'6 tuần sau ghép phổi, tôi đã đi được xe máy rồi'

02/12/2019 21:53 GMT+7

“Tôi đã điều khiển xe máy, chở con trai đi học”, anh Ngô Văn Khương, người vừa có 6 tuần sống với lá phổi mới được ghép từ một người hiến chết não , chia sẻ.

Hôm nay, 2.12, anh Ngô Văn Khương (38 tuổi) đã đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tái khám lần hai, theo hẹn của các bác sĩ. Trở lại bệnh viện lần này, anh Khương giờ đã có thể tự đi lại các phòng khám trong viện như người khỏe mạnh bình thường.
"Ở nhà, tôi có thể sinh hoạt bình thường và hầu như không gặp khó khăn gì. Đã bắt đầu tự tắm giặt, tự đi ra hàng cắt tóc. Vào mỗi buổi chiều, tôi đã làm được các công việc ưa thích như: bật máy bơm lên rửa sân, tưới rau và chăm sóc cây cối", anh Khương vui vẻ cho biết.
Anh Khương còn cho hay: “Vừa hôm qua, tôi đã tự đi xe ga, đèo con trai đi học. Cháu học lớp 9, nặng tới 50 kg, tôi vẫn chở được. Chỉ cần đi chậm chậm, nhẹ nhàng một chút”.
Các bác sĩ vẫn nhớ, ngày đầu xuất viện, người đàn ông này chưa tự đi lại được, phải ngồi xe đẩy, đến việc nói chuyện cũng khó khăn. Khi đó, anh không thể tự bước lên bậc thềm dù chỉ cao khoảng 20 cm. Mỗi lần như vậy, để bước đi, anh phải vịn vào tường.
“Tôi cảm giác khi ra viện sức khỏe chỉ được 2 phần thì giờ đã được đến 10 phần rồi”, anh Khương chia sẻ. Anh kể: "Ngày mới ra viện, về nhà, bà con hàng xóm nghĩ cuộc sống của tôi chỉ có thể đặt đâu nằm đấy. Mỗi khi vợ tôi đi chợ, mọi người vẫn hỏi thăm tôi có thể ăn được hay ngồi dậy được chưa".
Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ về trục trặc nhỏ với sức sức khỏe, đó là mỗi khi thay đổi thời tiết, anh vẫn cảm thấy hơi đau tê ở vết mổ.
“Trong quá trình tái khám, qua nội soi cho thấy phổi ghép kết quả tốt, anh Khương có thể đi lại bình thường. Hiện tại, anh cần tiếp tục duy trì uống thuốc theo đơn và khám định kỳ”, tiến sĩ Phạm Tiến Quân, quyền Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đánh giá sau khi khám.
Trước khi được ghép phổi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh Khương đã bị giãn toàn bộ phế quản trong suốt 10 năm. Bệnh nặng dần khiến anh liên tục nằm viện với máy thở và ô xy hỗ trợ. Anh Khương cũng đã được chẩn đoán bệnh đến giai đoạn cuối, chỉ có cơ hội sống sót nếu được ghép phổi.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết trong ghép tạng, ghép phổi chăm sóc khó khăn nhất vì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, như kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng. Sự hồi phục của anh Khương vẫn thật sự là một điều kỳ diệu đối với anh, gia đình và cả các y bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.