Ai nuôi nghệ sĩ? Đen Vâu đã có câu trả lời từ lâu

21/05/2021 18:31 GMT+7

Bắt đầu từ bài viết trên trang cá nhân của một đạo diễn sân khấu tại TP.HCM, câu hỏi “nghệ sĩ và khán giả - ai nuôi ai" bỗng trở thành chủ đề được giới nghệ sĩ tranh luận nhiều ngày nay.

Một bên ủng hộ quan điểm: nghệ sĩ tự nuôi bản thân chứ khán giả không nuôi nghệ sĩ. Nghệ sĩ lao động và đáng được hưởng thành quả, chứ không thể quan niệm họ được khán giả ban cho bát cơm.  

Một bên thì cho rằng, nghệ sĩ cũng là người bán sản phẩm đặc biệt, mà người mua chính là người nuôi nghệ sĩ. Chẳng hạn, ca sĩ “bán” giọng hát cũng như nhà thiết kế thời trang bán trang phục.

Còn một bên ủng hộ suy nghĩ: khán giả và nghệ sĩ đều cần có nhau, chi bằng trân trọng nhau.

Bản thân chữ “nuôi” đã được nhiều nghệ sĩ mổ xẻ với những quan điểm khác nhau. Cuộc tranh luận khó mà có điểm kết thúc, bởi mỗi nghệ sĩ đều có cái lý của mình. Và quan điểm của họ cho câu trả lời này cũng phần nào cho thấy quan điểm làm nghề của nghệ sĩ đó.

Trước kia, những nhà hát cô đầu ở thành phố mang mô hình nhà hát thính phòng cho thấy sức sống tự thân của loại nhạc chuyên nghiệp. Khi được gọi là chuyên nghiệp có nghĩa là loại nhạc đó đã thành phương tiện nghệ thuật để kiếm sống.

Nói rộng ra, hiện nay, yếu tố quan trọng cho thấy sự chuyên nghiệp của một loại hình nghệ thuật là loại hình đó phải có thị trường, tức là có sự trao đổi mua bán (mua tranh, mua vé xem phim, nghe nhạc, kịch, ballet...).

Nhiều người cho rằng, việc tranh luận kia là quá "xàm", thay vào đó, nghệ sĩ và khán giả cần nhìn lại đúng vai trò và trách nhiệm của cả hai bên.

MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên vội vàng giải thích về phát ngôn 'khán giả nuôi nghệ sĩ'

Về việc “ai nuôi nghệ sĩ”, rõ ràng, hiện nay nhiều nghệ sĩ sống và làm nghề nhờ tiền cát sê, cũng như sự hỗ trợ của những nhãn hàng, nhà tài trợ… Chẳng phải trong MV Bài này chill phết, Đen Vâu thành thật, viết rằng: “Bài hát này đã có quảng cáo. Không có tiền thì làm nhạc làm sao?”…

Nghệ sĩ tham gia quảng cáo đã là chuyện bình thường, không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, đáng nói là trong thời gian qua, báo chí cùng cơ quan quản lý đã phải đánh động trước việc nhiều nghệ sĩ được đông đảo khán giả yêu mến đã tham gia “bán” dược phẩm, thực phẩm chức năng “thổi phồng” sự thật.

Do tin tưởng nghệ sĩ, nhiều người “đâm đầu” vào mua sản phẩm. Đến khi biết được thông tin, không ít người cảm thấy phẫn nộ bởi chẳng khác nào lâu nay họ bị “lừa”. Bên cạnh đó, hàng loạt nghệ sĩ (và cả những người tự nhận là nghệ sĩ) đã quảng bá, lôi kéo đầu tư tiền ảo bất hợp pháp. Liệu có phải để "nuôi" mình mà những “nghệ sĩ” đó thiếu (hoặc không có) trách nhiệm trước khán giả, trước xã hội?

Còn khán giả liệu đã ý thức về trách nhiệm của mình? Khán giả - người tiếp nhận những sản phẩm nghệ thuật cần thay đổi hành vi, thói quen của mình. Chẳng hạn, thay vì xem phim lậu hãy biết xem phim có bản quyền, thay vì nghe nhạc lậu hãy biết nghe nhạc trả phí, hãy ủng hộ nghệ sĩ với tác phẩm, sáng tạo mới cùng những tấm vé vào rạp trên tay…

Chỉ khi nghệ sĩ và khán giả ý thức được đúng trách nhiệm của mình thì lúc đó mới có môi trường hoạt động và thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Và nhờ đó, cả nghệ sĩ lẫn khán giả đều được “nuôi” cả!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.