7 cách giúp Ấn Độ trở thành ‘Trung Quốc thứ hai’ trong 16 năm

27/04/2016 15:15 GMT+7

Ấn Độ muốn trở thành nền kinh tế 10.000 tỉ USD vào năm 2032. Nói cách khác, quốc gia Nam Á mong đứng ở vị trí của Trung Quốc hôm nay sau 16 năm nữa.

Theo trang Quartz, đây là mục tiêu đáng chú ý và có thể khả thi, đặc biệt là với nền kinh tế đã tăng trưởng 4,6 lần trong 16 năm qua như Ấn Độ. Từ 494 tỉ USD năm 2001, quy mô kinh tế Ấn Độ được cho là sẽ vươn lên 2.200 tỉ USD vào cuối năm nay.

Kinh tế Trung Quốc hiện đã có quy mô trên 10.000 tỉ USD còn nền kinh tế số một thế giới là Mỹ thì có quy mô 17.000 tỉ USD, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiến thêm một bước xa hơn khi tuyên bố ước mơ của ông là biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế 20.000 tỉ USD. Ông không đưa ra khung thời gian nhất định trong tuyên bố đó.

Mới đây, viện chính sách NITI Aayog đưa ra một lộ trình nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ ba châu Á cán mốc 10.000 tỉ USD vào năm 2032. Trong phần thuyết trình gửi đến ông Modi hồi tuần trước, viện chính sách cho biết Ấn Độ có thể đạt mục tiêu trên nếu tăng trưởng từ 7% đến 10% mỗi năm, bắt đầu từ năm nay.

CEO Amitabh Kant của NITI Aayog cho biết: “Nếu chúng ta trở thành nền kinh tế 10.000 tỉ USD vào năm 2032 với tăng trưởng 10%/năm, tác dụng kép sẽ biến chúng ta trở thành nền kinh tế 20.000 tỉ USD trong 6 đến 7 năm sau mốc 2032. Mức tăng trưởng 10% mỗi năm là thách thức lớn nhất”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có ước mơ biến Ấn Độ trở thành nền kinh tế 20.000 tỉ USD - Ảnh: Reuters

Viện NITI Aayog cho hay tốc độ tăng trưởng như trên có thể xóa đói nghèo, tạo ra hơn 175 triệu việc làm mới. Nếu Ấn Độ không thể cải thiện tăng trưởng từ mức 7%, họ vẫn sẽ có 6% dân số sống dưới mức nghèo vào năm 2032.

Hiện tại, khoảng 12,9% dân số Ấn, tương đương 172 triệu người, đang sống dưới mức nghèo khổ. Với dân số dự kiến lên hơn 1,4 tỉ USD vào năm 2030, tăng trưởng như hiện nay không đủ sức xóa bỏ đói nghèo ở Ấn Độ.

Cụ thể, viện chính sách đưa ra bảy phương án để giúp kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 10% mỗi năm.

1. Cải thiện cơ sở hạ tầng

Chính phủ của ông Narendra Modi đã tập trung rất nhiều vào việc cải thiện vướng mắc trong cơ sở hạ tầng từ năm 2014. Chính phủ Ấn Độ đã cam kết đầu tư khoảng 30 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng trong năm 2017. NITI Aayog dự báo thêm 10.000 km dự án đường bộ trong năm nay sẽ góp phần giúp đất nước đạt mục tiêu 10.000 tỉ USD. Ngoài ra, cải thiện sân bay và phát triển các làng thông minh, tương tự như thành phố thông minh, cũng là việc nên làm.

2. Cải thiện kỹ năng người Ấn

Chính phủ cũng vạch ra con đường cải thiện các khóa học phát triển kỹ năng trên toàn quốc để đối phó tỷ lệ thất nghiệp khoảng 10%. Việc liên kết các sàn giao dịch việc làm và dịch vụ việc làm quốc gia sẽ giúp cải thiện tình hình lao động.

Thiếu chất lượng giáo dục là một trong những vấn đề lớn của Ấn Độ - Ảnh: Reuters

3. Du lịch y tế và giáo dục đạt chất lượng

Lộ trình của NITI Aayog cho thấy du lịch y tế có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Ấn Độ. Ngành công nghiệp du lịch y tế của nước này hiện ở mức 3 tỉ USD và có thể lên hơn 8 tỉ USD vào năm 2020. Cải thiện chăm sóc sức khỏe hỗ trợ những người đang sống dưới mức nghèo. Ngoài ra, thiếu chất lượng giáo dục cũng là vấn đề được nhắc đến, vì một nửa số học sinh lớp 5 của Ấn Độ đang đọc bài đọc trình độ lớp 2.

4. Mở cửa kinh doanh

Ấn Độ liên tiếp bị xếp hạng thấp trong Chỉ số Kinh doanh, bảng xếp hạng các quốc gia về mức độ dễ dàng cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp. NITI Aayog đề nghị chính phủ loại bỏ 1.053 điều luật đã lạc hậu.

5. Cải thiện nông nghiệp

Tại vùng đất có hàng ngàn nông dân tự tử mỗi năm vì mất mùa và gánh nặng tài chính, kế hoạch đi lên con số 10.000 tỉ USD được đề xuất cũng bao gồm việc áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết lập quỹ thủy lợi và sử dụng các giống hoa màu có năng suất cao. Bốn công viên thực phẩm lớn và 20 dự án dây chuyền lạnh cũng được thiết kế để bảo quản sản phẩm nông nghiệp.

Hàng ngàn nông dân Ấn Độ tự tử mỗi năm vì mất mùa và gánh nặng tài chính - Ảnh: Reuters

6. Làm sạch đất nước

Một trong những sáng kiến đầu tiên mà chính phủ ông Modi đưa ra là nhiệm vụ “Swachh Bharat” - sứ mệnh cải thiện vệ sinh trên toàn quốc bằng việc xây thêm nhà vệ sinh. Cơ sở quản lý chất thải được đề nghị xây dựng trên hơn 50.000 ngôi làng ở Ấn Độ.

7. Sống xanh

Nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ gặp khó với việc sản xuất điện. Năm ngoái, nước này thâm hụt 3,6% nguồn cung năng lượng trong giờ cao điểm, làm ảnh hưởng hoạt động sản xuất và năng suất công nghiệp. NITI Aayog giờ đây gợi ý đất nước giảm hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu và trợ cấp nhiên liệu bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng chúng. Đưa ra các yêu cầu về khí thải gắt gao hơn và xây dựng nhiều tòa nhà tiết kiệm năng lượng là hai trong số nhiều phương án được đưa ra. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.