82 ngày làm con tin - Kỳ 12: Tự do

31/08/2006 12:58 GMT+7

Sau khi quay phim, họ đưa tôi trở lại căn phòng hẹp. Đêm trước đó, họ bảo rằng họ sẽ trả tiền cái máy tính đã lấy của tôi và thậm chí sẽ tặng quà cho tôi nữa.

“Chúng tôi đem cô đi giết”

>> Kỳ 11: Lời dặn dò của mujahideen
>> Kỳ 10: Tuyệt vọng
>> Kỳ 9: Những người anh em thánh chiến
>> Kỳ 8: Kẻ thù mới
>>    Kỳ 7: Hy vọng hão
>> Kỳ 6: Học kinh Koran
>> Kỳ 5: Phim thánh chiến
>> Kỳ 4: Đoạn video đầu tiên
>>
Kỳ 3: Đoạn video đầu tiên
>> Kỳ 2: “Gián điệp” bất đắc dĩ
>> Kỳ 1: Bị bắt cóc

Abu Rasha, người đàn ông to con “giữ trọng trách” cai quản việc giam cầm tôi, từng nói rằng khi trả tự do, bọn họ sẽ tặng cho tôi một sợi dây chuyền bằng vàng, tương tự như điều họ đã làm với Giuliana Sgrena - một nhà báo người Ý đã bị bắt cóc hồi đầu năm 2005 và bị giam cầm một tháng.

Tiền và vàng, đó là tấm vé để đi đến tự do. Tôi hình dung rằng nếu như một ngày nào đó, họ đưa cho tôi những thứ này, giấc mơ tự do của tôi có thể sẽ trở thành hiện thực.

Abu Nour tạm biệt tôi. Tôi lắp bắp đáp lời. Và rồi tôi chờ đợi, chờ đợi. Cuối cùng, người đàn bà trong ngôi nhà đã đem cho tôi một số quần áo và một đôi giày mới. Đôi giày không vừa chân tôi. Thế là bà ta đưa tôi đôi xăng đan da cao gót màu đen của bà. Nó vừa như in.


Lính tráng và súng ống, những cảnh này đã khiến tôi kinh hãi (ảnh: IKM)

Họ thúc ép tôi đi nhanh ra chiếc xe hơi đậu phía trước. Tôi vẫn không thấy vàng đâu. Tôi cũng không được trả tiền. Tôi bắt đầu hoảng loạn.

Abu Rasha ngồi bên cạnh tôi ở hàng ghế sau. Hắn chồm về phía tôi để bịt mắt tôi bằng 3 tấm khăn đen, còn tôi thì thở hổn hển.

“Jill, bọn tôi đã yêu cầu Mỹ thả các phụ nữ ra khỏi nhà tù và chẳng ai được thả cả”, hắn nói lớn, khác hẳn thói quen nói nhỏ thường ngày.

“Ồ”, tôi cố thốt ra một từ, cúi đầu xuống giữa cảnh tăm tối, mù lòa, nóng nực và ngộp thở.

“Bọn tôi cũng yêu cầu chính phủ phải giao tiền và họ chẳng giao gì cả”, hắn lại tiếp.

“Vâng, tôi biết”, tôi nói.

“Vì thế bây giờ chúng tôi sẽ đem cô đi giết”, hắn nhìn tôi đầy kích động, chồm sát về phía đầu tôi.

Tôi cũng đang hoảng loạn với ý nghĩ bọn chúng sẽ đem tôi đi giết. Trong đầu tôi là hình ảnh những khẩu súng lạnh lùng. Tất cả những gì mà bọn họ đã nói với tôi trong ngày hôm trước đều là một trò lừa.

Nhưng tôi không được phép tỏ ra sợ hãi. Tôi phải làm cho họ nghĩ rằng họ là những người rất tử tế và sẽ chẳng đời nào giết tôi.

Thế là tôi cố cười thật to.

“Không, Abu Rasha, anh là anh trai của tôi, anh sẽ chẳng bao giờ làm thế!” - tôi vừa nói vừa cố che giấu nỗi sợ hãi đã lên tới đỉnh điểm.

Hắn cũng cười to, giọng cười tự nhiên hơn tôi. “Không, chúng tôi sẽ không giết cô đâu. Chúng tôi sẽ đưa cô đến Đảng Hồi giáo Iraq và cho cô xuống đó”.

800USD và sợi dây chuyền vàng


Tôi ủ rũ như một cái lá héo. Mệt mỏi, run bắn và kiệt lực. Tôi không còn biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Đầu óc tôi đang mụ mẫm, tôi không thể phân tích tình huống nữa. Trong tôi chỉ là sự trống rỗng.

Chiếc xe cứ chạy mãi. Bọn họ liên tục nói chuyện điện thoại với những người ở chiếc xe phía trước để hỏi xem có gì trở ngại trên đường không. Cuối cùng, Abu Rasha bảo tôi nhấc cái khăn bịt mặt ra. Hắn bắt đầu đặt những tờ 100USD vào tay tôi. Hắn trả 400USD cho chiếc máy tính của tôi mà bọn họ đã lấy cùng với 400USD nữa để đền bù cho những rắc rối mà tôi đã phải đương đầu.

Rồi hắn nói: “À, chúng tôi còn thứ này cho cô nữa.” Hắn lấy một cái hộp và lôi ra một sợi dây chuyền vàng có cả mặt trên đó.

Tiền. Vàng. Có lẽ cuối cùng họ cho tôi đi thật.

Chúng tôi đổi xe. Lần này thì Abu Rasha ngồi sau bánh lái. Hắn bắt đầu một bài độc thoại và chưa bao giờ giận dữ đến thế. Hắn phun ra những câu chửi rủa cay nghiệt và đầy thù ghét bằng tiếng Anh về phía chính phủ và quân đội Mỹ. Hắn mắng nhiếc không tiếc lời cuộc chiến, việc Mỹ chiếm đóng Iraq và nhà tù Abu Ghraib.

Tôi phải hứa với hắn rằng tôi sẽ không nói với quân đội hay Chính phủ Mỹ rằng tôi đã được tự do. Trong thâm tâm, tôi cũng không định làm điều đó. Tôi sẽ chỉ gọi điện thoại cho mấy người bạn nhà báo của tôi, nói họ đến đón và chở tôi ra sân bay.

Trong suốt 3 tháng bị bắt cóc, lúc nào tôi cũng phải tìm đủ mọi cách để cố chứng minh rằng tôi không phải là điệp viên CIA. Nếu như tôi lập tức gọi cho các quan chức Mỹ để yêu cầu giúp đỡ, các mujahideen sẽ cho rằng tôi chính là điệp viên. Tôi đã nghĩ như thế.

Một con tin đang quay lại với thế giới

Tôi thực sự sợ hãi những lời đe dọa của họ. Trong 3 tháng qua, các mujahideen lúc nào cũng tìm mọi cách để nhét vào đầu tôi cái ý nghĩ: họ thông suốt mọi sự, thông suốt mọi sự và thông suốt mọi sự. Sẽ chẳng có cách nào thoát khỏi họ, ngay cả lúc tôi đã ở trong Vùng Xanh (khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Baghdad), thậm chí ngay cả trên đất Mỹ.


Tôi luôn ám ảnh với ý nghĩ bị một chiếc xe nào đó chạy ngang qua đánh bom tự sát. (ảnh: AFP- ảnh minh họa)

Abu Nour có lần từng nói với tôi rằng bọn họ có tai mắt ở khắp mọi nơi và luôn theo dõi từng đường đi nước bước của tôi sau khi tôi được thả. Từ lâu, tôi đã bị ám ảnh với ý nghĩ một chiếc xe gài bom sẽ đâm sầm vào chiếc Humvee của quân đội được cử đến để đón tôi.

Lúc đó Abu Nour thắng kít xe lại. Hắn đưa cho tôi một mảnh giấy viết bằng tiếng Ả Rập, trong đó giải thích tôi là ai. Hắn bảo tôi ra khỏi xe.

Cửa xe mở ra. Abu Qarrar, một trong hai người anh em thánh chiến canh giữ tôi nhiều nhất, đã đứng sẵn ở đó như thể từ trên trời rơi xuống. Hắn trao quà cho tôi cùng với một cái túi lớn đựng tất cả các áo quần mà tôi đã mặc trong suốt 3 tháng qua.

Vậy là ít nhất thì kẻ canh giữ mà tôi ít căm ghét nhất cũng là kẻ tạm biệt tôi cuối cùng. “Abu Qarrar, tạm biệt anh, tạm biệt anh”, tôi nói.

Rồi tôi nhấc chân lên, xiêu vẹo bước đi bằng đôi xăng đan của vợ một kẻ nổi dậy, tay bíu chặt túi áo quần, tấm khăn choàng đầu cứ đập phần phật vào mặt. Một con tin đang quay lại với thế giới.

Sai lầm chết người

Tôi đã nhìn thấy văn phòng của Đảng Hồi giáo Iraq (IIP) và đưa cho người đàn ông ngồi sau bàn mảnh giấy mà Abu Nour đã trao cho tôi. Lúc đó tôi cực kỳ hoảng sợ, tay chân bắt đầu run cầm cập. Tôi lí nhí  bằng tiếng Ả Rập: Hãy cho tôi gọi điện thoại.

Tuy nhiên, người đàn ông này  lại đi báo với người chỉ huy của chi nhánh IIP. “Cũng là cô nhà báo đó à?”, ông chủ huy hỏi, giọng đầy hồ nghi, sau khi đọc mảnh giấy. Và họ bắt đầu tính toán xem nên làm gì với tôi. Còn thân thể tôi thì mệt rũ, tinh thần thì vô định - hoàn toàn mất hết phương hướng. Điều duy nhất mà tôi muốn vào lúc này là gọi điện thoại về khách sạn của tôi.

Mọi chuyện diễn tiến rất nhanh. Họ cố đẩy tôi vào một chiếc xe hơi trắng để chở tôi đến trụ sở chính của IIP. Tôi chống lại. Tôi chỉ muốn gọi điện thoại về khách sạn. Một lần nữa, gôi xin gọi điện thoại nhưng họ nói với tôi rằng chẳng có cái điện thoại nào đang hoạt động cả.

Ai đó đưa ra một chiếc điện thoại di động, bảo rằng có người gọi cho tôi. Đó là Tariq al-Hashemi, Chủ tịch đảng IIP- người sau này trở thành phó tổng thống trong chính quyền mới của Iraq. Tôi nhờ Hashemi gọi về khách sạn và nếu như không có phóng viên nào của tờ Monitor (báo Christian Science Monitor - tòa báo Jill Carroll đang cộng tác) ở đó thì gọi cho văn phòng của Washington Post để nhờ họ đến đón tôi. Ông ấy bảo ông ấy cũng sẽ gọi cho tòa đại sứ Mỹ. Tôi hốt hoảng van nài Hashemi đừng làm thế nhưng ông ấy dứt khoát không chịu.

Chỉ vài phút sau, một đoàn xe hơi SUV trắng lao đến, gắn cả đèn chấp chóa ở trên nóc. Lực lượng an ninh Iraq đứng chật kín hai bên đường. Các quan chức IIP đưa tôi xuống cầu thang và thúc giục tôi leo lên một chiếc xe bọc thép sang trọng có ghế da. Tôi nhận ra ngay đó là đoàn xe an ninh riêng của ông Hashemi. Đèn chớp, súng ống và lực lượng an ninh làm cho tôi quá kinh hãi.

Tôi chỉ muốn la lên: “Tôi không muốn như thế này”. Nhưng cả đoàn xe đã lao đi.

Mọi chuyện đang đi theo một chiều hướng sai lầm chết người. Các mujahideen đang theo dõi tôi, họ sắp giết tôi. Họ sẽ nghĩ rằng tôi đã nói dối vì tôi không chịu âm thầm gọi các đồng nghiệp đến đưa tôi đi mà lại làm ầm ĩ như thế này. Tôi gập sát người xuống ghế, cố gắng giấu mình dưới ô cửa xe.

Người đàn ông ngồi gần tôi cười to và hỏi: “Việc gì cô phải làm thế?”.

“Tôi không muốn bọn chúng nhìn thấy tôi”, tôi đáp. Tại sao họ lại không chịu hiểu ra vấn đề chứ? Tôi muốn la to vào mặt họ rằng hãy để tôi ra khỏi xe, hãy dừng lại, hãy bảo những chiếc xe gắn đèn chấp chóa biến đi chỗ khác đi. Nhưng đoàn xe vẫn cứ lao trên đường phố Baghdad - một đoàn xe hú còi inh ỏi với những cây súng chĩa ra khắp mọi hướng. Tôi hoảng loạn với ý nghĩ bất kỳ chiếc nào trong số tất cả những chiếc xe hơi bình thường chạy ngang qua đều có thể là xe gài bom của các mujahideen để làm tan xác tôi vì cái tội không giữ đúng lời hứa.

“Hãy cẩn thận với những chiếc xe gài gom. Hãy cẩn thận”, tôi hét lên với người lái xe bằng tiếng Ả Rập. Tôi nhìn xem khóa xe và tay nắm ở chỗ nào để trong trường hợp chiếc xe bốc cháy vì trúng bom, tôi sẽ kịp nhảy ra ngoài.

Những người cận vệ ngồi xung quanh đang cười mỉa mai như thể tôi là một con điên. Họ bảo tôi chẳng việc gì mà phải lo lắng đến thế.

Trút bỏ hijab

Đối với tôi, quá trình được trả tự do là một trong những ký ức nặng nề nhất kể từ ngày bị bắt cóc. Tôi cũng chẳng hiểu rõ lý do. Đột nhiên, mọi kết cấu đều bị phá vỡ. Không còn có ai ra lệnh cho tôi phải làm gì nữa.

Tại trụ sở IIP, người ta muốn quay một đoạn băng video về tôi và yêu cầu tôi viết thư cảm ơn. Chưa hết, họ còn muốn ghi âm tôi nữa. Họ bảo rằng tôi bắt buộc phải làm thế để không ai buộc tội họ là những kẻ bắt cóc tôi. Đoạn băng video sau đó đã được phát sóng rộng rãi.

Hai người bạn thân của tôi làm cho tờ báo Washington Post, trong đó có Ellen Knickmeyer, trưởng đại diện tại Iraq, đã đến. Có ai đó đưa cho tôi cái điện thoại. Tôi lập tức gọi cho cô em song sinh Katie.

Tôi đồng ý quay phim cho IIP.Tâm trạng tôi lúc đó được thể hiện rõ qua cảm giác dằn vặt vì đã không chịu nhanh chóng đồng ý quay phim để tôi có thể gọi về cho gia đình sớm hơn.

Tôi nghe nói rằng Scott Peterson vẫn ở Baghdad. Tôi nghĩ lẽ ra anh ấy phải chạy khỏi nơi đây mới phải. Tôi gọi anh ấy bằng điện thoại di động của Ellen. Anh ấy đang ở trong văn phòng của CNN để làm một đoạn phim mới về  tôi.

Khi lính Mỹ tới, tôi vẫn đang nói chuyện với Scott. Tôi quá hãi binh lính. “Mình phải làm gì bây giờ hả Scott ?”. Anh ấy bảo rằng nếu như lính Mỹ đang có mặt thì đó chính là con đường an toàn nhất. Và tôi được cô bạn Ellen đỡ xuống cầu thang.

Chúng tôi bước lên chiếc xe bọc thép. Tôi vẫn mang theo cái túi đồ lớn mà nhóm bắt cóc đưa cho. Họ vẫn đang theo dõi tất cả mọi chi tiết!

Những cánh cửa đóng sập lại. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh. Cuối cùng tôi đã cảm thấy an tâm đôi chút.

Một người lính lấy ra bức hình của tôi mà anh ta đang mang theo. “Bây giờ thì tôi chẳng cần nó nữa”, anh ấy vừa nói vừa đưa tấm hình cho tôi.

Người lính khác thì lấy ra một lá cờ nhỏ và cũng trao nó cho tôi.

Người lính thứ ba ngồi phía bên trái nói: “Chúng tôi đã phải tìm kiếm cô quá lâu”

Sao những người này biết tôi là ai nhỉ? Tôi cũng không hiểu tại sao họ lại có hình của tôi. Tôi không hề biết là đã có bao nhiêu bài báo viết về chuyện tôi bị bắt cóc.

Tôi bắt đầu nói chuyện với Ellen. Vài phút sau, cô ấy bảo: “Bạn có thể cởi cái áo hijab ra được rồi đấy.”

“Không, không”, tôi phản xạ như một cái máy.

Nhưng một phút sau, tôi lại nói: “Đúng đấy, mình nghĩ mình có thể cởi nó ra được rồi.”

Kiều Oanh (Dịch từ Christian Science Monitor)

 

Kỳ cuối: Đoàn tụ


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.