Trên danh nghĩa, quyết định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng 66% mức độ vay tín dụng cho Philippines lên 3 tỉ USD trong thời hạn 2015 -2018 không có gì đặc biệt.
Tôn chỉ mục đích của ADB là cung cấp tín dụng cho những dự án phát triển kinh tế xã hội ở những nước đang phát triển, đặc biệt về cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, bảo vệ môi trường… Philippines hiện có nhu cầu lớn về những loại tín dụng ấy. Nghĩa là về lý thì quyết định của ADB không có gì gây tranh cãi.
Tuy nhiên, vẫn có bên tỏ ra nghi ngờ khi ADB tăng cấp phát tín dụng nhiều như vậy cho Philippines. Cũng giống như Mỹ và EU lần lượt cầm chịch Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhật Bản là thành viên có sức ảnh hưởng lớn nhất của ADB.
Sự ra đời của Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) và Ngân hàng Phát triển mới (NDB) báo hiệu rằng đã xuất hiện những tác nhân mới muốn chen chân rồi dần lấn vào sân chơi vốn tới giờ thuộc độc quyền của WB, IMF và ADB. Trong cả AIIB lẫn NDB đều có vai trò, ảnh hưởng nổi bật của Trung Quốc. Tới đây, những ai không thể hoặc không muốn dựa cậy vào WB, IMF và ADB sẽ có lựa chọn thay thế mới. Ba thể chế tài chính - tiền tệ này vì thế buộc phải tự thay đổi.
Nhật Bản lại đang như Philippines đều bị Trung Quốc tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Hai nước này đã trở nên cùng hội cùng thuyền trong việc ứng phó Trung Quốc. Quyết định nói trên của ADB rất dễ bị hiểu theo hướng Nhật Bản dùng ADB để tranh thủ và ràng buộc Philippines.
Bình luận (0)