Nghỉ ngơi là một phần trong kế hoạch tập luyện khoa học của chúng ta. Tuy nhiên, nếu thể chất và tinh thần có các dấu hiệu dưới đây, đừng chờ đến lịch nghỉ, hãy tạm dừng việc tập thể dục ngay để bảo vệ cơ thể, theo Self.
1. Đau đớn
Đau nhức cơ bắp trì hoãn khởi phát (Delayed Onset Muscle Soreness - DOMS) thường xảy ra khi bạn tập bài mới hoặc nặng.
DOMS đạt đỉnh sau khoảng 48 giờ nhưng nếu bạn đau quá hoặc đau đớn này kéo dài hơn 1 tuần dù bạn không nhận ra thói quen nào có thể gây ra nó thì nên nghỉ ngơi nhiều hơn. Ngoài ra, đau ở độ 7/10 hoặc hơn trong thang 1 đến 10, bạn cũng nên nghỉ.
2. Sợ tập
Tập thể dục đòi hỏi sự tập trung, kỷ luật và sức mạnh tinh thần. Đó là lý do tại sao không chỉ thân thể mà tâm trí chúng ta cũng cần thời gian phục hồi.
Nên khi tâm trí khao khát nghỉ, hãy lắng nghe. “Tôi nghĩ một dấu hiệu rõ ràng (cần nghỉ) là khi bạn thật sự không muốn tập”, tiến sĩ Angie Fifter, đến từ Hiệp hội Tâm lý Thể thao Ứng dụng (Mỹ), nói với Self.
|
3. Chuột rút
Trung tâm y tế học thuật Mayo Clinic (Mỹ) cho biết, mất nước hoặc hoạt động quá mức có thể gây ra chứng chuột rút (vọp bẻ), 2 tác dụng phụ tiềm ẩn của việc tập thể dục cường độ cao.
Vì vậy, nếu tình trạng chuột rút ngẫu nhiên đang tấn công bạn, hãy nghỉ 1 ngày (hoặc hơn) để phục hồi.
4. Ốm, chấn thương
Nếu gặp phải tình trạng sức khỏe như vậy, bạn chắc chắn nên nghỉ và tìm kiếm sự chăm sóc y tế (nếu cần).
Bạn cũng nên xem lại bài tập nếu như đau bất cứ phần cơ thể nào như đau đầu gối khi squat, đau lưng dưới khi chống đẩy... Nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi quay lại tập luyện.
5. Thấy bài tập quá nặng so với bình thường
Có những ngày bỗng dưng ta chán, nản cả về thể chất, tâm trí và cảm xúc. Đột nhiên không tập trung được vào các tư thế yoga, không có hứng hoàn thành bài nâng tạ... có thể là dấu hiệu cần nghỉ.
Lần tới, quay lại tập, hãy hỏi bản thân: Tôi cảm thấy như thế nào hôm nay? Cơ thể đang nói với tôi điều gì? Những câu trả lời này sẽ giúp đưa ra quyết định tốt nhất cho bạn, theo Self.
6. Nhịp tim khi nghỉ ngơi tăng
Nhịp tim khi nghỉ ngơi (Resting heart rate - RHR) nên ổn định nhưng nếu nó tăng lên bất thường thì có thể là dấu hiệu cơ thể căng thẳng (kết quả của nhiều lý do bao gồm tập luyện quá nhiều). Trường hợp này, nên dừng tập chờ cho nhịp tim trở lại bình thường.
7. Cực kỳ khát nước
Khát nước, nước tiểu đậm màu, huyết áp thấp là dấu hiệu của mất nước. Nếu đang trong tình trạng này, chắc chắn bạn không nên bắt đầu hoặc tiếp tục tập luyện vì đổ mồ hôi sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như suy thận và sốc giảm thể tích.
Khi nào tập luyện trở lại?
Câu trả lời rất đơn giản: Hãy lắng nghe cơ thể và bộ não của bạn. Khi bạn cảm thấy đã về mức “bình thường”, nghĩa là mọi vết sưng tấy, đau nhức hoặc chấn thương nghiêm trọng đã biến mất; cảm thấy đủ nước và khỏe mạnh; và bạn thực sự muốn tập luyện trở lại, hãy tiếp tục, theo Self.
Bình luận (0)