80% đơn vị được giao tự chủ nhưng chỉ có... 4% tự đảm bảo được chi phí

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/08/2018 17:34 GMT+7

32.942/41.508 đơn vị sự nghiệp trong cả nước được giao tự chủ tài chính , đạt 79%. Tuy nhiên, chỉ mới 1.316 đơn vị, khoảng 4% tự đảm bảo được chi phí.

Thông tin đáng chú ý trên được bà Nguyễn Thu Thúy, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, đưa ra tại hội thảo về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc trong cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc tổ chức chiều 30.8.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến năm 2016, cả nước có 41.508 đơn vị sự đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có 32.942 đơn vị sự nghiệp công lập đã được giao tự chủ tài chính, chiếm 79%.
Tuy nhiên, trong số này, chỉ mới có 1.316 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi phí hoạt động, đạt khoảng 4%; 11.588 đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi phí hoạt động (chiếm 35,2%).
Còn lại, 20.038 đơn vị sự nghiệp công lập vẫn do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động (chiếm tới 60,8%).
Bà Thúy cho biết, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nội vụ thì số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã tăng lên hơn 50.000, song số đơn vị sự nghiệp đảm bảo chi phí hoạt động chỉ khoảng 3.000, chiếm khoảng 6%.
Cũng theo bà Thúy, việc thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn là ngân sách nhà nước cấp phát.
“Đây là lý do mỗi lần có chính sách cải cách tiền lương hay chính sách cải cách lớn thì gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực cho cải cách”, bà Thúy nhận định.
Bên cạnh đó, theo bà Thúy, về kết quả thực hiện chế độ tự chủ tài chính, bà Thúy cho hay, theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, địa phương, tính đến hết năm 2016, tổng nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm cả nguồn thu phí được để lại) là 71.937 tỉ đồng.
Trong đó, số thu của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ, cơ quan T.Ư là 31.270 tỉ đồng, của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương là 40.667 tỉ đồng.
Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp cùng với nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên (10%) đã góp phần bù đắp một phần nhu cầu tiền lương tăng thêm.
Theo bà Thúy, theo 143 đơn vị thuộc các Bộ, ngành đã tiết kiệm chi thường xuyên khoảng 1.020,9 tỉ đồng; có 1.486 đơn vị thuộc các địa phương đã tiết kiệm khoảng 650,6 tỉ đồng.
Giảm 10% số đơn vị, biên chế sự nghiệp công
Bà Thúy cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định số 43. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 16, thay thế cho Nghị định 43. Tuy nhiên, tới nay, chỉ mới ban hành được 2 trong số 7 nghị định tự chủ trong các lĩnh vực phải ban hành theo quy định tại Nghị định 16.
Tới năm 2017, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Nghị quyết 19 đề ra mục tiêu đến năm 2021, tối thiểu phải giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập, 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với năm 23015, cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong đơn vị sự nghiệp công, trừ đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 cũng đề ra mục tiêu 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
Để thực hiện các mục tiêu này, bà Thúy cho biết, hiện Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Nghị định 16 cho phù hợp, đồng thời, các dự thảo nghị định về tự chủ trong các lĩnh vực đã trình Chính phủ cũng đang dừng lại để sửa đổi cho phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết 19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.