TNO

8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 02)

20/08/2013 13:59 GMT+7

Cùng xem tiếp những món hủ tiếu đặc sắc của Sài Gòn:

Cùng xem tiếp những món hủ tiếu đặc sắc của Sài Gòn:

>> 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 01)

5. Hủ tiếu bột lọc

8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 02) 1
Cọng hủ tiếu bột lọc to vừa phải, dai mà vẫn mềm  

Cọng hủ tiếu bột lọc hơi khó tìm thấy ở Sài Gòn. Vì đây là 1 dòng hủ tiếu đặc biệt, với cọng hủ tiếu to vừa phải, dai nhưng vẫn có độ mềm riêng, không giống miến và cũng chẳng giống bánh canh.

Hủ tiếu bột lọc chỉ lạ ở một thứ duy nhất: cọng hủ tiếu được làm bằng bột lọc. Cọng hủ tiếu to vừa phải, dai mà vẫn mềm. Do làm từ bột lọc nên luôn dai mềm, sợi vuông rất dễ gắp. Chính cái dai dai này khiến người ta ăn xong rồi mà vẫn thấy thòm thèm.

Cọng hủ tiếu này được cung cấp từ các lò hủ tiếu bột lọc gia truyền tại Sa Đéc, Đồng Tháp và được bảo quản kỹ để đảm bảo cọng hủ tiếu lúc nào cũng còn tươi dai mà không bị khô gãy. Cái khó khi nấu hủ tiếu bột lọc là phải ngâm nước trong thời gian vừa đủ để cọng hủ tiếu nở ra vừa đủ. Vì nếu để lâu trong nước, cọng hủ tiếu sẽ bị nở hết. Khi trụng qua với nước sôi, cọng hủ tiếu trở nên bủn dễ gãy.

Tô hủ tiếu bột lọc ăn kèm với cật ở quán 62 Trương Định (quận 01) rất được yêu thích bởi ngoài cọng hủ tiếu bột lọc hấp dẫn còn là miếng cật tuyệt ngon. Cật được xắt to bản và khi ăn không còn lại chút mùi hôi đặc trưng nào của món này. Làm món cật rất khó, còn dính chút mùi hôi là hỏng, bởi vậy, quán mì cật nơi đây là “quán ruột” của đấng mày râu vốn thích món cật heo đòi hỏi chế biến rất khéo này.

Địa chỉ dành cho bạn:
Hủ tíu mì cật
 
Địa chỉ: 62 Trương Định, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: Sáng từ 6h đến 11h30 trưa, chiều từ 3h đến 9h tối - chiều Chủ nhật nghỉ.
Giá: Hủ tiếu mì cật (40.000đ/tô), mì thịt bằm (36.000đ/tô)

 

6. Hủ tiếu sườn non

8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 02) 2
Hủ tiếu sườn non rất thú vị với miếng sườn ninh mềm nhưng không bị bở, hòa chung
với phần nước lèo thật đậm đà
 

Quán hủ tiếu Nam Vang Mỹ Phương trên đường Trần Bình Trọng (quận 05) này chú trọng đến món sườn non ăn kèm rất độc đáo. Quán mở đã hơn 20 năm, thu hút đông đảo thực khách bởi giá rẻ nhưng thành phần rất chất lượng. Có lẽ cũng vì vậy mà không gian phục vụ chưa được tinh tươm lắm.

Dù bạn gọi hủ tiếu khô hay nước thì bên cạnh những thành phần quen thuộc như lòng heo, gan, thịt bằm, tôm... thì điểm ấn tượng nhất vẫn là miếng sườn non ăn kèm. Miếng sườn được ninh khá mềm nhưng không bị bở, hòa chung với phần nước lèo thật đậm đà. Nếu thấy không đủ, bạn có thể gọi một tô sườn ăn thêm.

Địa chỉ dành cho bạn:
Hủ tiếu Mỹ Phương

Địa chỉ: 172 Trần Bình Trọng, phường 03, quận 05
Mở cửa: sáng từ 6h30 đến 1h trưa, chiều từ 4h đến 10h tối
Giá: Hủ tiếu Nam Vang (khô - nước: 34.000đ/tô), sườn ăn thêm (34.000đ/tô)

 

7. Hủ tiếu bò viên

 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 02) 3

Bò viên là món ăn phổ biến của người Hoa ăn chung với mì, hoành thánh, hủ tiếu hay bỏ lẩu cũng đều ngon. Hầu hết những phiên bản bò viên, cá viên hay thịt heo viên ở các nhà hàng Hoa đều khá to, nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì giảm dần về kích cỡ, có chỗ xắt ra nhiều miếng, có chỗ thì để nguyên. Ở Sài Gòn ta dễ dàng tìm thấy bò viên trong trong các quán phở (như một cách chiều theo khẩu vị miền Nam?) và các quán hủ tiếu, mì của người Hoa.

Cách ăn hủ tiếu với bò viên khá phổ biến ở Sài Gòn. Đa phần ăn bò viên cùng cọng hủ tiếu mềm và mì sẽ ngon hơn là cách ăn với cọng hủ tiếu dai. Có nhiều tiệm người Hoa quen gọi món này là "phở" do cách ăn rất gần với phở bò viên của người Việt.

Địa chỉ dành cho bạn:
Hủ tiếu Quốc Ký
Địa chỉ: 52 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: 6h sáng đến 10h tối
Giá: từ 60.000đ/tô cho hủ tiếu sa tế, hủ tiếu mì bò viên, gân, lòng bò...

 

8. Hủ tiếu hồ

8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 02) 4 

Có người gọi vui hủ tiếu hồ là "bánh canh của người Tiều", vì để bánh thấm được nước lèo thì cọng hủ tiếu phải nấu ngay trong thùng, có khách mới múc ra bán.

Tên thường gọi là "hủ tiếu hồ" chứ món này lại chẳng liên quan gì đến cọng hủ tiếu cả. "Cọng” hủ tiếu mà ta thấy thực chất là những miếng bột mỏng gần như bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông (cỡ 40 x 40mm).

Còn chữ "hồ" thì cũng có nhiều lý giải. Có ý kiến cho rằng trong nguyên bản của người Tiều phần nước lèo có pha thêm một chút bột năng để có được độ hồ sệt. Cũng có người cho rằng chữ "hồ" này để gợi nhớ về cộng đồng người Tiều tập trung ở tỉnh Hồ Nam (phía Nam Trung Quốc).

 8 món hủ tiếu hấp dẫn ở Sài Gòn (Phần 02) 5

Không như các món mì, hủ tiếu khác thường ăn chung với gà, cá, lòng heo.... hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Cách ăn này hình thành từ thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều (tương tự như món cháo Tiều trong Chợ Lớn).

Cách ăn phá lấu của người Tiều được hình thành từ những lần cúng kiếng, giỗ chạp. Con heo cúng ăn không hết, để giữ được lâu ngày thì phải đem tẩm ướp sau bỏ vào nồi ăn dần.

Nồi nước phá lấu gồm các gia vị như ngũ vị hương, quế chi, bát giác, đại hồi, tiểu hồi cùng một số vị thuốc bắc. Còn phần thịt của heo bất cứ bộ phận nào cũng đều nấu phá lấu được, từ lưỡi, tai heo, ruột heo cho đến bao tử...

Ở Sài Gòn món này có thể tìm thấy trong Chợ Lớn, quận 06, quận 08 hay quận 11... Không phổ biến như hủ tiếu hay mì, hủ tiếu hồ chủ yếu thường xuất hiện chung với hủ tiếu sa tế trong các quán của người Tiều.

 

Địa chỉ dành cho bạn:
1. Hủ tiếu Triều Châu
Địa chỉ: 49 Dương Đình Nghệ, phường 08, quận 11
Mở cửa: 6h sáng đến 10h
Giá: Hủ tiếu hồ (25.000đ/tô), hủ tiếu sa tế nai (25.000đ/tô)
2. Hủ tiếu Đỗ Khôn - Huy Đạt
Địa chỉ: 26 Đình Hòa, phường 13, quận 08
Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h30 trưa
Giá: Hủ tiếu hồ (35.000đ/tô), hủ tiếu sa tế (35.000đ/tô), mì khô thập cẩm (35.000đ/tô)

 

P.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.