7 người nộp lại quà tặng, tổng số tiền 135,3 triệu đồng năm 2022

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/09/2022 11:14 GMT+7

Báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho hay, trong năm 2022, có 7 trường hợp nộp lại quà tặng , tổng số tiền 135 triệu đồng, Đà Nẵng 5 trường hợp, 131,1 triệu đồng; Trà Vinh 2 trường hợp, 4,2 triệu đồng.

7 người nộp lại quà tặng, trị giá hơn 135,3 triệu đồng

Sáng 15.9, tiếp tục phiên họp 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng năm 2022.

Phiên họp 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

gia hân

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 của Chính phủ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đã trở thành xu thế không thể đảo ngược. Trong đó, thể chế được đẩy mạnh hoàn thiện, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Về kết quả phòng ngừa tham nhũng, báo cáo của Chính phủ cho hay trong kỳ báo cáo, tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 283 vụ việc và 386 người vi phạm (tăng 2,6% số vụ và số người vi phạm so với năm 2021); đã xử lý hành chính 188 người; kiến nghị thu hồi 50,8 tỉ đồng, đã được thu hồi được 43 tỉ đồng.

Báo cáo cũng cho hay, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 6.980 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 26,2% so với năm 2021). Từ đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 98 trường hợp so với năm 2021).

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, có 7 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 135,3 triệu đồng.

Cụ thể, Đà Nẵng có 5 người nộp lại quà tặng với số tiền 131,1 triệu đồng; Trà Vinh có 2 người với số tiền 4,2 triệu đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển đổi vị trí công tác của 20.104 cán bộ, công chức, viên chức theo luật Phòng, chống tham nhũng 2018, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, báo cáo cho hay, có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.

Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người).

Hạn chế kéo dài nhiều năm nhưng chưa khắc phục

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp nhận định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp

gia hân

Dù vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế.

“Công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao”, bà Nga nêu.

Cụ thể, tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động và trách nhiệm giải trình.

Nhất là vẫn còn để xảy ra nhiều vi phạm trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch…. Báo cáo dẫn chứng năm 2022 đã phát hiện, xử lý 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm về công khai, minh bạch (tăng 17% so với năm trước).

Tình trạng vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; nhiều quy định của pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ không còn phù hợp với thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung.

Cạnh đó, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn chưa phát huy hiệu quả rõ nét.

“Nhiều địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch và chuyển đổi vị trí công tác theo quy định”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, tình trạng vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử còn nhiều; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

Trong khi, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện tham nhũng với khu vực ngoài nhà nước hiệu quả chưa cao. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chú trọng triển khai và chỉ đạo thực hiện công tác này.

Đáng nói, bà Nga nhấn mạnh: “Nhiều hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng đã kéo dài nhiều năm do những nguyên nhân khác nhau, trong đó nhiều hạn chế có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.