60% số giáo viên nghỉ việc dưới 35 tuổi

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/12/2023 15:52 GMT+7

Bộ GD-ĐT cho biết, tình trạng nghỉ việc của giáo viên trong mấy năm vừa qua có xu hướng tăng, nhất là đối với giáo viên trẻ, giáo viên nghỉ việc độ tuổi dưới 35 chiếm 60% tổng số giáo viên nghỉ việc.

Theo Bộ GD-ĐT: "Tình trạng giáo viên nghỉ việc có xu hướng gia tăng chủ yếu do áp lực nghề nghiệp và chính sách tiền lương còn nhiều bất cập khiến giáo viên lựa chọn việc làm khác có thu nhập cao hơn. Đội ngũ nhà giáo đang chịu tác động bởi nhiều văn bản quy phạm khác nhau nên việc điều chỉnh chính sách đối với giáo viên gặp nhiều khó khăn".

 60% số giáo viên nghỉ việc dưới 35 tuổi - Ảnh 1.

Lá đơn xin nghỉ việc của một giáo viên từng gây xôn xao dư luận

CHỤP MÀN HÌNH

Theo Bộ GD-ĐT, trong 3 năm học, tính từ tháng 8.2020 đến tháng 8.2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu biên chế được giao gần 26.000. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn.

Số lượng giáo viên nghỉ việc gia tăng trong bối cảnh cả nước còn thiếu tới 118.253 giáo viên các cấp học. Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền, còn có sự chênh lệch giữa vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với vùng thuận lợi. Trong khi đó, các địa phương phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình từ năm 2015 - 2021 giảm 10%.

Không chỉ đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp, Bộ GD-ĐT nêu thực tế nhiều nhân viên kế toán trong trường học phải bỏ nghề tìm việc khác. Năm học 2021 - 2022 có hơn 1.300 nhân viên trong biên chế nghỉ việc. Đến năm học 2022 - 2023 có hơn 1.400 nhân viên trong biên chế nghỉ việc. Hiện, Bộ GD-ĐT nhận được rất nhiều đơn thư của nhân viên kế toán gửi các cấp đề nghị xem xét tăng lương cho đội ngũ này.

Lương và chế độ chưa tạo được động lực

Lý giải về việc nhiều giáo viên bỏ nghề, Bộ GD-ĐT nêu do áp lực công việc lớn, thu nhập còn thấp, nhất là đối với giáo viên trẻ. Điều kiện làm việc và chế độ, chính sách đãi ngộ nhà giáo chưa tương xứng; lương nhà giáo còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề (trong 5 năm đầu, lương nhà giáo trung bình chỉ đạt 5 triệu đồng/tháng), chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29. Mức lương và chế độ chưa tạo được động lực trong bối cảnh áp lực công việc của nhà giáo ngày càng lớn.

Theo Bộ GD-ĐT, tổng thu nhập của nhân viên trường học (bao gồm cả các loại phí đóng bảo hiểm) có thời gian công tác dưới 15 năm dao động từ 3,6 triệu đồng đến dưới 7 triệu đồng/tháng; trong khi khối lượng công việc rất lớn, đồng thời phải kiêm nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Trao đổi với báo chí trước khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chính vì áp lực của đổi mới và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do...

Ông Kim Sơn cũng nêu hàng loạt giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn về vấn đề đội ngũ trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ GD-ĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn.

Bộ GD-ĐT cũng đề xuất tăng lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; sắp xếp lương nhân viên trường học phù hợp khi thực hiện chính sách tiền lương mới từ tháng 7.2024.

Bộ GD-ĐT đề nghị nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%, đây là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng và đây cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức đang được hưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.