Metro Bến Thành - Suối Tiên: Ai điều chỉnh tường vây ngầm 2 m còn 1,5 m ?

26/12/2018 07:23 GMT+7

Gói thầu 1a (phần xây dựng đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP) dài khoảng hơn 500 m, có giá trúng thầu khoảng 4.850 tỉ đồng; hợp đồng ký kết vào ngày 14.10.2016.

[FLYCAM] Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhìn từ trên cao
Trong đó, hạng mục tường vây được xem là một trong những hạng mục quan trọng then chốt đối với yêu cầu an toàn của công trình, do nhà thầu phụ là Công ty Bachy Soletanche VN trúng thầu thi công.
KTNN và Thanh tra TP.HCM chỉ ra Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) và các đơn vị có liên quan đã điều chỉnh hạ độ dày tường vây ngầm gói thầu 1a từ 2 m như trong thiết kế được duyệt, xuống còn 1,5 m khi thi công trên thực tế; việc điều chỉnh này bị xác định là có sai phạm.
Trưa 25.12, ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, xác nhận: “Sở vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc này”. Trong khi đó, một lãnh đạo Thanh tra TP.HCM cho hay việc điều chỉnh xảy ra dưới thời ông Lê Nguyễn Minh Quang làm Trưởng ban MAUR.
Một kỹ sư (đề nghị giấu tên) đang tham gia thi công tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, cho hay tường vây thuộc gói thầu 1a được hiểu vừa là bức tường bao quanh và cũng là chân nhà ga. “Do kết cấu quan trọng như vậy nên xét về mặt kỹ thuật hay định tính, thì nếu tường vây càng mỏng sẽ tạo ra biến dạng càng lớn, ảnh hưởng đến các công trình xung quanh nhà ga”, vị kỹ sư này nói. Vị này cũng cho biết việc giảm độ dày tường vây này sẽ giúp giảm chi phí cho công trình, nhưng nếu xét về tổng thể chi phí chưa chắc đã giảm vì có khi phải tốn thêm thanh chống...
TS Phạm Văn Long, Phó chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình VN, cho rằng: “Khi có đầy đủ số liệu về kết cấu, thì về nguyên tắc vẫn cho phép tăng hay giảm độ dày tường vây để tối ưu hóa kết cấu”. Theo TS Long, độ dày tường vây phụ thuộc nhiều yếu tố như đất phía sau tường, mực nước ngầm của đất phía sau tường…, cho nên trong quá trình thi công, chủ đầu tư, nhà thầu có quyền tính toán để thay đổi tường vây và phải chịu trách nhiệm với sự thay đổi đó. Một điều tiên quyết là khi thay đổi bề dày tường vây thì đơn giá tính toán chi phí phải giảm theo.
Tối 25.12, trả lời Thanh Niên, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban MAUR, cho biết việc thay đổi thiết kế tường vây tuyến metro số 1 (đoạn gói thầu 1a) đã giúp cho chủ đầu tư tiết kiệm 4 triệu USD (tương đương 93 tỉ đồng) và tiết kiệm thời gian thi công 5 tháng so với phương án ban đầu.
Ông Quang cho hay chiều dày tối đa của tường vây của metro là 1,5 m, kể cả những khu vực đông dân cư, có nhiều công trình quan trọng. Tuy nhiên, qua bên gói thầu này thì tường vây lại lên tới 2 m. Cho nên khi được giao nhiệm vụ trưởng ban, toàn quyền phụ trách DA, ông cho rằng tường vây này không phù hợp và đề nghị tư vấn sửa lại. Việc sửa lại thiết kế tường vây này qua sự thẩm tra của các đơn vị tư vấn độc lập là Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Sao Việt và Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông vận tải Tedi thuộc Bộ GTVT. Sau khi đơn vị này thẩm tra, MAUR mời một nhóm chuyên gia ở Đại học Xây dựng, UBND TP giao Sở GTVT mời Công ty tư vấn giao thông Tedi thẩm tra, sau đó mới cho phép thay đổi thiết kế, thi công. Hiện tại khu vực này đã được đào xuống.
Liên quan KTNN cho rằng việc điều chỉnh thiết kế tường vây từ 2 m xuống 1,5 m là chưa phù hợp về mặt trình tự thủ tục, ông Quang cho biết theo nguyên tắc, tất cả thẩm định thay đổi thiết kế của DA phải trình cho Sở GTVT phê duyệt. Tuy nhiên năm 2015, UBND TP có ủy quyền cho MAUR được quyền tổ chức thẩm định này. Liên quan việc dư luận băn khoăn việc Công ty Bachy Soletanche VN do ông Quang trước đó làm tổng giám đốc được giao thực hiện thi công phần tường vây, ông Quang cho hay “đây là một câu chuyện dài” và 2 sự việc này không liên quan đến nhau.
Trung Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.