Afghanistan trong vòng xoáy bất ổn mới

Ngọc Mai
Ngọc Mai
11/07/2021 09:00 GMT+7

Tình hình Afghanistan trở nên khó lường khi lực lượng Taliban nhanh chóng gia tăng ưu thế sau khi Mỹ rút quân sớm khỏi nước này.

Taliban kiểm soát 85% lãnh thổ ?

Lực lượng Taliban ngày 9.7 tuyên bố đã chiếm được Torghundi - cửa khẩu biên giới quan trọng giữa Afghanistan với Turkmenistan. Các nguồn tin an ninh Afghanistan cho biết Taliban cũng đã chiếm giữ tỉnh Herat giáp ranh Iran, cũng như cửa khẩu lớn nhất giữa hai nước là Islam Qala, theo Reuters. Trước đó, Taliban giương cờ trên chiếc cầu bắc qua sông Panj nối Afghanistan và Tajikistan.

Taliban tuyên bố đã kiểm soát phần lớn Afghanistan

Phát ngôn viên của Taliban là Shahabudding Delawar thậm chí tuyên bố lực lượng này hiện đã kiểm soát 85% lãnh thổ ở Afghanistan và tất cả khu vực biên giới của nước này, theo Bloomberg ngày 10.7. Taliban đã tăng cường tiến quân và chiếm đóng nhiều nơi trong những tuần gần đây, nhưng thông tin về 85% lãnh thổ vẫn chưa được phía chính phủ Afghanistan xác nhận. Dù vậy, Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Fawad Aman hôm qua nói rằng việc Taliban chiếm giữ các khu vực dọc biên giới sẽ không kéo dài và quân đội Afghanistan đang đẩy mạnh các cuộc tấn công để sớm giành lại quyền kiểm soát.

Bên ngoài báo động

Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Taliban hiện đã kiểm soát 2/3 khu vực biên giới của Afghanistan giáp với Tajikistan. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 9.7 bày tỏ quan ngại cuộc xung đột ở Afghanistan có thể lan sang Tajikistan, tuy nhiên nhấn mạnh Moscow sẽ không can thiệp khi cuộc chiến vẫn nằm trong biên giới Afghanistan.

Hệ lụy khó lường

Taliban đã đảm bảo với Nga rằng lực lượng này không gây ra mối đe dọa nào cho Nga và các nước đồng minh Trung Á của họ, đồng thời cam đoan sẽ không để Afghanistan thành nơi được sử dụng để tấn công nước khác, theo tờ Washington Post. Tuy nhiên, tình thế hiện tại khiến nguy cơ bất ổn và khủng hoảng ngày càng rõ ràng, không chỉ trong nội bộ Afghanistan mà cả khu vực. Cộng đồng tình báo Mỹ từng nhận định chính quyền và quân đội Afghanistan có thể sụp đổ và tạo cơ hội cho Taliban nắm quyền trở lại.
“Sự hỗn loạn ở Afghanistan có thể lan sang các nước khác và dẫn đến bất ổn trong khu vực”, theo Bloomberg dẫn lời Giáo sư Fan Hongda tại Viện Nghiên cứu Trung Đông, Đại học Quốc tế học Thượng Hải (Trung Quốc). Ông Gautam Mukhopadhaya, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Afghanistan, thì cho rằng khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phần còn lại của thế giới cũng sẽ không tránh khỏi những thay đổi trong cân bằng địa chính trị, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực. Ông cũng nhận định nhiều nước sẽ phải thay đổi chính sách trong thời gian tới nếu Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan.
Giới chức Tajikistan thì lo rằng nước này không thể kiểm soát biên giới nếu không có sự trợ giúp của tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO - liên minh quân sự khu vực do Nga dẫn đầu). Ngoài việc điều 20.000 quân đến biên giới, Tổng thống Emomali Rahmon của Tajikistan đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và được ông Putin cam kết hỗ trợ Tajikistan khi cần.

Ngoại trưởng Nga: Mỹ muốn hiện diện quân sự xung quanh Afghanistan

Trong khi đó, Iran cho hay an ninh tại biên giới với Afghanistan vẫn đảm bảo, xác nhận nhiều nhân viên an ninh Afghanistan chạy sang lãnh thổ Iran do các cuộc giao tranh với Taliban. Dù vậy, quân đội Iran tuyên bố đang giám sát hoạt động “dù nhỏ nhất” tại biên giới với Afghanistan, theo AFP.
Tình hình chuyển biến nhanh khi Mỹ đẩy sớm việc rút quân khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến dai dẳng 20 năm qua. Nga kêu gọi Mỹ thể hiện trách nhiệm khi rút quân để đảm bảo không ảnh hưởng tới an ninh của Afghanistan. Ấn Độ, Trung Quốc đều đang theo sát tình hình và sớm thảo luận với Nga cùng các nước khác về vấn đề Afghanistan. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8.7 bảo vệ quyết định của mình và tuyên bố rằng chính người dân Afghanistan phải quyết định tương lai đất nước, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.