6 câu hỏi về giá dầu thế giới đang rơi tự do

14/01/2015 08:31 GMT+7

(TNO) Tại sao giá dầu lại giảm xuống mức thấp kỷ lục vào lúc này, ai được lợi và ai mất mát, liệu có một âm gì đó đằng sau việc khiến giá dầu tụt xuống hay không?

(TNO) Tại sao giá dầu lại giảm xuống mức thấp kỷ lục vào lúc này, ai được lợi và ai mất mát, liệu có một âm gì đó đằng sau việc khiến giá dầu tụt xuống hay không?

Một tàu chở dầu tại Mỹ - Ảnh: Reuters
Một tàu chở dầu tại Mỹ - Ảnh: Reuters
Với mức dưới 45 USD/thùng vào rạng sáng nay 14.1, dầu thô đã có giá thấp nhất trong hơn 5 năm qua, theo Bloomberg. Trong khi đó, The New York Times đưa nhận định của các nhà phân tích cho thấy có khả năng dầu sẽ xuống tới ngưỡng 40 USD/thùng trước khi tăng trở lại, và mốc 70 USD/thùng vẫn còn là dự đoán đáng nghi ngờ vào cuối năm. Sau đây là 6 câu hỏi nhiều người quan tâm nhất về diễn biến này.
Tại sao giá dầu giảm nhanh ngay lúc này?
Sẽ khá phức tạp để phân tích tới cùng điều này, bởi nó phụ thuộc quá nhiều yếu tố. Tuy nhiên, quy luật cung – cầu có thể là khởi điểm.
Xét về cung, Mỹ là một phần khiến giá dầu sụt giảm. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng gấp đôi trong 6 năm qua. Việc này đồng nghĩa Ả Rập Saudi, Nigeria hay Algeria sẽ không thể xuất dầu sang Mỹ nhiều như trước.
Ngược lại chính Washington cũng cạnh tranh với các đại gia xuất khẩu dầu, lấy thị trường châu Á để chia sẻ. Khi cạnh tranh tăng cao, giá giảm là điều không khó hiểu.
Nói về cầu, khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân. Sự suy yếu của châu Âu cũng như các nước phát triển đã khiến sản xuất ì ạch và dĩ nhiên nhu cầu dầu mỏ không còn cao.
Ai được, ai mất?
Không chỉ dân kinh doanh taxi, mà tất cả những người sử dụng đều có lợi khi chi phí gas, dầu, khí đốt... đồng loạt giảm, cắt được một phần chi phí sinh hoạt.
Ngược lại, các nước xuất khẩu dầu mỏ như Venezuela, Iran, Nigeria, Nga, Ecuador, Brazil... sẽ chứng kiến sự thâm hụt trong xuất khẩu. Các công ty kinh doanh dầu mỏ có thể chống cự, hoặc phá sản.
Tại sao OPEC không hành động?
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường nhiên liệu này, và họ cũng là nguyên cớ tạo ra tình trạng giảm giá dầu.
Các thành viên OPEC không thống nhất hành động - Ảnh: Reuters
Các thành viên OPEC không thống nhất hành động - Ảnh: Reuters
Thông thường khi nhận thấy nguồn cung quá thừa thãi, việc đơn giản nhất là giảm cung để ứng với nhu cầu. Tuy nhiên tại sao OPEC không giảm sản lượng, trong khi trước đây họ đã từng làm vậy?
Iran, Venezuela và Algeria đã kêu gọi giảm sản lượng, song các thành viên khác như Ả Rập Saudi, UAE và nhóm vùng vịnh lại từ chối. Họ cho rằng khi sản lượng bị cắt, giá thành nâng lên thì thị phần của họ sẽ giảm theo, chỉ mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh.
Có âm mưu nào làm giảm giá dầu không?
Nhiều người sẽ nghĩ rằng có một âm mưu trừng phạt Nga, đánh vào giá dầu để nước xuất khẩu dầu mỏ này không “bành trướng” như cách họ vừa sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Một số khác nói Mỹ và Ả Rập Saudi đã liên kết trừng phạt Nga và cả Iran.
Mặc dù vậy tờ The New York Times nói rằng không có cơ sở cho thuyết âm mưu kiểu vậy. Ả Rập Saudi trước giờ chẳng phải đồng minh của Mỹ, trong lúc Mỹ cũng không đủ tiềm lực tài chính chi phối giá dầu toàn thế giới một cách nhanh chóng như thế.
Giá dầu sẽ hồi phục?
Chắc chắn, nhưng không thể diễn ra sớm. The New York Times tổng hợp ý kiến từ Wall Street cho thấy có thể giá sẽ xuống tiếp trong vài tháng tới, thậm chí dưới mức 40 USD/thùng.
Tuy nhiên sản lượng cuối năm nay dự kiến sẽ giảm so với hiện tại, đồng nghĩa giá dầu thô sẽ tăng lên. Đó cũng là diễn biến thường thấy của giá dầu thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.