Ám ảnh xe khách đường dài - Kỳ 2: “Bến xe gia đình”

23/09/2011 01:46 GMT+7

Thay vì đón khách tại bến theo quy định, các nhà xe lại tập kết khách tại gia, sau đó chạy vòng vèo bắt khách, nhồi nhét khách.

 

Một bến xe khách tự phát trên đường phố Hà Tĩnh

Từ Hà Tĩnh, chúng tôi đặt vé xe giường nằm (2 tầng) nhà xe D.T, đi Hà Nội, xuất bến 9 giờ tối. Đầu tiên đặt vé đôi, tức nằm giường đôi, nhưng đi được chừng 2 km nhà xe nhét thêm 2 người khác vào. Hành khách trên xe đều chịu cảnh “nằm một thành hai” như vậy, thậm chí hành khách còn chịu cảnh nằm dưới sàn xe.

Vừa dỗ vừa dọa

Tái phạm nhiều lần vì có bảo kê

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đánh giá: “Nhiều nhà xe vi phạm, rồi tái phạm trắng trợn vì đã được bảo kê. Khi xử lý, nhiều người trong đó có cả cơ quan quản lý đứng ra “xin” tha. Nhiều trường hợp theo quyết định của tôi, sẽ phải nhốt xe, nhưng vẫn có người xin tha. Có cả thế giới ngầm trong giới xe khách, nhà xe nào gấu hơn thì thắng. Có trường hợp một xe đã xuất phát trước, ra đến cầu vượt Pháp Vân (Hà Nội), có cú điện thoại bắt phải nằm lại đấy chờ 12 xe khác của một doanh nghiệp đi qua mới được đi. Nhà xe này phải nằm đấy chờ, dù hành khách phản ứng, nhưng cũng không dám báo với cơ quan chức năng vì sợ bị “xử lý”. Để lập lại trật tự tại các bến xe, cần có sự vào cuộc của lực lượng an ninh, để xử lý những nhóm xã hội đen. Ví dụ như nhóm đối tượng “thương binh giả” chặn ngay đầu Bến xe Giáp Bát, làm luật ngầm tại bến, sẵn sàng đánh những ai chống đối”.

Chủ nhà xe kiêm luôn lơ xe, cứ đi một đoạn thì bắt lái xe tạt sang bên đường bắt khách. Do ngày cuối tuần lại đi chuyến ban đêm nên hành khách không xác định được xe đã quá tải, cứ vô tư lên. Khi phát hiện không còn chỗ ngồi, khách xin xuống thì chủ xe dọa: “Đã lên xe rồi thì đừng xuống nữa, mất thời gian!”. Để giải quyết chỗ ngồi, bà này sẽ đề nghị hành khách bất kỳ nhường nửa ghế nằm cho người mới lên, không cần phân biệt nam hay nữ.

Một hành khách bức xúc: “Mấy người hành nghề không coi trọng sự an toàn khách, chúng tôi sẽ gọi điện báo CSGT”. Nhưng chủ xe tỉnh rụi: “Cứ gọi điện cho CSGT đi, không thích thì xin mời xuống, để cho người khác lên”.

 Anh Nguyễn Ngọc Trung (ở TP Vinh, Nghệ An) phản ánh, trong một lần về Hà Tĩnh, anh đặt vé xe xuất bến 15 giờ chiều. Do đặt vé trước nên anh được nằm yên vị một ghế. Còn nhiều hành khách không mua vé, bắt xe dọc đường thì chủ xe nhét chật cứng giữa hành lang. Qua mỗi chốt kiểm soát, nhà xe bắt nằm bẹp xuống, tránh tầm nhìn của công an.

Ước tính TP Hà Tĩnh hiện có gần 200 xe khách. Tuy nhiên, cùng với việc xuất hiện nhiều loại xe khách “giường nằm cao cấp” đã kéo theo sự ra đời các bến xe cóc mà người dân quen gọi là “bến xe gia đình”. Theo đó, các nhà xe tự phân chuyến, phân luồng, phân giờ... để hoạt động mà không cần tập kết tại bến xe theo quy định và không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Bất chấp quy định

Riêng tỉnh Hà Tĩnh đã có 315 đầu xe hoạt động trên 8 bến trong toàn tỉnh, trong đó có 39 nhà xe gia đình đăng ký theo hình thức hoạt động doanh nghiệp. Có 30 xe khách chạy tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội và khoảng từ 5 đến 10 xe chạy tuyến Hà Tĩnh - Sài Gòn.

Tuy nhiên ông Trương Huy Nguyên, Phó ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh thừa nhận, hiện tượng nhà xe tự lập bến đón trả khách đến thời điểm này vẫn tồn tại. Thay vì đón khách tại bến theo quy định, họ sẽ tập kết khách tại nhà riêng, sau đó chạy vòng vèo “hốt” thêm ít khách vãng lai, đến giờ khởi hành mới cho xe vào nhận lệnh xuất bến. Thậm chí một số nhà xe còn tự khởi hành ngay tại bến gia đình, bất chấp quy định.

Ông Nguyễn Nhật, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo an toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm, quyết liệt đối với các phương tiện vi phạm, nhất là xe khách gia đình. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ rút giấy phép hoạt động. “Mang tiếng là doanh nghiệp nhưng hầu hết hoạt động theo kiểu các nhà xe gia đình, đón bắt trả khách không đúng quy định. Một trong những nguyên nhân của tình trạng để xảy ra tai nạn nghiêm trọng thời gian qua là do sự phát triển quá nhanh của lượng phương tiện này, trong khi ý thức chấp hành luật giao thông không được nâng lên, các tuyến đường không được nâng cấp”,  ông  Nhật đánh giá.

Vụ tai nạn xe khách Phú Quý, trên quốc lộ 1A, H.Can Lộc (Hà Tĩnh) khiến 2 người chết, 25 người bị thương vào ngày 5.7.2011 cũng là do lái xe tự phụ rằng, đã về đến “đất” mình thì thoải mái phóng nhanh, công an có bắt thì cũng “người nhà”, cho đi hết. Theo kết luận điều tra tại Công an H.Can Lộc, xe này chạy vượt quá tốc độ rồi lao thẳng vào chiếc xe container đang rẽ vào đổ hàng.

Khi hỏi các nhà xe gia đình, họ thản nhiên lý giải rằng do đầu tư số tiền quá lớn để sắm xe giường nằm, mỗi chiếc có giá trên 2 tỉ đồng, nên buộc họ phải nghĩ ra cách nhanh nhất để thu lại vốn. Và “phương án kinh doanh”, trên thực tế đang diễn ra là chạy nhanh, vượt ẩu để tăng chuyến, bắt khách dọc đường; hoặc tự phân chuyến, phân luồng, phân giờ... nhằm mục đích khai thác, thu hút triệt để hành khách đi xe.

 

Nhồi nhét khách trên xe - ảnh: Trương Hoa

 Trương Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.