82 ngày làm con tin - Kỳ 2: “Gián điệp” bất đắc dĩ

24/08/2006 18:25 GMT+7

Tôi dành trọn ngày đầu tiên làm con tin của mình để ngồi co ro trên một chiếc ghế nhựa trong căn phòng ngủ ở tầng hai căn nhà ở Baghdad. Bên ngoài súng nổ từng đợt quanh tôi. >>Kỳ 3: Đoạn video đầu tiên

Tôi nghĩ miên man. Đây là Baghdad, nên mọi thứ đành như vậy. Nhưng tiếng súng đã bắt đầu từ đêm trước và nổ rền suốt ngày hôm nay. Có những tiếng súng rất gần.

Lẫn trong bóng tối, Abu Rasha, nhân vật chịu trách nhiệm số 2 và cũng là chủ nhân ngôi nhà, bước vào phòng. Anh ta trông rất mệt mỏi.

 “Tôi rất, rất mệt, cả ngày nay tôi đánh nhau với bọn lính”, anh ta nói. Sau đó, Abu Rasha kêu ggggg-ggg, giả làm tiếng súng máy. Anh ta ngồi xuống giường và thở dài. “Họ đang ở ngay đây. Họ đang ở rất gần. Tại sao, Jill? Tại sao bọn lính lại ở đây? Tại sao bọn lính lại ở quá gần đây?”.

Câu hỏi ấy là một lời buộc tội.

Tôi nhận ra rằng anh ta nghĩ tôi, bằng cách nào đó, đã thông báo cho quân đội Mỹ chỗ ở của mình. Vì sự an toàn của bản thân tôi, tôi cần làm cho anh ta thấy tôi thật sự bất ngờ trước những lời đó.

”Tôi không biết! Tôi không biết”, tôi nói, giọng cất cao.

”Cô không có điện thoại di động chứ? Có khi nào ở trong tóc của cô chăng?”.

Tôi dỡ chiếc khăn choàng đầu ra và xoã tóc. Đây thật sự là một cử chỉ không đứng đắn, bình thường là sự xúc phạm kinh khủng đối với một người đàn ông theo đạo Hồi, nhất là với một người có vẻ rất sùng đạo như Abu Rasha. Nhưng tôi cứ đánh liều.

Anh ta dùng tay chải tóc tôi, kiểm tra da đầu xem có bất cứ cái gì mà anh ta tưởng tượng ra là tôi có thể giấu ở đó. Cuối cùng, anh ta hài lòng và rời căn phòng.


Jill Carroll đã đến Trung Đông từ 6 tháng trước khi cuộc chiến Iraq nổ ra để học về văn hóa ở đây. Trong ảnh, cô đang nấu ăn ở Iraq trong bộ trang phục truyền thống của phụ nữ địa phương  (Boston Globe)

Tôi đổ sụp xuống chiếc ghế nhựa và khóc trong câm lặng vì sợ Abu Rasha nghe thấy. Rồi anh ta đột nhiên quay trở lại. Anh chạy tới, túm lấy tay tôi và quỳ xuống cạnh tôi.

”Tôi rất xin lỗi. Không, Jill, đừng khóc. Tôi rất, rất, rất xin lỗi”, anh ta nói đầy cảm thông. “Không, không, tôi xin lỗi, tôi xin lỗi. Tôi là anh em của cô mà”.

Anh ta rũ người ra. Tại sao anh ta phải lo lắng khi tôi đau khổ? Suy cho cùng, anh ta đã bắt cóc tôi mà.

Và tôi biết mình đã học được điều gì đó rất quan trọng, một điều gì đó có thể giúp tôi vượt qua bất cứ thứ gì sắp xảy ra.

Ngày hôm sau tôi được thông báo rằng lính Mỹ và Iraq đã tấn công thánh đường Um al-Qura - chỉ cách văn phòng của ông  Adnan al-Dulaimi chưa đầy 2km. Sau này, tôi được biết cuộc tấn công này được thực hiện dựa trên lời chỉ điểm của một dân thường Iraq về nơi ở của tôi. Đó là cánh quân Mỹ gần nhất đến hòng giải cứu tôi so với những cuộc giải giải cứu suốt 3 tháng trời đằng đẵng sau đó.

Ngay những phút đầu tiên bắt được tôi, nhóm người này có vẻ như đã rất bất ngờ trước thành công của họ. Họ không hề định ra kế hoạch sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng trong những ngày sau đó, một hình mẫu đã được tổ chức và thực hiện xuyên suốt những ngày tôi bị giam cầm.

Tôi thường xuyên bị di chuyển. Họ cho tôi ăn những món mà người Iraq nghĩ là chuyên dành cho thượng khách và cho dùng một số thứ xa xỉ một tí như các vật dụng vệ sinh đắt tiền.

Bây giờ, tôi là một tù nhân. Những người bắt cóc tôi đột nhiên đưa ra những lời buộc tội cay đắng, rằng tôi là gián điệp, hoặc là một người Do Thái, hoặc tôi đang giấu một thiết bị điều khiển trong người. Họ huênh hoang về những thành tích chiến đấu chói lọi chống lại lính Mỹ trong lúc tôi bị cầm giữ.

Tôi ngày càng hoang mang. Khi thì tôi đinh ninh họ sắp giết tôi. Lúc khác tôi lại nghĩ họ sắp trả tự do cho tôi và đó chỉ còn là vấn đề thời gian.

Sau mọi thứ, tôi chỉ muốn kết thúc tất cả, cho dù kết quả là cái chết hay sự tự do. Tôi nhớ mình đã mong mỏi, nôn nóng chờ đợi một sự kết thúc đến mức nào.

Chiến binh 5 tuổi

Ngày đầu tiên đó, họ trở nên hốt hoảng khi quân đội đang ở quá gần để tìm kiếm tôi. Abu Rasha nói họ phải chuyển tới nhà của “anh trai” Abu Ali. Tôi nghĩ anh ta nói đến một ông anh thật. Sau đó, tôi nhận ra đây là từ ám chỉ một chiến binh tử vì đạo khác.

Abu Rasha gói ghém đồ đạc cho tôi nhưng lại quên bỏ hộp kem đánh răng và dầu gội đầu mà họ đã cấp cho tôi từ đêm hôm trước. Tôi nghĩ, có lý do nào đó anh ta mới không bỏ chúng vào. Tôi thắc mắc và anh ta bỏ chúng vào túi.

Abu Rasha dỡ kính của tôi ra (tôi đã tìm thấy cặp kính bị mất ở trong xe) và quấn hai chiếc khăn đen lên đầu và mặt tôi, vì vậy tôi không thể nhìn thấy họ đưa mình đi đâu. Bám vào tay anh ta, tôi loạng choạng ra khỏi ngôi nhà và bước vào một chiếc xe, cố gắng hít thở qua mấy lớp vải polyester đen ngột ngạt.

Sau một chặng đường ngắn, chúng tôi đổi xe và tôi ngồi co rúm lại, bất động trong chiếc ghế mới, lạ lẫm. Sau đó, tôi nhận ra có mấy đứa trẻ ngồi cạnh tôi còn những người đàn ông thì ngồi ở hàng ghế trước.

Tiếng ngâm kinh Koran phát ra từ một chiếc cassette và cứ vài phút thì những người đàn ông lại thì thầm: “Allahu Akbar, Allahu Akbar,” khi chúng tôi đi trong bóng đêm.

Một trong số họ nói bằng tiếng Ả Rập. “Bạn là ai? Bạn là ai?”.

Một giọng nói ngây thơ vang lên cạnh tôi: “Tôi là một Mujahid”, một chiến binh tử vì đạo.

Đó là một bé trai - tôi biết tên của cậu là Ismael và cậu bé mới 5 tuổi. Chỉ là một đứa bé nhưng đã thấm nhuần giáo lý. Sau khoảng 20 phút, chiếc xe ngừng lại và bàn tay đeo găng của một phụ nữ nắm lấy tay tôi, đưa tôi ra khỏi xe và bước vào một ngôi nhà. Tim tôi đập dồn. Người phụ nữ tháo khăn trùm ra khỏi đầu tôi. Cùng với luồng ánh sáng và không khí ập tới, tôi nhìn thấy cô ta đang mỉm cười đầy vẻ ân cần trong một căn phòng khách toàn ghế nệm. Abu Rasha bước vào và người phụ nữ trùm vội chiếc khăn đen lên kín đầu, chỉ để hở đôi mắt.

”Đây là Um Ali và đây là Abu Ali”, Abu Rasha nói với tôi, cười nhẹ. Um trong tiếng Ả Rập dùng chỉ mẹ, Abu là cha. Nhưng tên của tất cả những người bắt cóc tôi đều là giả.

Tôi liếc sang trái, bắt gặp một người đàn ông mập mạp có bộ râu muối tiêu. Ông ta cũng mỉm cười trông rất thân thiện.

”Cô có biết Abu Ali không?”, Abu Rasha hỏi. “Cô biết anh ấy từ hôm qua chứ?”.

”Không” - tôi trả lời.

Tôi nhìn ông ta lần nữa - và rồi tôi nhận ra ông ta là ai. Ông ta là người đã chĩa súng vào Adnan, viên tài xế của tôi trong lúc bắt cóc tôi - một gã béo để râu.

”Ôi, không”, tôi nghĩ thầm. Không hay tí nào.

Đặng Hạnh (dịch từ Chirstian Science Monitor)

Kỳ 3: Đoạn video đầu tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.