Paul McCartney: Cuộc chơi trên sân sau

17/09/2005 15:33 GMT+7

Một loạt những tên tuổi cựu trào tung ra album mới, Eric Clapton với Back home, Rolling Stones với A bigger bang và Paul McCartney với Chaos and creation in the backyard. Đĩa nhạc cuối vượt lên trên những tác phẩm mới của hai đồng nghiệp cùng ngoại lục tuần kia, đánh dấu sự trở lại ấn tượng kể từ thất bại của Driving rain năm 2001 và hàng loạt chuyến lưu diễn thành công. Nhân dịp này, tạp chí Billboard ngày 3.9 đã đưa Paul lên trang bìa và dành 36 trang cho chuyên đề "McCartney".

Ảnh bìa là góc nhìn qua rèm cửa sổ, một Paul McCartney trẻ trung ngồi khảy đàn trên ghế, cạnh hàng rào sân sau. Không có một khán giả nào mà chỉ có lộn xộn chăn màn đang phơi phóng nhưng gương mặt Paul rất nghiêm túc, chăm chú cho một sự sáng tạo nào đó. Cuộc chơi đùa với sáng tạo diễn ra ở sân sau nhà nên Paul "bao sân" gần như toàn bộ album, giống như đĩa McCartney, đĩa nhạc solo đầu tay của anh năm 1970. Guitar, keyboard, trống và dĩ nhiên là bass, bên cạnh đó còn có nhiều nhạc cụ thuộc bộ gỗ, bộ đồng, đàn dây, các nhạc cụ gõ được Paul đem ra tự tay "xử" hết. Autoharp, cello, flugelhorn, harmonium, maracas, melodica, spinet, tubular bells, vibrachime, các loại nhạc cụ lạ lẫm rất khó dịch tên được xếp hàng sau cái tên Paul McCartney trong phần "credits". Theo lời tự thú của Paul (xem video clip trên trang paulmccartney.com), anh cũng chẳng có ý định để các nhạc công khác thất nghiệp như thế, chẳng qua Nigel Godrich, nhà sản xuất của album cứ hỏi Paul "anh chơi guitar đoạn này được không?", "anh chơi trống ở đoạn kia nhé". Nigel nổi danh với việc sản xuất album OK Computer cho Radiohead, Mutations cho Beck, The man who cho Travis.

Mở đầu với câu nhạc trên piano giống như một bài hát của ABBA, Fine line dễ nhớ hơn khi so sánh với Lady Madonna. Ca khúc này là đĩa đơn đầu của album và lẹt đẹt ở vị trí 31, không phải của bảng xếp hạng Hot 100 ở Mỹ mà của Top "nhạc đàng hoàng dành cho người trưởng thành" (Adult contemporary). Ở Anh, thứ hạng có khá hơn, hạng 17 trong Top 40. Fine line xứng đáng hơn thế, thấp thoáng tư tưởng phản chiến.

Bài Jenny Wren được chính Paul mô tả "là con gái của bài Blackbird". Nếu bạn đã xem phim I am Sam, hẳn vẫn còn nhớ bản Blackbird này, khi Sean Penn trèo trên cây thả con chim giấy xuống với cô bé Dakota Fanning. English tea nhộn nhịp và tươi vui, phải chăng nhớ đến Octopus's garden, Martha my dear hay sau này là Uncle Albert/ Admiral Halsey. Đoạn giang tấu bằng sáo ở giữa bài khiến bài hát cực kỳ đáng nhớ dù phần lời rất đơn giản và đời thường về thú uống trà, ăn bánh của người Anh trong một buổi sáng chủ nhật đầy nắng bên khu vườn trải dài "vượt qua cả cây liễu rủ". Certain softness lắc lư một tí Bosanova, một tí Another day. Riding to Vanity Fair có tiếng đàn chuông glockenspiel lóng lánh nhưng đây là bản nhạc buồn và dài nhất đĩa. Trên đường đến hội chợ phù hoa, những ý nghĩ về một tình bạn đổ vỡ trào ra day dứt. Đáng ngạc nhiên là người bạn trong ca khúc này cũng là một người bạn nhạc, người mà khi còn trẻ, "chúng tôi thường hát vang và tin vào mọi lời trong các bản nhạc", người mà "tôi đã nghe bản nhạc quen thuộc của anh quá đủ rồi". Phải chăng...? Quá khứ, hoài niệm vẫn hiện diện trong đĩa. Cây guitar thùng sử dụng trong album là cây Epiphone mà Paul từng dùng để đệm cho bài Paperback writer khi xưa. Bài Friends to go nghe như một bản nhạc được viết bởi George Harrison. Follow me là ca khúc mà Paul đã trình làng đầu tiên tại nhạc hội Glastonbury vừa qua. This never happened before đơn giản là một bản tình ca được chơi chậm rãi.

Năm 1967, trong album Sgt Pepper's lonely heart club band, Paul hát "Liệu em có cần tôi nữa khi tôi 64 tuổi?" (bài When I'm 64). Hoàn thành album solo thứ 20 Chaos and creation in the backyard khi đã 63 tuổi, người yêu nhạc mãi mãi cần Paul McCartney. Cùng lúc với đĩa CD, một DVD cũng sẽ được phát hành. Nếu trên kệ đĩa của bạn có dành sẵn một ngăn dán nhãn "Tuyển tập những album hay nhất năm 2005", bộ CD/DVD này xứng đáng có mặt trước tiên.

Một đĩa nhạc rất hay nữa cũng đến từ nước Anh mà nếu bạn thích nghe "nhạc đàng hoàng" thì không nên bỏ qua: I am a bird now của Antony Hegarty và ban nhạc The Johnsons. Dù có gây nhiều tranh cãi nhưng đây là lựa chọn hoàn hảo và xứng đáng cho giải thưởng Mercury năm nay.

Trí Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.