82 ngày làm con tin - Kỳ 5: Phim thánh chiến

25/08/2006 09:49 GMT+7

Một buổi trưa trong tuần đầu tiên sau khi tôi bị bắt giữ và được đưa đến một căn nhà khác gần Abu Ghraib, Abu Ali gọi tôi vào một phòng họp lớn có những chiếc ghế trường kỷ bọc vải nhung màu xanh. Trên bức tường ở phía xa, phía trên một cái tivi là một poster khổng lồ có hình thác nước, đá và cây. >> Kỳ 4: Đoạn video đầu tiên >> Kỳ 3: Đoạn video đầu tiên >> Kỳ 2: “Gián điệp” bất đắc dĩ >> Kỳ 1: Bị bắt cóc

Nó trông thật là đẹp. Tôi mải miết ngắm nhìn vào nó và mê mẩn. Tôi nghĩ, ước gì mình được ở một nơi như thế.

Nhưng những kẻ bắt cóc tôi muốn tôi nhìn vào một cái khác hẳn: những đĩa DVD ghi hình họ chiến đấu.

Theo tính toán của họ, mỗi ngày họ giết chết hàng chục, thậm chí hàng trăm lính. Họ ước tính rằng tổ chức al-Qaeda tại Iraq đã giết chết ít nhất 40.000 lính Mỹ. Họ tuyên bố mình có thể chứng minh điều đó, bằng những phim video cho thấy những chiếc Humvee và xe tăng nổ tung và các tay bắn tỉa nhằm vào lính Mỹ.

Vì thế Abu Ali, kẻ bắt cóc có hàm râu lởm chởm, ấn tôi ngồi xuống và cho tôi xem những phim video đó. Những bộ phim bằng tiếng Ả Rập và được dán các biểu tượng của những nhóm nổi dậy khác nhau, bao gồm những đoạn băng ghi âm, trong đó các mujahideen cầu kinh bằng giọng thấp và điềm tĩnh. Một phim video cho thấy tất cả những người đàn ông là những kẻ đánh bom tự sát trên xe hơi. Họ phỏng vấn những người đó, rồi chiếu cảnh một bãi chiến trường có xe hơi xếp hàng dài và từng người leo lên xe, vẫy chào trong tâm trạng phớn phở, sau đó chạy xe đi. Những phim khác chiếu cảnh một chiếc Humvee đang chạy rồi nổ tung, sau đó chuyển sang chiếu một cảnh đồ họa có tia chớp lóe sáng và sấm nổ.


Jill Carroll trên truyền hình Iraq (Ảnh: AP)

Abu Ali nhìn tôi lom lom khi tôi xem phim video, đoạn hỏi tôi nghĩ gì về họ. Tôi không thể nói điều gì tốt, nhưng cố nói những cái là sự thật, chẳng hạn như “Ồ, đây là lần đầu tiên tôi xem bộ phim này. Ở ngoài kia tôi làm sao biết được chuyện này”.

Mặc dù vậy, đối với Abu Ali, đây là sứ mạng của họ, một con đường đúng đắn. Đây là công việc của họ dành cho Thượng đế.

Trong khi tôi ngồi xem phim, tôi cảm thấy những người nổi dậy đang gửi cho tôi một thông điệp: Họ căm thù người Mỹ dữ dội, họ tự hào về những vụ tấn công này. Đó là điều bình thường đối với họ.

Chắc chắn họ sẽ giết tôi. Làm sao họ không giết tôi được?

****************************************************

Vào lúc bắt đầu cuộc thử thách chí mạng, tôi đã hy vọng rằng những kẻ bắt cóc tôi là những tay mơ không thực sự biết phải làm gì đối với tôi và sẽ bắt đầu lo lắng sau một vài ngày. Sau đó họ sẽ thả tôi đi.

Tôi biết họ là những người Iraq, điều đó là tốt. Chính những phần tử nổi dậy sinh trưởng ở nước ngoài, như Abu Musab al-Zarqawi chẳng hạn, mới chặt đầu các con tin.

Họ chỉ là một nhóm nhỏ và họ bảo tôi rằng họ tập hợp lại với nhau để cùng chiến đấu chống lại quân đội Mỹ giành quyền kiểm soát thành phố Fallujah đầy bất ổn trong khu vực do người Hồi giáo dòng Sunni thống lĩnh ở phía Tây thủ đô Baghdad.

Nhưng sau một tuần bị giam giữ- cũng là lúc họ bắt tôi xem những phim video thánh chiến- thì tôi mới ngày càng rõ ràng rằng họ chẳng phải là tay mơ như tôi tưởng.

Trong vài giờ ít ỏi có điện quý giá, thỉnh thoảng họ cắm điện vào một máy cát sét và một giọng giận dữ nói tiếng Ả Rập cất lên oang oang từ căn phòng phía
đối diện với phòng họp, chỗ ngủ của những tên canh gác.

Tôi thường chỉ hiểu vài từ, như “nước Mỹ”, “Israel” và “sự chiếm đóng”, nhưng nội dung chính là gì thì đã rõ.

“Cô biết đó là ai không?” một trong những tên canh gác bất giác hỏi tôi. “Đó là tộc trưởng Abu Musab. Ông ấy là một người tốt đấy chứ? Cô có ý kiến gì về Zarqawi?”

Tôi né tránh câu hỏi, nhưng ở trong lòng, tôi cảm thấy một nỗi sợ hãi đang dâng cao. Họ là người của Zarqawi! Tôi là một người Mỹ. Tôi lại nghĩ, chẳng có cách nào thoát khỏi đây mà còn sống sót.

Trùng Quang (Dịch từ Christian Science Monitor)

Kỳ 6: Học kinh Koran 


 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.