Afghanistan: Một thập kỷ chiến tranh

07/10/2011 12:53 GMT+7

(TNO) Một thập kỷ chiến tranh lấy mất hàng ngàn mạng sống và hàng trăm tỉ USD đã để lại cho Afghanistan một chính phủ tham nhũng và một viễn cảnh hòa bình tăm tối.

Mỹ và Anh đã triển khai cuộc không kích ở Afghanistan vào ngày 7.10.2001, chưa đầy một tháng sau vụ khủng bố 11.9.2001.

Cuộc không kích nhanh chóng được theo sau bởi một cuộc đổ bộ nhằm lật đổ chính quyền Taliban và tiêu diệt những nơi trú ẩn của al-Qaeda.

Lúc ban đầu, có một trạng thái hân hoan giữa những người Afghanistan từng bị đàn áp dưới chính quyền hà khắc của Taliban, phong trào vốn cấm phụ nữ đến trường, cấm phụ nữ tham gia hoạt động xã hội bên ngoài gia đình, cũng như cấm âm nhạc và thể thao.

Sau một thập kỷ, những tòa nhà cao tầng, những trung tâm mua sắm và công nghệ hiện đại đã thay đổi một phần Kabul, song nhiều người Afghanistan hiện nhìn 14.000 binh sĩ nước ngoài do Mỹ chỉ huy như là lực lượng chiếm đóng chứ không phải là những người giải phóng.


 Một binh sĩ Mỹ ở Afghanistan - Ảnh: AFP

Tổng thống Hamid Karzai, người từng một thời được tán tụng tại các thủ đô của phương Tây, đã trở thành một trong những người bị chỉ trích gay gắt nhất của cộng động quốc tế, cụ thể về số lượng thương vong của dân thường, và chính phủ của ông được xem là tham nhũng và yếu ớt.

Khi bị lật đổ, Taliban đã tháo chạy sang Pakistan với lực lượng suy yếu trầm trọng và bạo lực đã sụt giảm trong vài năm. Song lực lượng này đang xây dựng lại và sau 10 năm, năm 2011 đang trở thành một năm chết chóc nhất với dân thường ở Afghanistan.

“Khi Taliban bị lật đổ, chúng tôi tin rằng các đồng minh quốc tế sẽ mang lại an ninh cho đất nước chúng tôi song điều đó không xảy ra. Thay vào đó, họ giết hại dân thường của chúng tôi thay vì tiêu diệt các tay súng Taliban”, Sharif Siddiqui, một kỹ sư 35 tuổi ở Kabul, nói.

Những nỗ lực đạt đến hòa bình với Taliban chỉ đạt được những tiến triển ít ỏi, thậm chí trước khi đặc phái viên hòa bình Burhanuddin Rabbani bị ám sát vào tháng trước, làm bùng lên căng thẳng sắc tộc và đe dọa làm suy yếu thêm nữa chính phủ của ông Karzai.

Với việc binh lính nước ngoài theo kế hoạch sẽ rút đi vào năm 2014, một số chuyên gia lo ngại rằng đất nước này sẽ rơi vào một cuộc nội chiến, vốn làm thiệt mạng hàng ngàn người trong thời kỳ 1992 - 1996.

“Lo ngại của nhiều người ở đây là nếu hoạt động chính trị không thể giải quyết, điều chúng ta sẽ thấy là khi lực lượng quốc tế rút đi, sẽ có một cuộc nội chiến đích thực”, chuyên gia Kate Clark thuộc Mạng lưới các nhà nghiên cứu Afghanistan nói.

Nghiên cứu của Đại học Brown (Mỹ) cho thấy, tổng cộng ít nhất 33.877 người gồm binh sĩ Afghanistan và nước ngoài, dân thường, quân nổi dậy và những người khác đã thiệt mạng trong 10 năm qua.

Cho đến nay, cuộc chiến đã làm Mỹ mất đi ít nhất 444 tỉ USD.

Chiến dịch Tự do Bền vững đã lật đổ được Taliban chỉ trong hai tháng với sự giúp đỡ từ các chiến binh Afghanistan thuộc Liên minh phương Bắc.

Các trường học được mở cửa trở lại, ông Karzai được bổ nhiệm và một số phụ nữ, dù không phải là tất cả, đã bỏ khăn trùm đầu trong khi sự chú ý của Mỹ chuyển sang cuộc chiến ở Iraq.

Ngày nay, Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO do Mỹ chỉ huy (ISAF) đã thừa nhận rằng, sự tự mãn quá sớm đã giúp Taliban trỗi dậy trở lại.

“Không ai nghĩ chúng có thể phục hồi trở lại. Có lẽ do bị mờ mắt bởi thành công, chúng tôi đã phạm sai lầm vào lúc đó”, người phát ngôn của ISAF, Thiếu tướng Carsten Jacobson, nói với AFP.


 Các bé gái Afghanistan học kinh Koran tại trường - Ảnh: AFP

Phải mất 10 năm để truy lùng và tiêu diệt Osama bin Laden trong một ngôi nhà ở ngoại ô nằm gần một học viện quân sự hàng đầu của Pakistan vào tháng 5 năm nay.

Vụ tiêu diệt mang đến cho Mỹ một chiến thắng song nó cũng cho thấy rằng, cuộc xâm lược của họ vốn được lên kế hoạch nhằm triệt tiêu những nơi trú ẩn an toàn của al-Qaeda chỉ đơn giản đẩy chúng sang bên kia biên giới Pakistan.

Một số người cho rằng đó không chỉ là sai lầm duy nhất vào lúc này. Các chuyên gia viện dẫn sự xa cách giữa những tham vọng cao ngất của Mỹ trong việc kiến thiết Afghanistan và hiện thực.

“Vỏ ngoài của thành công làm mê mẩn, nó khuyến khích mở rộng tham vọng của Mỹ và những cam kết khoa trương ngay cả khi cuộc chiến ở Iraq làm bận tâm chính quyền Bush…”, Daniel Markey - chuyên gia cao cấp về Ấn Độ, Pakistan và Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ - nói.

Bạo lực bùng phát trở lại vào năm 2007 và 2008 sau khi Taliban tập hợp lại ở vùng căn cứ thuộc vành đai bộ lạc ở Pakistan.

Chỉ có 70 binh sĩ nước ngoài mất mạng vào năm 2002. Song vào năm 2008, con số này đã tăng lên 295 và lên đến 521 trong năm 2009, theo website độc lập iCasualties.org.

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lên thay George W. Bush vào năm 2009, ông đưa việc chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Câu trả lời của ông là gửi thêm 50.000 binh sĩ đến Afghanistan và bổ nhiệm người có công mang lại hòa bình cho vùng Balkan, Richard Holbrooke, làm đặc phái viên của mình tại Afghanistan và Pakistan.

Với sự tăng cường lực lượng nhằm đập tan Taliban, năm ngoái trở thành năm chết chóc nhất với kỷ lục 711 binh sĩ nước ngoài tử trận.

Holbrooke qua đời vào năm ngoái và Mỹ chuẩn bị rút 33.000 trong số 100.000 binh sĩ trú đóng ở Afghanistan vào giữa năm 2012. Anh và Pháp cũng sẽ giảm quân số vào năm tới.

Vấn đề nan giải cho toàn bộ chiến lược là chuyển giao việc đảm trách an ninh cho lực lượng cảnh sát và quân đội Afghanistan.

Quân số của binh sĩ và cảnh sát địa phương sẽ tăng lên 352.000 người vào tháng 11.2012 theo một chương trình to lớn trị giá 11,6 tỉ USD chỉ trong năm nay, song các lo ngại về năng lực của lực lượng này vẫn còn đó.

Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm đào tạo, Trung tướng Mỹ William Caldwell, thừa nhận rằng khoảng 3.000 chuyên gia huấn luyện quốc tế có thể phải ở lại Afghanistan đến khoảng năm 2020.


 Một thiếu niên Afghanistan và một binh sĩ Mỹ - Ảnh: AFP

Bất chấp việc người Mỹ tuyên bố chiến thắng, Taliban đã thực hiện một loạt các vụ ám sát chấn động và các vụ tấn công tự sát ngày càng gia tăng nhắm vào thủ đô của Afghanistan.

Liên Hiệp Quốc cho biết, các vụ bạo lực đã tăng 39% trong tám tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm ngoái.

Những nỗ lực nhằm đập tan hoạt động buôn bán ma túy vốn dùng để gây quỹ cho quân nổi dậy cũng chỉ đạt được những thành công hạn chế với việc Liên Hiệp Quốc chỉ dự báo một mức giảm nhỏ trong hoạt động trồng trọt cây anh túc trong năm nay.

Bất luận ai là người chiến thắng, các chuyên gia nói chỉ riêng hoạt động quân sự sẽ không mang lại ổn định cho đất nước trừ khi tình trạng tham nhũng phổ biến được vạch mặt.

“Có một phản ứng với chính quyền Afghanistan tham nhũng, nếu bạn nhìn xem quân nổi dậy phát triển, được hỗ trợ bằng cách nào và từ đâu”, chuyên gia Clark nói.

Cái chết của ông Rabbani cũng khiến một số người dự báo rằng Liên minh phương Bắc, tổ chức mà ông là lãnh đạo chính trị, có thể tái vũ trang để báo thù.

"Khả năng một cuộc nội chiến xảy ra đã tăng cao trong nhiều năm, song nó có thể tăng lên đáng kể lúc này”, chuyên gia Shashank Joshi thuộc Viện Royal United Services của Anh nhận xét sau cái chết của ông Rabbani.

Sơn Duân
(Theo AFP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.