82 ngày làm con tin - Kỳ 9: Những người anh em thánh chiến

28/08/2006 14:45 GMT+7

Chiến binh thích xem… ca nhạc (*) Abu Qarrar trẻ trung, vạm vỡ và dường như vẫn còn lạ lẫm với lối sống của một chiến binh thánh chiến. Hắn ta chẳng thuộc kinh Koran là mấy, khác hẳn các “sếp” của hắn. Nhiều khi hắn còn lén nhìn các cô gái trên các kênh truyền hình âm nhạc những khi hắn không thấy ai xung quanh.

>> Kỳ 8: Kẻ thù mới
>>    Kỳ 7: Hy vọng hão
>> Kỳ 6: Học kinh Koran
>> Kỳ 5: Phim thánh chiến
>> Kỳ 4: Đoạn video đầu tiên
>>
Kỳ 3: Đoạn video đầu tiên
>> Kỳ 2: “Gián điệp” bất đắc dĩ
>> Kỳ 1: Bị bắt cóc

Để thể hiện bản thân, hắn thường chạy tại chỗ, đá chân phải lên cao và vung vẩy tay thật mạnh như là đang diễn võ vậy. Có điều, đó là một thứ võ thật vụng về.

Còn Abu Hassan thì lớn tuổi hơn, thân thể cường tráng và lúc nào cũng sùng sục ý chí hiến dâng cho cuộc thánh chiến. Có lẽ hắn ta là một chiến binh dày dạn kinh nghiệm dù rằng cũng giống như Abu Qarrar, hắn thích phim hoạt hình “mèo và chuột”. Vâng, họ vẫn thường  xem “Tom và Jerry”.


Lính Mỹ đang truy quét các muhahideen (ảnh: AP)

Những lúc chán chường, mà điều này thì thường xảy ra, hắn ta thường dùng điện thoại di động để tự thu giọng của mình đang… giảng đạo. Hắn chọn cái bậc thang cao nhất để đứng, tưởng tượng là mình đang ở trên bục giảng đạo trong đền thờ rồi thuyết giảng thật hùng hồn. Xong xuôi, hắn mở lại để nghe chính cái giọng của mình như thể hắn đang là một giáo sĩ nổi tiếng vậy.

Hai kẻ kể trên canh gác tôi nhiều nhất. Bọn họ có nhiệm vụ báo cáo mọi chuyện với Abu Ahmed, một trong số các tay chân của Abu Nour. Abu Ahmed là một học giả Hồi giáo vừa mới dịch xong cuốn hồi ký của Henry Kissinger sang tiếng Ả Rập và đang đọc cuốn How to win friends and influence people của Dale Carnegie.

Nhưng không phải là hai người này luôn có mặt ở tất cả các ngôi nhà mà tôi bị giam cầm. Và cũng có nhiều lúc mặc dù họ có ở đó nhưng còn có một số kẻ canh giữ khác luân phiên ra vào. Nhưng dù sao đi nữa, họ là những người canh giữ tôi nhiều nhất. Thông qua họ mà tôi hiểu thêm về các chiến binh thánh chiến ở Iraq.

Những người anh em” chẳng giống nhau

Abu Qarrar và Abu Hassan là hai típ người hoàn toàn đối lập nhau, mặc dù ngoài miệng lưỡi, họ vẫn gọi nhau là “người anh em”. Về khoản này, họ là hiện thân cho những tương phản mà tôi đã nhìn thấy được ở các nhóm thánh chiến ở quy mô lớn hơn.


Một mujahidden (ảnh: Iraq resistance)

Trong bọn họ có những người thông minh nhưng cũng không thiếu những kẻ chẳng mấy sáng dạ. Một số trông rất nguy hiểm - phần lớn là những người rất sùng đạo. Cũng có một số ít tỏ ra dễ mến. Một số ít khác thì có học vấn cao. Ít nhất một trong số những người đàn bà mà tôi từng gặp tỏ ra rất cay đắng về số phận của mình trong cuộc sống.

Theo chỗ tôi được biết thì tất cả đều là người Iraq chính gốc.

Đến khi mà thời gian tôi bị giam cầm đã tính bằng tháng, Abu Qarrar và Abu Hassan ngày càng trở nên căng thẳng và nóng nảy. Họ đã quá ngán cái cảnh suốt cả ngày cứ phải ngồi một chỗ mà canh chừng tôi. Thế là họ cũng nhỏ mọn hơn và kiểm soát tôi nhiều hơn.

Còn tôi cũng chẳng khá hơn gì. Tôi mỗi ngày một tuyệt vọng, sợ hãi và giận dữ. Tôi đang bắt đầu mất kiềm chế.

Hậu quả là những căng thẳng gia tăng giữa tôi và hai người anh em thánh chiến. Nếu không nhìn mọi chuyện trong hoàn cảnh của tôi thì những căng thẳng này giống như mấy trò cãi vã của lũ trẻ con. Chúng tôi như những con thú bị nhốt trong chuồng chung với nhau.

Cô dâu tuổi 13

Abu Qarrar khoe khoang rằng hắn đã tham gia bắt cóc tôi. Nếu đúng là như thế đi chăng nữa thì tôi cũng không thấy hắn. Nhưng tôi nhớ như in rằng hắn chính là tên canh giữ tôi ngay trước cửa sổ phòng ngủ mà tôi bị giam ngay trong đêm đầu tiên tôi lọt vào tay bọn họ.

Không thể nhầm lẫn được! Cung cách ăn uống và dòng chữ bằng tiếng Ả Rập xăm trên cánh tay là những bằng chứng hùng hồn về chính hắn.

Hắn nói với tôi rằng hắn 26 tuổi. Lúc tôi mới bị bắt, hắn còn độc thân. Sau đó, hắn “nghỉ làm” trong một thời gian để chuẩn bị đám cưới với một cô dâu 13 tuổi.

Hắn chẳng biết email là cái gì cả. Hắn cũng không hề biết chiếc máy tính tròn hay vuông. Hắn từng tròn xoe mắt khi nhìn thấy một cái khui đồ hộp. Cũng có những lúc hắn và tôi hòa thuận nhưng nhìn chung, tôi thấy hắn chẳng khác nào một thằng nhóc ngỗ nghịch chỉ thích tỏ ra quyền hành trước người khác mà cụ thể là tôi đây.

Tôi đã sớm thấy điều này. Ngay trong ngày đầu tiên canh giữ tôi, hắn liên tục hé cửa nhìn vào. Hắn muốn chứng tỏ là hắn đang kiểm soát để tôi không tẩu thoát. Tôi đã từng nghe nói rằng sẽ có lợi nếu các con tin cố gắng sao cho những kẻ bắt cóc xem họ là con người. Để chiếm cảm tình của hắn, tôi cố gắng nói chuyện và tỏ ra rất tha thiết nhờ hắn dạy tiếng Ả Rập.

Thường thì tôi hỏi hắn tiếng Ả Rập của các đồ vật xung quanh. Tôi tỏ ra rất cởi mở, thậm chí thân thiện. Đó là một sai lầm rất lớn.

Ở một nền văn hóa bảo thủ như Iraq, bạn không nên hành xử như thế. Họ sẽ hiểu sai ý bạn. Thế là hắn ta ngày càng khắt khe và thậm chí độc đoán với tôi hơn.

Xung đột

Abu Hassan là kẻ tôi gặp sau Abu Qarrar. Hắn lớn tuổi hơn - tôi đoán vào khoảng 32 và đã có vợ con. Trong khi Abu Qarrar chẳng ra dáng thể thao tí nào thì thân thể Abu Hassan lại rất cân đối và săn chắc. Hắn ta nói với tôi là hắn từng là một giáo viên thể dục. Chẳng hiểu sao tôi lại rất ấn tượng về chuyện hắn từng là thành viên của lực lượng vệ binh cộng hòa tinh nhuệ của Saddam Hussein.


Kaffiyeh - cái khăn trùm ca rô trắng đen chính là “thương hiệu” của các mujahideen (ảnh:CNJ)

Lúc đầu, tôi thấy hắn dễ mến hơn những “người anh em thánh chiến” khác. Ở cái tuổi 32, hắn có  vẻ chững chạc hay ít nhất cũng đáng tin cậy hơn. Sau đó, tôi nhận thấy rằng phải canh giữ tôi, hắn cũng khổ sở không ít. Phải gò bó trong những ngôi nhà chật hẹp, nhiều lúc hắn cũng muốn nổi điên tới nơi. Hắn tự kìm chế bằng cách đi tới đi lui, đọc fatiha, tức chương đầu trong kinh Koran.

Quan hệ giữa những “người anh em thánh chiến” với nhau chẳng hề bình đẳng tí nào. Có những lúc Abu Hassan cư xử với Abu Qarrar như thể hắn ta là một kẻ học việc vậy,

Chẳng hạn như kẻ lớn tuổi dạy cho kẻ trẻ hơn cách lau ổ đạn và tháo ráp bộ phận nạp đạn. Tôi lấy làm mừng cho sự an toàn của chính mình vì để mua vui, Abu Qarrar thường chĩa súng vào tôi và giả vờ bắn.

Thỉnh thoảng Abu Hasssan ra ngoài vào lúc trời tối để đặt bom rồi đợi đến lúc trời sáng lại rời nhà một lần nữa để kích nổ quả bom. Có lần, khi ở “hội quán” (từ tôi vẫn quen gọi), hắn hoãn giờ đi kích nổ lại vì lính Mỹ có mặt ở khắp nơi trong khu vực vào lúc đó.

Thế là Abu Qarrar nổi máu anh hùng. Hắn chộp lấy cái kaffiyeh ca rô trắng đen, loại khăn trùm đầu mà những kẻ nổi dậy vẫn hay dùng, hất nó quàng lên vai trông rất “kêu”rồi hùng hồn tuyên bố hắn sẽ đi chiến đấu chống lại lính Mỹ bất chấp hậu quả có như thế nào đi chăng nữa.

Với cung cách như một ông giáo gặp phải đứa học trò ngỗ ngược, Abu Hassan túm lấy vai Abu Qarrar, giựt cái kaffiyeh trước sự phản ứng kịch liệt của Abu Qarrar. Abu Hassan biết rõ kaffiyeh tượng trưng cho cái gì. Đó chính là một cái bảng hiệu sáng nhấp nháy trước mắt bất kỳ một người lính Mỹ nào với dòng chữ ghi thật to bên trên: “Hãy bắn đi! Tôi là một chiến binh thánh chiến!”.

Kiều Oanh (dịch từ Christian Science Monitor)

(*): Các tiêu đề phụ do TNO đặt

Kỳ 10: Tuyệt vọng




 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.