Ai đứng sau các vụ tấn công ở Na Uy?

23/07/2011 15:10 GMT+7

(TNO) Các nhà điều tra ở Na Uy đang gấp rút tìm hiểu xem liệu có phải nghi can bị bắt giữ trong các vụ tấn công ở Na Uy hoạt động đơn độc hay không.

>> Thế giới choáng váng trước vụ tấn công ở Na Uy
>> Hình ảnh vụ đánh bom kinh hoàng tại Oslo
>> Ít nhất 87 người chết trong hai vụ tấn công tại Na Uy
>> Nổ bom ở Oslo, thủ tướng Na Uy an toàn

Phát biểu sau các vụ tấn công làm ít nhất 87 người thiệt mạng hôm 22.7, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg gợi ý rằng tay súng thực hiện vụ tấn công dường như là thành viên của một nhóm lớn hơn.

Ông nói: “Tôi có một thông điệp dành cho kẻ tấn công chúng tôi và những kẻ đứng đằng sau: Các người sẽ không hủy diệt được chúng tôi”.


Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo sau các vụ tấn công - Ảnh: AFP

Ông Stoltenberg nói ông chưa muốn đoán xem liệu có phải một nhóm khủng bố chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hay không. Các chuyên gia tình báo từ chối loại bỏ khả năng các vụ tấn công là hành động của những phần tử cực hữu thay vì một nhóm khủng bố Hồi giáo.

Theo tờ Telegraph và tờ The Guardian, vụ đánh bom ở Oslo và vụ xả súng ở đảo Utoya có vẻ như nhắm trực tiếp vào đảng Lao động cầm quyền.

Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Knut Storberget nói, tay súng bị bắt là người Na Uy song bổ sung: “Tôi không biết nhiều về hắn ta”. Một số tường thuật vào đêm qua cho biết kẻ bị bắt là người gốc Bắc u tóc vàng.

Theo tờ New York Times, một nhóm tự nhận là Ansar al-Jihad al-Alami vào đêm qua đã đưa ra tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công, trong đó nói rằng đây là câu trả lời cho sự hiện diện của quân đội Na Uy ở Afghanistan và sự lăng mạ tiên tri Muhammad. Tuy nhiên, tuyên bố đã được rút lại sau đó.

Trong khi kỹ thuật thực hiện các vụ tấn công liên hoàn là một phương pháp được al-Qaeda ưa thích, các chuyên gia an ninh nói những nhóm khủng bố khác cũng có thể bắt chước cách thức tấn công từng được chứng minh là hữu hiệu này.

Một người phát ngôn của tổ chức tư vấn rủi ro Executive Analysis ở London (Anh) nói với tờ Telegraph vào đêm qua: “Nhiều khả năng nghi can là người mang sắc tộc Na Uy. Điều này có thể cho thấy sự dính líu của một nhóm cực hữu thay vì một nhóm Hồi giáo, mặc dù cũng có thể đảng Lao động là một mục tiêu ưa thích của các nhóm Hồi giáo, dựa vào vai trò của đảng này khi phê chuẩn việc triển khai quân đội Na Uy ở Afghanistan”.

Báo chí Na Uy vào đêm qua cũng đưa tin cảnh sát không cho rằng các vụ tấn công liên hệ đến chủ nghĩa khủng bố quốc tế và nó nhiều khả năng dính líu trực tiếp đến hệ thống chính trị hiện tại. Một cảnh sát giấu tên tiết lộ với hãng AP rằng nghi can của vụ tấn công dường như không liên hệ đến phong trào khủng bố Hồi giáo.

Tuy nhiên al-Qaeda cũng nổi tiếng với việc phương thức tuyển mộ những phần tử cực đoan địa phương. Một báo cáo của cơ quan tình báo Na Uy vào đầu năm nay đã lưu ý đến nguy cơ khủng bố trong nước do các công dân Na Uy được huấn luyện ở Pakistan, Somalia, Yemen hoặc Afghanistan gây ra.

“Mặc dù có ít người ở Na Uy ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, có những hoạt động trong một số nhóm có thể góp phần gia tăng nguy cơ an ninh trong năm 2011”, báo cáo viết.

Ngoài ra, al-Qaeda cũng có một số động cơ để lựa chọn Na Uy vào mục tiêu tấn công. Một trong số đó là sự hiện diện của quân đội nước này tại Afghanistan mặc dù chỉ có 500 binh sĩ Na Uy đóng ở đó.

Vào cuối năm 2007, Ayman al-Zawahiri, người giờ là thủ lĩnh al-Qaeda sau cái chết của Osama bin Laden, tuyên bố al-Qaeda sẽ nhắm đến Na Uy vì nước này “tham gia vào cuộc chiến chống lại người Hồi giáo”.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.