruột và não và ảnh hưởng đến sự chuyển động và co bóp của đường ruột vì thế người bị IBS có thể rất nhạy cảm với stress”.
Cố gắng tập thể dục hoặc một số kỹ thuật thở đơn giản để giúp bạn giữ bình tĩnh cũng là cách để giảm triệu chứng IBS.
Ra mồ hôi quá nhiều
Theo các nhà khoa học, mồ hôi do nóng hoặc hoạt động thể chất được sản xuất bởi tuyến mồ hôi eccrine, trong khi mồ hôi gây ra bởi sự căng thẳng bắt nguồn chủ yếu từ tuyến apocrine.
Bác sĩ Roger Henderson cho biết: "Có rất nhiều tuyến mồ hôi trên khắp cơ thể con người, và hầu hết có thể được tìm thấy trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, mặt và nách của bạn. Loại mồ hôi do căng thẳng thường xuất hiện ở vùng nang tóc tập trung ở nách với dung lượng lớn”.
Nếu đổ mồ hôi can thiệp vào cuộc sống hằng ngày của bạn, hãy đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị.
Nghiến răng
Nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa stress và nghiến răng. Nghiến răng lâu dài có thể dẫn đến nứt và rụng răng.
Bác sĩ Roger Henderson cho biết: "Nghiến răng có thể được kích hoạt bởi một số yếu tố trong đó có rối loạn giấc ngủ, căng thẳng và lo lắng hoặc là kết quả của chế độ ăn uống như rượu và caffein. Nha sĩ sẽ giúp bạn bảo vệ răng nếu có thói quen nghiến răng khi căng thẳng”.
Rụng tóc
Căng thẳng trong thời gian dài có thể gây ra rụng tóc. Rụng tóc được cho là do hoóc môn căng thẳng làm các nang tóc đi vào chế độ ngủ đông, khiến rụng tóc.
Bác sĩ Henderson cho biết: "Rụng tóc có thể mọc trở lại nếu chăm sóc thích hợp và sử dụng các phương pháp để làm giảm căng thẳng. Có thể mất vài tháng cho tóc mọc trở lại theo chu kỳ tóc tự nhiên”.
Mất ngủ
Trong hầu hết các ca mất ngủ, giảm căng thẳng được chứng minh giúp giảm chứng mất ngủ, làm cho người bệnh dễ đi vào giấc ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Hoóc môn do căng thẳng có thể phá vỡ sự cân bằng giữa ngủ và thức dậy.
Bác sĩ Henderson cho biết: "Có vài cách có thể làm để chuẩn bị cho cơ thể đi vào giấc ngủ. Cố gắng tránh tất cả các màn hình ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ, vì chúng đã được chứng minh phá vỡ giấc ngủ. Tập thể dục hằng ngày cũng tăng cảm giác hạnh phúc và để làm giảm triệu chứng lo âu và trầm cảm và do đó hỗ trợ giấc ngủ. Ngoài ra, một chế độ ăn uống cân bằng tốt mỗi ngày và tránh đồ uống có chứa caffeine và rượu vì những thói quen này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề”.
Mệt mỏi
Kiệt sức là một cảm giác mãn tính do thiếu động lực hay năng lượng thường là kết quả của mất ngủ do stress.
Bác sĩ Henderson cho biết: "Các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu có thể khiến chúng ta cảm giác mệt mỏi, thậm chí đã nghỉ ngơi. Chìa khóa để giảm mệt mỏi là giảm căng thẳng. Thư giãn tâm trí, bao gồm thiền, tập thể dục và ăn một chế độ ăn uống cân bằng để quản lý căng thẳng hiệu quả cũng là cách giảm mệt mỏi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.