8 hiềm khích lớn trong các doanh nghiệp gia đình châu Á

18/06/2016 21:58 GMT+7

Làm việc cùng nhau không có nghĩa là các gia đình có thể vui vẻ ở bên nhau. Tám hiềm khích nổi bật trong các doanh nghiệp gia đình trị châu Á dưới đây là minh chứng cho câu nói trên.

Nhờ nền văn hóa coi trọng mối quan hệ và sự gắn bó gia đình, châu Á hiển nhiên trở thành nhà của một số doanh nghiệp gia đình trị lớn nhất thế giới.

Từ gia tộc Ambanis giàu có ở Ấn Độ đến dòng họ Lee điều hành tập đoàn Samsung lớn nhất Hàn Quốc, những doanh nghiệp giá trị nhất châu Á đều là triều đại kinh doanh giữ quyền sở hữu của họ trong nội bộ quan hệ huyết thống.

Các doanh nghiệp gia đình trị là nơi khởi phát từ những quan tâm nhỏ nhặt để tiến đến giá trị hàng tỉ đô la Mỹ. Song khi cổ phần ngày càng lên cao cũng là lúc nhiều xung đột xấu xí xuất hiện. Dưới đây là tám vụ bê bối tranh giành tài sản, quyền lực nổi bật ở các doanh nghiệp hàng đầu châu Á.

 Lotte Group: Con lật đổ cha

Shin Kyuk-ho Koreajoongangdaily

Ông Shin Kyuk-ho, 94 tuổi, là người đứng sau chaebol Lotte Group nổi tiếng xứ Hàn. Chaebol là tên gọi chung các tập đoàn lớn của Hàn Quốc và là động lực thúc đẩy kinh tế nước này. Ngày 28.7 năm ngoái, ông bất ngờ nhận ra mình bị chính con trai thứ là Shin Dong-bin sa thải khỏi vị trí lãnh đạo. Shin Dong-bin hiện là Chủ tịch Lotte Group.

Trả lời báo giới, ông Dong-bin lấy chuyện cha mình “gặp nhiều khó khăn trong chuyện quyết định” làm lý do cho việc đẩy nhà sáng lập tập đoàn khỏi vị trí danh dự, giữa lúc Dong-bin ngày càng giành được nhiều quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Cuộc chiến quyền lực tiếp tục trong tháng 12.2015 khi Shin Dong-joo, con trai lớn của ông Kyuk-ho, cùng cha đi kiện Dong-bin và các thành viên hội đồng quản trị khác của Lotte Holdings, với lý do ông Kyuk-ho “đã bị lật đổ một cách bất hợp pháp”.

Reliance Industries: Gia sản không di chúc

Mukesh Ambani Reuters

Khi nhà sáng lập Dhirubhai Ambani của tập đoàn Ấn Độ Reliance Industries qua đời vào năm 2002, ông không để lại di chúc. Điều này khiến hai huynh đệ là Mukesh Ambani, người con lớn của Dhirubhai Ambani, và Adil Ambani phải “tương tàn”. Báo giới từng chứng kiến nhiều cuộc đấu khẩu của hai bên về cách điều hành công ty.

Hai anh em Mukesh và Adil Ambani cuối cùng cũng giải quyết được tranh chấp vào năm 2005, khi mẹ hai người là bà Kokilaben Ambani can thiệp và sắp xếp chuyện sáp nhập, chia tách quyền kiểm soát tập đoàn giữa hai người.

EVA Airways: Huynh đệ tương tàn

Chang Kuo-Wei Bloomberg

EVA Airways của Đài Loan được mệnh danh là hãng hàng không “Hello Kitty” không giúp cho ông Chang Kuo-Wei, chủ tịch kiêm phi công, cười vui vẻ khi ông hạ cánh chuyến bay của mình tại Singapore vào tháng 3.2016. Đó là lúc ông nghe tin mình bị lật đổ khỏi hội đồng quản trị, theo Reuters. Chính ba người em cùng cha khác mẹ của ông Kuo-Wei đã gộp cổ phần với nhau trong hãng vận tải Evergreen, công ty mẹ của EVA Airways, nhằm giành quyền loại ông.

SJM Holdings: Đại gia đình chia rẽ

Stanley Ho và bà Angela AFP

Không sẵn sàng đánh bạc với tài sản thừa kế của mình, ông trùm sòng bạc Macau Stanley Ho khiến đại gia đình gồm bốn người vợ và 17 người con của ông chia thành hai phe.

Tháng 1.2011, cuộc đấu giữa người vợ thứ tư của ông Ho, bà Angela, và Pansy Ho, con gái của ông cùng người vợ thứ hai, diễn ra. Hai bên cáo buộc nhau tìm cách chiếm đoạt số cổ phần trị giá 1,7 tỉ USD của ông Stanley Ho trong SJM Holdings. 

Sun Hock Gai: Tranh chấp vì tình

Raymond và Thomas Kwok Bloomberg

Anh em gia tộc Kwok ở Hồng Kông không bất đồng vì quyền thừa kế. Khi Kwok Tak Seng, tỉ phú đứng đầu gia tộc qua đời vào năm 1990, con trai lớn nhất của ông là Walter Kwok lên ghế Chủ tịch doanh nghiệp gia đình là tập đoàn bất động sản Sun Hock Gai.

18 năm sau, Walter Kwok bị phát hiện có mối quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân với bà Lee Shau Kee, một thành viên hội đồng quản trị Sun Hock Gai, mâu thuẫn xuất hiện. Tờ The Wall Street Journal cho hay mẹ của Walter Kwok đã loại ông khỏi quỹ ủy thác của gia đình và đây là lý do thổi bùng tranh chấp.

Năm 2014, mọi chuyện được giải quyết khi Walter được trở lại quỹ ủy thác gia đình. Song lúc này, hai người em của ông là Raymond và Thomas Kwok vẫn nắm quyền kiểm soát tập đoàn.

Otsuka Kagu: Bất đồng vì lợi ích công ty

Kumiko Otsuka AFP

Khi hãng đồ nội thất Nhật Bản Otsuka Kagu có doanh thu giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước, cuộc đối đầu giữa nhà sáng lập Katsuhisa Otsuka và con gái ông là Kumiko Otsuka nổi lên. Nguyên nhân vụ việc là vì ông Katsuhisa Otsuka không chấp nhận đề xuất thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng showroom mở cửa và hiện đại hơn của cô con gái. Cuối cùng, cô Kumiko thắng và giành quyền kiểm soát công ty, theo tờ Japan Times.

Gia tộc Đài Loan: Mâu thuẫn quyền thừa kế

Wang Yung-Ching Bloomberg

Năm 2008, tỉ phú Đài Loan Wang Yung-Ching qua đời mà không để lại di chúc. Ba năm sau, con trai cả của ông là Winston Wang đi kiện để giành tài sản của cha mình - những gì vốn thuộc quyền thừa hưởng bên gia đình người vợ thứ ba của Yung-Ching. Winston Wang là người con của tỉ phú Yung-Ching và người vợ thứ hai. Kết quả: Winston Wang nắm quyền kiểm soát số bất động sản 4 tỉ USD của cha.

Samsung: Nội chiến vì tài sản “khủng”

Lee Kun-hee Bloomberg

Đây là nội chiến gia tộc lớn nhất từ trước đến nay khi xét về mức độ tài sản liên quan. Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đối mặt với đơn kiện từ em trai và em gái ruột vào năm 2012. Hai người em của ông Kun-hee ra tòa với hy vọng giành được một phần từ tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Hai người em cho rằng bằng cách che giấu một phần tài sản mà người cha để lại, ông Lee không cho họ nhận đầy đủ tài sản thừa kế hồi năm 1987. Ông Lee phủ nhận. Năm 2014, em trai của ông Lee thua kiện, theo BBC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.