82 ngày làm con tin - Kỳ 4: Người mẹ đánh bom tự sát

24/08/2006 18:01 GMT+7

Khi chúng tôi ngồi trong căn bếp nhỏ, A.Ali - người có bộ râu muối tiêu đã bắt cóc tôi -khoe rằng vợ ông muốn đánh bom liều chết. “Um Ali muốn trở thành một người tử vì đạo. Cô ấy muốn lái xe cài bom”, ông tự hào nói. Dĩ nhiên, cô ấy sẽ phải đợi vì hiện cô ấy đang có thai 4 tháng. Đạo Hồi cấm giết thai nhi ở độ tuổi này, ông Ali giải thích. “Ô, ok, ok, chao ôi”, tôi buộc miệng. Tôi giả vờ lúng túng trong khi nghĩ ngợi nên nói gì. >> Kỳ 1: Bị bắt cóc >> Kỳ 2: “Gián điệp” bất đắc dĩ >> Kỳ 3: Đoạn video đầu tiên

Tự hào khi vợ...muốn đánh bom tự  sát

Không khí chuẩn bị bữa ăn tối thật nhộn nhịp. Nhà bếp mang đậm nét Iraq: một không gian chật hẹp với nhiều ngăn kệ. Ai đó đã khâu một tấm vải hoa lòe loẹt để trùm lên kệ nhưng một góc tấm vải đã rách. Cạnh chiếc tủ lạnh là một máy ướp khổng lồ dính đầy nhãn quảng cáo của hãng nước chấm Maggi.


Các thành viên thuộc Tổ chức nhà báo không biên giới biểu tình trước tháp Eiffel (Pháp) kêu gọi trả tự do cho J.Carroll ( Reuters)

Ba đứa trẻ chơi quanh quẩn, tất cả đều là con của kẻ đánh bom trong tương lai. Tôi vẫn chưa quen cảnh bị giam cầm, vẫn cố hiểu các giới hạn cả về vật chất và tinh thần mà bọn bắt cóc định ra. Tôi không muốn vi phạm. Nhưng tôi thực sự sốc trước câu chuyện người mẹ có ý định đánh bom liều chết; sốc trước cảnh Um Ali bẽn lẽn đỏ mặt khi nghe chồng khen kế hoạch đánh bom tự sát của mình.

“Ồ, tôi không biết phụ nữ có thể trở thành những người đánh bom xe hơi”, đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Sau này tôi mới biết đó là cách duy nhất để người phụ nữ trở thành mujahideen (chiến binh thánh chiến). Đàn ông có thể được vinh danh bằng cách tham gia cuộc thánh chiến. Còn phụ nữ thì chỉ có cách tự làm nổ tung mình.

Chỉ được ăn đồ thừa

Cùng lúc ấy, những chiếc dĩa bạc lớn đựng thức ăn được dọn ra. Cánh nam giới mang chúng vào cho nhóm người đang họp trong căn phòng đóng cửa kín mít. Dựa theo những lời bàn luận của họ thì tôi đoán ngôi nhà này nằm ở phía tây Baghdad hoặc gần nhà tù Abu Ghraib. Tôi trò chuyện với Um Ali và những người phụ nữ khác trong bếp. Đúng rồi, tôi đi nước này nước khác để làm việc - tôi kể. Họ cho biết họ không được phép đi làm. Họ nghỉ học hồi 12 tuổi để tập nấu nướng và trông coi nhà cửa.

Một lúc sau, những chiếc dĩa được đưa trở lại, thức ăn vương vãi, xương gà gặm dở. Chẳng còn lại gì ngoài một vài mẩu thức ăn thừa. Những người phụ nữ ngồi xuống và bắt đầu ăn đồ thừa đó. Thật quá sức tưởng tượng của tôi. Họ đã dành cả buổi để nấu nướng song chỉ được dùng thức ăn thừa. Nhưng tôi cũng ngồi xuống cùng họ. Và, như cách tôi sẽ thường xuyên làm cùng với họ suốt 3 tháng sau đó, tôi ăn thừa.

Thoát chết nhờ là phóng viên

Suốt thời gian bị giam giữ, tôi hiểu về các tay súng nổi dậy ở Iraq nhiều hơn tôi tưởng tượng. Ở một mức độ nào đó, tôi đã được quan sát trực tiếp cách họ sinh sống. Có những lúc tôi bị giam một mình trong 4 bức tường song cũng có những lúc tôi được ở cùng với gia đình các tay súng chống đối tại một số ngôi nhà mà tôi bị giam giữ. Thậm chí, tôi còn chơi với con cái họ - một niềm vui nhỏ giúp tôi chịu đựng cảnh giam cầm của mình. Ở một mức độ khác, tôi biết những gì họ nghĩ, cả về bản thân họ và về nước Mỹ. Tôi muốn họ thấy tôi có giá trị khi còn sống hơn là đã chết. Vì thế, tôi nói với họ rằng do là một phóng viên nên tôi có thể viết lại câu chuyện của họ nếu tôi được tự do.


Làm một phụ nữ ở Iraq là điều không dễ dàng ( Boston Globe)

Họ nắm bắt ngay lấy ý này, có lẽ ở một góc độ mà tôi không lường trước được. Sau bữa tối, một vài người đàn ông kéo ghế ra giữa nhà và tổ chức một cuộc họp báo không chuẩn bị trước và không có câu hỏi. Và tôi là đại diện duy nhất của báo chí. Họ khẳng định họ không phải là khủng bố mà họ chỉ đang bảo vệ đất nước chống lại những kẻ chiếm đóng. Họ cho biết họ không chống lại người Mỹ. Chính phủ Mỹ mới là kẻ thù của họ. “Nếu bạn đến đây như một vị khách tới đất nước chúng tôi, tất cả chúng tôi sẽ mở cửa đón bạn và chiêu đãi bạn. Nhưng nếu bạn tới với tư cách là một kẻ thù, chúng tôi sẽ uống máu bạn và sẽ không còn một ai trong số các bạn còn sống sót”, một người đàn ông lên tiếng.

Tôi hy vọng cuộc họp báo trên sẽ góp phần tạo nên tư cách một phóng viên của tôi. Để làm vui lòng họ, tôi đã học thuộc một số đoạn thơ trong kinh Koran. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ nghiêm túc về ý định cải đạo. Khi biết rõ hơn nữa về đạo Hồi và về cuộc sống của những người phụ nữ phải gắn chặt với hôn nhân hoặc gia đình của lực lượng chống đối, tôi càng tin rằng mình thậm chí không thể giả vờ cải đạo. Chừng nào tôi còn được xem là một phóng viên và là một phụ nữ Cơ đốc giáo, tôi biết rằng họ có thể tha thứ những sai lầm của tôi. Nhưng nếu tôi chịu cải đạo thì cho dù là dối trá, liệu một “người Hồi giáo ngoan đạo” - giống như Um Ali – cũng sẽ được yêu cầu tử vì đạo? Vào những thời khắc như thế này, tôi nghĩ họ bắt đầu thoải mái với tôi hơn. Có lẽ, họ sẽ không giết tôi.

Cậu con trai Bakr của Um Ali mới 3 tuổi, lanh lợi và rất được cưng chiều. Cậu bé nhảy vào vạt áo của tôi và chúng tôi cùng chơi một trò nhỏ: Cậu dí mũi vào mũi tôi, cụng đầu vào đầu tôi và chúng tôi thì thầm thật khẽ với nhau. Cậu bé nói tiếng Ả Rập còn tôi nói tiếng Anh. Trong những ngày đầu bị giam giữ, tôi thường chơi đùa với bé Bakr như vậy. Được nhìn vào đôi mắt thơ ngây của bé Bakr thực sự là niềm an ủi đối với tôi. Thật là dễ chịu khi được ôm một ai đó.

Thế nhưng, việc sống sót qua từng giờ đối với tôi đều là một kỳ tích. Mỗi ngày trôi đi đều quá dài. Um Ali thường có những cử chỉ thân thiện, chẳng hạn như mang cho tôi một tách trà. Tôi cũng cố gắng đáp lại một cách bình thường. Nhưng sau đó tôi sực nhớ họ đã sát hại Alan, người đã thông dịch cho tôi. Suy nghĩ ấy liên tục xuất hiện trong đầu tôi: Đừng ngốc như thế, Jill à. Đừng có ngốc thế. Bọn họ đã giết chết Alan

Châu Yên (dịch từ Chirstian Science Monitor)

Kỳ  5: Phim thánh chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.