Alibaba gặp khó vì kinh tế Trung Quốc

19/09/2015 20:14 GMT+7

(TNO) Alibaba từng có một khởi đầu như mơ khi lên sàn chứng khoán nhưng giờ đây hãng thương mại điện tử số một Trung Quốc đang khó trăm bề. 1.000 USD giá trị cổ phiếu hãng Alibaba hồi đầu năm nay chỉ còn lại chừng 635 USD.

(TNO) Alibaba từng có một khởi đầu như mơ khi lên sàn chứng khoán nhưng giờ đây hãng thương mại điện tử số một Trung Quốc đang khó trăm bề. 1.000 USD giá trị cổ phiếu hãng Alibaba hồi đầu năm nay chỉ còn lại chừng 635 USD.

Nhà sáng lập hãng Alibaba Jack Ma - Ảnh: AFP
Tỉ phú sáng lập hãng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba, ông Jack Ma, chỉ có một công thức đơn giản cho sự hạnh phúc: Quan tâm đến bạn bè, đừng quá lo về chuyện tiền bạc và cuối cùng cũng là quan trọng nhất, đừng đem công ty lên sàn chứng khoán.
Theo CNN, một năm kể từ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và giữ danh hiệu đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất lịch sử, Alibaba đang chồng chất khó khăn.
Đã từng có lúc giá trị thị trường Alibaba vượt qua cả đại gia bán lẻ Walmart và hãng thương mại điện tử Amazon. Hiện tại, cổ phiếu công ty Trung Quốc này đã sụt giảm 45% kể từ mức đỉnh lập ra ngày 15.11 năm ngoái và đang giao dịch ở mức dưới 68 USD/cổ phiếu.
Đầu năm nay, tỉ phú Jack Ma từng nói: “Nếu tôi có thể làm lại, tôi sẽ giữ công ty mình ở trạng thái tư nhân. Cuộc sống khó khăn hơn khi bạn để doanh nghiệp của mình thành công ty đại chúng”.
Khi nhắc đến nguyên nhân khiến sức khỏe của ông lớn thương mại điện tử châu Á xấu đi, giới phân tích chỉ ra các yếu tố: kinh tế Trung Quốc, hàng giả, sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác, chi tiêu cao và cách quản lý doanh nghiệp.
Hoạt động của Alibaba ít nhiều chịu ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc. Biến động thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế Đại lục yếu đi là hai yếu tố mà họ ít có khả năng kiểm soát. Thương mại điện tử vẫn là hoạt động kinh doanh chủ chốt của Alibaba, vì thế chuyện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của công ty.
Vấn đề đau đầu thứ hai đối với ông chủ của Alibaba là hàng giả. Tỉ phú Jack Ma và những nhà điều hành cấp cao của hãng đã hứa rằng sẽ loại hàng giả, hàng nhái khỏi các nền tảng thương mại điện tử của họ. Song có vẻ như lời hứa này được đưa ra khá muộn màng, sau khi thương hiệu Gucci đã hai lần đệ đơn kiện và cả giới chức Đại lục cũng cảnh báo về hàng giả.
Hai lý do tiếp theo cho sự suy giảm của Alibaba là mức độ cạnh tranh lớn hơn từ các công ty đối thủ, đơn cử như JD.com, nền tảng thương mại điện tử mà đứng sau là đại gia điện thoại di động Tencent, và số tiền chi tiêu quá nhiều cho các hoạt động mua bán, đầu tư.
Cuối cùng, giới phân tích cho rằng cách quản lý doanh nghiệp là lý do khiến hãng Alibaba điêu đứng. Ông lớn thương mại điện tử đã từng chọn Mỹ, thay vì Hồng Kông, là nơi niêm yết doanh nghiệp. Tuy vậy, với phương châm “khách hàng là trên hết, nhân viên là mối quan tâm tiếp theo và cuối cùng là cổ đông", Jack Ma và công ty của ông vẫn chưa có nhiều hành động để giải đáp các mối lo ngại và sự suy xét kỹ lưỡng của giới đầu tư, chuyên gia phân tích.
Dù thế, Bloomberg và CNN cũng cho hay Alibaba vẫn còn khá nhiều ưu điểm. Một trong số đó là việc hãng đã có được vị trí thống trị tại một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới. Cách quản lý, quản trị của công ty cũng đang dần được cải thiện.
Chuyên gia James Cordwell, hãng chứng khoán Atlantic, nhận định dù Alibaba sẽ trải qua 2 đến 3 quý khó khăn sắp tới, những thử thách này sẽ giúp họ trở trở thành một doanh nghiệp vững chãi hơn trong 10 năm nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.